Chợ truyền thông vẫn có sức hút với người tiêu dùng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là nhận định được các chuyên gia thị trường đưa ra trong báo cáo về Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ năm 2019 vừa được Vietnam Report phát hành.
Trong khảo sát của Vietnam Report, có đến 98% số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng gần như toàn bộ doanh thu đến từ các cửa hàng, đại lý, chỉ có khoảng 2% đến từ bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Đây cũng là động lực thúc đẩy các nhà phân phối hàng hóa tiêu dùng gia nhập vào thị trường Việt Nam, chứng tỏ sức thống trị thị trường của các kênh bán hàng truyền thống.
Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, thị trường đã chứng kiến việc mở mới thêm hàng trăm cửa hàng tiện ích, siêu thị để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại các đô thị lớn trên địa bàn cả nước. Tính đến nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi, tăng gấp đôi so với hai năm trước, hơn 8.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ.
Xét về kinh nghiệm phát triển trung tâm thương mại, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ nước ngoài có mô hình hiện đại và tiềm lực tài chính. Nhưng các doanh nghiệp Việt đang chứng tỏ lợi thế trong phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích.
Đặc biệt, thời gian tới khi thị trường ở khu vực đô thị đang dần trở nên bão hòa thì thị trường bán lẻ hiện đại sẽ đi về vùng nông thôn, nơi đang là "mảnh đất" đầy tiềm năng để các doanh nghiệp phát triển kênh phân phối.
Khu vực nông thôn với gần 80% diện tích và đang chiếm hơn 70% số dân Việt Nam là một quy mô thị trường khá lớn và khu vực này đang có nhu cầu mua sắm tăng theo cấp số nhân do sự cải thiện thu nhập nhanh chóng.
Vietnam Report dựa đoán tổng doanh thu bán lẻ Việt Nam sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6% từ năm 2018. Trước đó, trong giai đoạn 2013-2018, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của ngành bán lẻ Việt đạt 10,97%.
Tốc độ tăng trưởng cao trong lĩnh vực bán lẻ Việt đạt được là do quy mô dân số lớn với hơn 97 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, trong đó 60% dân số ở độ tuổi 18-50.
Bên cạnh đó, dự báo của Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng cho thấy chi tiêu hộ gia đình của người Việt tăng trung bình 10,5%/năm đi kèm tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Sự trỗi dậy của các kênh bán lẻ kỹ thuật số và thương mại điện tử cũng hỗ trợ cho đà phát triển của thị trường bán lẻ.
Tuy vậy, những năm gần đây, thị trường bán lẻ vẫn chứng kiến không ít doanh nghiệp cả nội và ngoại đã buộc phải rời bỏ thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen người tiêu dùng Việt Nam để điều chỉnh các hướng chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
Dự kiến quý 4 năm 2019 và trong cả năm 2020 nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng phát triển chuỗi hệ thống bán lẻ trên thị trường cả nước. Sự kết hợp giữa hệ thống bán lẻ hiện đại và các kênh tiêu dùng truyền thống đã dần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, báo cáo nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận