Phóng to |
Nhiều bà nội trợ mua thực phẩm an toàn tại các cửa hàng tiện lợi - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Tại đây, bà nội trợ chấp nhận mua bó rau, cọng hành, con cá, miếng thịt tươi sống với giá nhỉnh hơn chợ, nhưng bù lại họ không phải lo lắng quá nhiều về an toàn vệ sinh thực phẩm hay bị nói thách.
Tiện và tươi
Khoảng 19g, bà Hương (ngụ Q.1, TP.HCM) trên đường đi làm về vội tạt ngang cửa hàng Co.opFood trên đường Pasteur, Q.1. Ít phút sau, bà rời cửa hàng với giỏ rau, trứng và ít hải sản. Bà nói từ khi cửa hàng này mở ở khu vực gần nhà, việc chuẩn bị bữa cơm cho gia đình không chỉ tiện mà bữa cơm cũng ngon hơn. Khá nhiều bà nội trợ đang dần quen với việc mua sắm ở những cửa hàng này.
Tại cửa hàng tiện lợi, thực phẩm chiếm 80-90% hàng bán tại đây. Cửa hàng mở cửa từ 6g-21g và được trưng bày như một siêu thị thu nhỏ với đầy đủ cá, thịt, rau, củ, trái cây, gia vị... Gần đây còn có thêm thực phẩm chế biến sẵn để giảm thời gian chuẩn bị bữa cơm cho bà nội trợ cùng với dịch vụ giao hàng tận nơi.
“Ngay tên thương hiệu gắn với chữ “food” (thực phẩm) cũng cho thấy những tiện lợi mà khách đến đây đều gắn với nhu cầu ăn uống, tiêu dùng hằng ngày” - bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, phụ trách chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.opFood, nói. Mở cửa hàng đầu tiên từ năm 2008, đến nay Co.opFood có 24 cửa hàng, nhưng đại diện Co.opFood cũng thừa nhận những ngày đầu không dễ thay đổi tập quán mua sắm từ chợ, tiệm tạp hóa sang cửa hàng tiện lợi của người dân. Nhờ lợi thế giá cả ổn định, thực đơn phong phú, lượng khách mới đông dần.
Cánh tay dài của chương trình bình ổn Theo bà Lê Ngọc Đào - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, về lâu dài những cửa hàng thực phẩm tiện lợi sẽ là những điểm bán hàng bình ổn giá, nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, dần thay thế chợ nhỏ, chợ lòng lề đường, chợ tự phát... Trong kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển điểm bán nhằm đưa hàng bình ổn giá đến tận tay người tiêu dùng, hiện nay TP có khoảng 315 cửa hàng văn minh tiện lợi và 1.287 điểm bán nằm trong các khu vực dân cư. Từ đây đến cuối năm sẽ có thêm ít nhất 15 cửa hàng thực phẩm tiện lợi được mở và con số này sẽ tăng mạnh trong năm kế tiếp khi UBND TP đang có chủ trương thu hồi nhiều mặt bằng bỏ trống, kinh doanh không hiệu quả để giới thiệu cho các doanh nghiệp khai thác. |
Theo bà Lê Minh Trang - tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), kế hoạch trong năm nay SatraFood sẽ mở mười điểm dựa trên nguồn mặt bằng thuê giá thấp và nguồn cung hàng hóa từ các công ty thành viên. Tại chuỗi cửa hàng Vissan, hiện người tiêu dùng cũng đã mua được nhiều thực phẩm chế biến sẵn hơn, Vissan cũng tăng tốc với 77 cửa hàng, bình quân mỗi tháng có thêm một điểm mới. Khá âm thầm, New Chợ của Công ty Bách Hóa Mới cũng nhanh chóng thu hút khách nhờ sự đầu tư khá bài bản trong nhận diện thương hiệu lẫn quy cách trình bày hàng hóa.
Ngoài những nhà bán lẻ chuyên nghiệp, mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi còn ghi nhận sự tham gia của nhiều doanh nghiệp như Công ty Ba Huân, Seaspimex, Minimart của Công ty cổ phần thực phẩm thương mại dịch vụ Sài Gòn...
Vào khu dân cư, bệnh viện
Không thể mở siêu thị ở khu dân cư do không có mặt bằng lớn, các cửa hàng thực phẩm tiện lợi là hướng đi giúp nhà phân phối mở rộng thị phần. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, tổng giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex, cho biết khó khăn kinh tế đã làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của hệ thống siêu thị. Lãi suất cao, chi phí mặt bằng đắt đỏ khiến việc mở siêu thị chững lại.
Bên cạnh các cửa hàng chuyên kinh doanh thời trang, Vinatex sẽ phát triển các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi trong bệnh viện. Hiện Vinatex đã nhận được lời đề nghị của gần mười bệnh viện mở siêu thị mini và đã mở thành công hai trong số đó. “Với lợi thế đang có 1.050 nhà cung cấp, việc đàm phán hàng hóa, giá cả của Vinatex cũng khá thuận lợi” - bà Hương nói. Trong chiến lược phát triển đến năm 2015, Vinatex sẽ nâng lên 200 siêu thị và cửa hàng.
Mặc dù đánh giá đây là mô hình tiềm năng nhưng những người nhập cuộc cho biết vẫn luôn có những rủi ro nếu doanh nghiệp không có sự đánh giá đúng. Chưa kể nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế cũng đang muốn nhảy vào lĩnh vực này. Ông Đỗ Trọng Vinh, tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy đặc sản Seaspimex, cho biết chọn cách thức mở những cửa hàng thực phẩm tiện lợi để mở rộng thị trường nội địa nằm trong chiến lược dài hơi quay về thị trường nội địa của đơn vị. Hiện Seaspimex cũng chỉ tận dụng mặt bằng sẵn có chứ chưa dám đi thuê. Trong khi đó, SatraFood cũng xác định sẽ tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng mở rộng vì đến nay vẫn còn cửa hàng chưa có lời.
Bà Tuyết Hoa cho biết sau ba năm vừa làm vừa thử nghiệm, Co.opFood đã tự rút ra và điều chỉnh khá nhiều so với cửa hàng ban đầu. Cơ cấu hàng hóa mỗi cửa hàng cũng khác nhau, nhà bán lẻ phải quan sát để có điều chỉnh phù hợp với sức mua của địa bàn đó. Ví dụ như Co.opFood trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phải tăng thêm đồ dùng thiết yếu như xà bông, khăn mặt bên cạnh thực phẩm tươi sống, chế biến. Ở khu vực đông dân cư, tỉ lệ hàng thực phẩm chế biến sẵn tăng thêm 10% để giảm thời gian bếp núc cho bà nội trợ. Theo kế hoạch, Co.opFood sẽ tăng tốc số điểm bán trong năm nay với mục tiêu đến năm 2015 đạt đến con số 150 cửa hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận