Khách hàng tự lấy sản phẩm tại cửa hàng Refill Station bỏ vào đồ chứa mang theo - Ảnh chụp màn hình CNA
Đài Channel News Asia (Singapore) ngày 12-10 đã có bài viết về những "cửa hàng không tiện lợi" (inconvenience store) giúp Thái Lan "xanh" hơn giữa cuộc khủng hoảng rác nhựa. Chúng khác với những cửa hàng tiện lợi (convenience store) thông thường ra sao?
Bà Papawee Pongthanavaranon - một nhà bán lẻ Thái Lan có cách bán hàng "ngược đời" so với mọi người - là một trong những người đang theo đuổi cách làm ăn như vậy.
Papawee cho biết những khách hàng của bà phải chuẩn bị sẵn túi mua sắm và những dụng cụ đựng khác khi đến cửa hàng tự phục vụ "Refill Station" (tạm dịch: trạm tái nạp) của bà ở thủ đô Bangkok.
Tại những cửa hàng thân thiện môi trường như của bà Papawee, các sản phẩm được tính tiền theo số lượng và cửa hàng không phát túi nhựa hoặc rất hạn chế đồ nhựa. Từ dầu gội đầu tới nước rửa chén, khách hàng tự mang đồ chứa đến mua về. Những món đồ có thể dùng lại như ống hút cũng được bán tại đây.
Các sản phẩm tại cửa hàng Refill Station - Ảnh chụp màn hình CNA
Hình thức này hiện phổ biến tại một số nước phát triển, nơi người dân có nhận thức ngày càng tốt hơn về các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, ở Thái Lan, đây là một khái niệm mới và những "trạm tái nạp" như trên đã bắt đầu mọc lên.
"Chúng tôi là một cửa hàng không tiện lợi. Trong khi những cửa hàng khác theo phương châm ‘sẵn sàng ăn, sẵn sàng nấu và sẵn sàng dùng’, chúng tôi không có gì sẵn sàng cả. Tất cả sản phẩm tại đây đều khiến cuộc sống thêm không tiện lợi, nhưng khách hàng của chúng tôi sẵn sàng thay đổi" - bà Papawee chia sẻ.
Người phụ nữ 30 tuổi từng tốt nghiệp ngành kiến trúc này đã mở cửa hàng trên với những người cùng tư tưởng cách đây 2 năm, tại một trong những con đường nhộn nhịp nhất Bangkok. Họ là những nhà bảo vệ môi trường nhiệt huyết với hi vọng trải rộng những "khái niệm xanh" ở thủ đô của Thái Lan.
Những loại ống hút có thể dùng nhiều lần được bán tại Refill Station - Ảnh chụp màn hình CNA
Cục quản lý đô thị Bangkok cho biết mỗi ngày ước tính 10.000 tấn rác thải, trong đó có 80 triệu túi nhựa, được thu gom. Dữ liệu cho thấy trung bình một người ở Bangkok dùng 8 túi nhựa/ngày và họ thường quăng đi sau khi dùng một lần.
Các sản phẩm bằng nhựa - với dạng gốc có thể mất tới 400 năm để phân hủy - thường được chuyển tới các bãi rác sau khi bị vứt đi. Quá trình này khiến chính quyền Bangkok tốn 700 baht (23 USD) cho mỗi tấn rác nhựa.
Tại Thái Lan, vấn đề rác nhựa báo động tới mức khiến bộ trưởng môi trường nước này thuyết phục 43 trung tâm mua sắm lớn và các cửa hàng tiện lợi dừng phát túi nhựa cho khách hàng kể từ ngày 1-1-2020.
"Sau thời gian dài vận động chống rác nhựa, giờ là lúc phải có hành động thật sự. Hãy quen với việc mang theo các túi mua sắm bằng vải. Hãy giảm một chút sự tiện lợi, để thế giới và môi trường còn chung sống với con người trong lâu dài" - Bộ trưởng Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa phát biểu hồi tháng 8.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận