01/02/2021 13:20 GMT+7

"Cụ" xà cừ 100 năm ở Huế được giữ "sinh mạng' nay đã lên mầm xanh

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Mầm xanh đã hồi sinh trên cổ thụ được trồng lại sau khi bị bão quật ngã. Việc giữ 'sinh mạng' cho cây cổ thụ hơn 100 năm tuổi này chẳng khác gì cứu chữa một con người.

Cụ xà cừ 100 năm ở Huế được giữ sinh mạng nay đã lên mầm xanh - Ảnh 1.

Cây xà cừ cổ thụ khổng lồ khi chưa bị bão quật ngã - Ảnh: NGUYỄN VÕ HINH

"Đây là dấu hiệu sự sống ban đầu, là sự tái sinh rất có triển vọng. Hi vọng qua mùa rét mướt này, các chồi cây sẽ vượt lên mạnh. Qua đợt rét, đến đợt nắng, nhiệt độ cao một thời gian mà chồi không héo thì sẽ an toàn.

Chuyên gia cây xanh ĐỖ XUÂN CẨM

"Cụ" xà cừ ấy được đánh số quản lý 13, cao chừng 20m, đường kính gốc khoảng 1,4m được cho rằng hơn 100 tuổi trên hè đường Lê Duẩn, ngay chân cầu Phú Xuân, TP Huế. 

Sau lần bị quật ngã do bão số 13 rạng sáng 15-11-2020, chính quyền TP Huế đã tổ chức trồng lại tại công viên Phú Xuân, cách vị trí cũ chừng 12m về hướng bờ Hương giang.

Hồi hộp dõi theo những mầm sống

Lời anh bạn reo vui trong điện thoại: ""Cụ" xà cừ số 13 đã lên mầm rồi. Mừng quá, "cụ" đã sống lại rồi, đến xem ngay". Buổi sáng Huế rét đậm, tôi đến ngay trong niềm vui. Toàn bộ gốc cây, thân và tám nhánh chính được quấn lưới nhựa mềm màu đen.

Tôi nhìn kỹ, nhánh lớn nhất đường kính chừng 70cm chưa thấy mọc chồi. Ba nhánh khác nhỏ hơn cũng đang "im lìm". Trong khi bốn nhánh còn lại, rất nhiều mầm xanh đã mọc lên. Có điểm đến sáu bảy chồi dài hơn gang tay, rất nhiều lá màu xanh pha tím nhạt, mơn mởn sự sống.

Còn nhớ sáng 15-11, ngay sau bão, nhiều người dân Huế vô cùng tiếc nuối khi đi ngang đường Lê Duẩn trước kinh thành, nhìn cổ thụ xà cừ ngã vào phía công viên Phú Xuân. 

Toàn bộ gốc rễ chỏng chơ bày ra mặt đường. Không ai không chú ý đến "cụ" cây này. Sự ấn tượng không chỉ ở to lớn cổ lão, mà còn nằm cạnh đầu bắc cầu Phú Xuân ngay trước kinh thành. Dáng thế trông như cánh tay nhiều ngón: cẳng tay mọc xiên từ mặt đất, trên bàn tay xòe ra những ngón lớn tỏa đi các hướng. 

Đặc biệt có ngón dáng hình dích dắc hướng lên trời cao. Dưới những tán lá dày là hàng chục khối u rất lớn nhiều hình thù kỳ dị trên thân cổ thụ.

Cụ xà cừ 100 năm ở Huế được giữ sinh mạng nay đã lên mầm xanh - Ảnh 3.

Dấu hiệu sự sống của xà cừ cổ thụ đã thể hiện qua những mầm xanh - Ảnh: THÁI LỘC

Quyết tâm giữ "mạng" cổ thụ

Sáng sau bão, tân Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định chia sẻ lên mạng xã hội sự tiếc nuối và kế hoạch về số phận "cụ 13":

"Trải qua hàng trăm trận bão trong đời, đến cơn bão thứ 13 của năm 2020 thì "cụ" xà cừ được đánh số quản lý 13 (trước bến xe Nguyễn Hoàng) đã không trụ nổi nữa. Rất nhiều người Huế đã tiếc nuối. 

"Cụ" sẽ được cố gắng chữa trị ở một nơi khác. Nếu "cụ" không qua được, cũng như số phận của hàng loạt cây cổ thụ khác trong thành phố đã nằm xuống qua những trận bão năm 2020 này, các "cụ" sẽ tiếp tục sống mãi với người dân thành Huế chúng ta. Các "cụ" sẽ là chất liệu cho một cuộc thi điêu khắc diễn ra trong festival 2021 và sẽ được trưng bày trong không gian thích hợp để tất cả mọi người tưởng nhớ... và để luôn nhắc nhở mọi người ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên".

Cũng sáng hôm ấy, lãnh đạo chính quyền có mặt. Ông Hoàng Hải Minh - chủ tịch UBND TP Huế - kể: "Anh Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh, và tôi có mặt rất sớm, vô cùng tiếc nuối. Ý tưởng ban đầu là phải trồng lại. Chúng tôi nhắm vị trí cũng ven sông Hương đoạn Kim Long nhưng vẫn rất lo lắng không biết có sống nổi hay không". 

Sau khi cắt tỉa kỹ thuật cành lẫn rễ, việc chở "cụ" lên Kim Long được tính toán lại, thấy không khả thi vì gốc nhánh quá lớn, cồng kềnh. Phương án trồng tại chỗ được bàn tới cũng không ổn bởi hệ chống đỡ rất lớn, ảnh hưởng đi lại lẫn mỹ quan. Thế là phương án trồng vị trí hiện nay, cách chỗ cũ chừng 12m về phía bờ sông Hương được chọn.

Ngày 16-11-2020, khi cẩu "cụ" cây lên cao chừng 3m để chuyển vào hố trồng thì cáp xe cẩu bất ngờ bị đứt làm ngã xuống khiến ai cũng tái mặt, nghĩ chuyện tâm linh, vì xe cẩu tải trọng 50 tấn và sợi cáp được tính toán dôi dư nhiều so với trọng lượng thân cây. Có người chứng kiến bảo: ""Cụ" không muốn rời chỗ của mình". Một công nhân được cử đi mua bó nhang về thắp...

Nay, sau hai tháng rưỡi trồng lại, cây đã ra nhiều mầm xanh tốt. Ông Đặng Ngọc Quý cho biết: "Chúng tôi vẫn tăng cường chăm sóc, phun thuốc chống sâu bệnh, phòng mối mọt; những chồi non nhú ra được bơm thuốc kích thích để phát triển. Chúng tôi tin ở mức 60-70% sẽ sống, nhưng cũng rất lo "cụ" sống giả".

Cây nghĩa cây tình

Có nhiều ký ức rất khác nhau về "cụ" cổ thụ được nhắc nhớ. Người thì bảo "cụ" chắc chắn hơn trăm năm tuổi, người bảo cây nghiêng "từ cả trăm năm trước rồi", có người lại quả quyết ""cụ" bị nghiêng trong cơn bão 1985".

Theo chuyên gia cây xanh Đỗ Xuân Cẩm, để xác định tuổi chính xác thì phải khoan thân để xác định vòng tăng trưởng, nhưng để làm được là rất khó. 

Theo ông: "Với đường kính 1,4m thì cây này đã trên 100 tuổi, có lẽ do bão làm nó bật nghiêng, người ta không dựng thẳng, chỉ cắt nhánh, sau đâm cành mới tạo thành hình dáng đặc biệt như thế". 

Sống gần đó, ông Nguyễn Văn Tánh, 85 tuổi, nói: "Tui tới đây năm 1971 thì thấy "cụ" to lớn lắm rồi. Hình như "cụ" bị nghiêng trong bão 1985, trước đó thấy "cụ" đứng thẳng mà".

Bà Oanh ở cách cây cổ thụ mấy chục bước chân, kể thời học Trường Đồng Khánh, khi cầu Trường Tiền gãy trong Tết Mậu Thân (1968), học sinh mới đi đò sang bến Thừa Phủ. 

Bà nhớ như in những bận nữ sinh Đồng Khánh khi bước lên đò thường bị đám nam sinh Trường Quốc Học tinh nghịch khoát nước làm áo dài trắng áp sát thân thể, bến đò lúc ấy chỉ cách cây ít bước chân. Trước khi có cầu Phú Xuân (1972), người ta làm cầu phao cho xe qua lại và mở đường vòng qua gốc xà cừ khi ấy đã to lớn.

Chúng tôi tin cây nghiêng từ rất sớm khi gặp vợ chồng cụ Trương Thị Lợi và Lê Tùng đang ở trong Thành nội, từng sống nhờ vả dưới thân nghiêng xà cừ. 

""Cụ" nớ răng (ra sao) rồi? Già quá, mấy trăm tuổi rồi chi nữa, to lớn nằm nghiêng từ xưa lắm rồi. "Cụ" là ân nhân gia đình tui đó. Tui thương dữ lắm" - cụ Lợi xúc động kể. 

Vốn ở đối diện cây, đến năm 1983 nhà bị giải tỏa mất chỗ làm ăn nên cụ Lợi sắm xe nước mía, đưa sang gốc xà cừ mưu sinh trong suốt bốn năm.

"Mong "cụ" sống. Nhờ gốc cây nghiêng của "cụ" mà gần chục miệng ăn nhà tui sống đủ mấy năm, tình nghĩa dữ lắm. Nghe "cụ" bị trúc (ngã) mà thương, mong sao "cụ" sống. Để qua đợt lạnh, tui kêu đứa cháu chở ra thăm "cụ" liền" - cụ Lợi trải lòng.

xa cu 3

Vị trí trồng mới cách nơi cũ khoảng 12m về phía bờ sông Hương - Ảnh: THÁI LỘC

Sáng 15-11-2020 ngay sau bão, nhiều người đến xem tỏ vẻ tiếc nuối, đưa lên mạng hình ảnh thảm thương của "cụ" kèm lắm bình luận, tiếc nuối, trách cứ bên quản lý cây xanh không lo cắt tỉa để nên nỗi "cụ" nằm lăn.

Và những điều này đều tới tai ông Đặng Ngọc Quý - phó giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế - người có mặt từ sáng sớm: "Bà con, chắc vì thương tiếc cho cây mà nặng lời. Có người nói bên tai tôi là có khi cố ý để cây đổ rồi chia nhau gỗ".

Giữ cổ thụ 100 năm cho bến Người tình Giữ cổ thụ 100 năm cho bến Người tình

TTO - 'Cây da cổ thụ thân thương đã trở thành một phần ký ức của người Sa Đéc rồi. Chúng tôi quyết bảo tồn dù có người muốn đốn bỏ' - ông Võ Thanh Tùng, nguyên chủ tịch UBND TP Sa Đéc (Đồng Tháp), chia sẻ.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp