Phóng to |
Năm 2003, Bộ GD-ĐT giao cho tỉnh Bạc Liêu 21 suất cử tuyển học sinh các dân tộc vào học (chương trình lớp riêng) tại các trường Đại học Luật, Nông lâm, Kinh tế, Kiến trúc, Y dược (TP.HCM) và Đại học Cần Thơ (đó là chưa kể năm chỉ tiêu cử tuyển do Bộ Xây dựng giao xét cử vào học Trường cao đẳng Xây dựng miền Tây).
Tại quyết định số 963/QĐ-CT do phó chủ tịch tỉnh kiêm chủ tịch hội đồng xét cử tuyển Bùi Chí Hiếu ký ngày 22-8-2003, có 14 học sinh Bạc Liêu được cử tuyển với danh sách đính kèm thì ngoại trừ chín học sinh là người dân tộc thiểu số ngụ tại các xã thuộc diện kinh tế đặc biệt khó khăn, từ số thứ tự 10-14 là các học sinh có hộ khẩu thường trú tại các thị trấn và nghề nghiệp cha mẹ ghi chung chung là cán bộ hoặc công chức.
“Học sinh là con em các dân tộc đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú đủ năm năm trở lên tại những vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trường hợp đủ điều kiện cử tuyển ít hơn chỉ tiêu được giao, hội đồng tuyển sinh xem xét bổ sung con em các dân tộc thiểu số tuy không có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn nhưng đang sinh sống và có hộ khẩu tại các thôn bản vùng cao thuộc khu vực III nằm trong các xã thuộc khu vực II... Đối với các đối tượng người Kinh, ngoài yêu cầu về vùng sinh sống như trên, phải xếp loại học lực và hạnh kiểm từ khá trở lên. Tỉ lệ người Kinh không vượt quá 20% chỉ tiêu được giao. (Trích thông tư liên tịch hướng dẫn tuyển sinh vào ĐH, CĐ, THCN theo chế độ cử tuyển của liên Bộ GD-ĐT - Ban tổ chức Chính phủ - Ủy ban Dân tộc và miền núi) |
Đó là H.H.T. (sinh năm 1981) là con trai ông Hồ Quang Huy, chánh văn phòng UBND tỉnh; L.Q.A. (1983) con ông Lê Thanh Dũng, giám đốc Sở TM-DL tỉnh; T.Q.Đ. (1983) con ông Trương Minh Chiến, thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban tuyên giáo tỉnh; T.T.V.T. (1985) con ông Trương Công Dũng, phó Công an huyện Phước Long; L.C.N. (1981) con chủ tịch UBND huyện Hồng Dân.
Chưa hết, cả năm trường hợp con quan chức cộm cán này đều được ưu ái xét cử tuyển vào các trường “danh giá” như đại học Kiến trúc TP.HCM, đại học Y dược TP.HCM, trong khi các trường như Luật, Cần Thơ, Cao đẳng TDTT thì lại rơi vào tay con em các gia đình... “làm ruộng”!.
Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Hữu Tâm, chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu - thư ký hội đồng xét cử tuyển, ông Tâm cho biết: hội đồng đã làm việc hết sức nghiêm túc (?), đã thông báo rộng rãi đến tận các xã, huyện về chỉ tiêu cử tuyển, nhưng đến ngày hết hạn nhận hồ sơ (5-8-2003) sở chỉ nhận được 25 hồ sơ!
Giải thích về vấn đề cả năm trường hợp không phải con em các dân tộc thiểu số và hầu hết là con cán bộ cao cấp của tỉnh, lại được ưu ái chọn trường, ông Tâm cho rằng: “Có lẽ do ngẫu nhiên, vì hội đồng làm việc rất nghiêm túc, lấy điểm số từ cao xuống thấp, lý lịch các em chỉ trích ngang ghi chung chung: công chức, cán bộ... nên các thành viên trong hội đồng không biết (?), không có ý kiến nào yêu cầu xem xét lại và hội đồng đã thông qua...”.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu lợi dụng chính sách cử tuyển để đưa con em cán bộ huyện, tỉnh đi học. Trong năm 2002, bảy học sinh được cử tuyển thì có đến năm trường hợp là con cán bộ như C.H.Đ. (1982), con ông phó chủ tịch MTTQ tỉnh; P.H.G. (1983), con ông bí thư Huyện ủy Phước Long...
Trao đổi với nhiều người dân có con em đã tốt nghiệp THPT tại những địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi được biết hầu như người dân không biết gì về chỉ tiêu cử tuyển của bộ giao về tỉnh; nếu có, không chỉ hàng trăm, mà hàng ngàn con em các dân tộc đang sống trong những vùng đặc biệt khó khăn cũng như vùng sâu, vùng xa đều có đủ điều kiện để dự tuyển.
Một cán bộ hưu trí sống trên địa bàn vùng sâu, vùng xa nói: “Con cán bộ hiện nay có quá đủ điều kiện để học tập, thậm chí ra nước ngoài du học, sao lại tranh phần của con em vùng đặc biệt khó khăn?”.
Hàng loạt những sai phạm, xem thường qui chế về cử tuyển của hội đồng tuyển sinh Bạc Liêu đã diễn ra bất chấp dư luận. Thậm chí, cả những đối tượng là con em quan chức mặc dù không đủ điều kiện xét tuyển do lố tuổi, đang học đại học như trường hợp H.H.T., con chánh văn phòng UBND tỉnh, tốt nghiệp THPT năm 1998 (lố hai năm so với qui định) và đang học năm 2 khoa chăn nuôi - trồng trọt Trường ĐH Cần Thơ cũng bỏ về làm “công dân vùng đặc biệt khó khăn” để được... xét tuyển vào học ĐH Y dược TP.HCM!
Chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với ông Huỳnh Thanh Háo, phó Ban dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu, ông cho biết: “Ban dân vận là một thành viên trong hội đồng xét tuyển, nhưng tôi không trực tiếp tham gia mà phân công một đồng chí là trưởng tiểu ban dân tộc tham gia. Tôi cũng đã nghe dư luận các cán bộ hưu trí bất bình về việc đưa con em cán bộ vào chương trình cử tuyển. Với trách nhiệm của người làm công tác dân vận, tôi đã cho xác minh và thấy có hai vấn đề cần rút kinh nghiệm: chính sách cử tuyển đã không được thông tin rộng rãi đến cơ sở qua các phương tiện báo đài như qui định để những trường hợp xét thấy đủ điều kiện biết nộp hồ sơ. Từ chỗ không đủ hồ sơ xét lại đưa con em quan chức vào, sai đối tượng, tạo dư luận bất bình trong nhân dân”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận