Nhân viên của VNPAY-QR tư vấn cho các tiểu thương về tiện ích trong thanh toán không tiền mặt
Qua hai ngày giới thiệu những tiện ích trong thanh toán bằng VNPAY-QR đến các tiểu thương, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) có được nhiều hợp đồng với tiểu thương. Tuy nhiên, không ít tiểu thương vẫn lắc đầu vì "chưa hiểu gì".
Vừa ký hợp đồng sử dụng VNPAY-QR ngay sau khi nhận được sự tư vấn từ đơn vị này, bà Ngô Thị Vân - tiểu thương tại chợ Bến Thành (Q.1) - cho biết, trước đó nghe nhắc nhiều về MoMo, VNPAY-QR mà "cứ tưởng là cửa hàng gì đó". Nhưng nay, sau khi được tư vấn mới hiểu là giải pháp thanh toán không tiền mặt.
"Thanh toán tiền điện, nước, mua bán hàng... đều được với mức phí tốn khá thấp là động lực để tôi và nhiều tiểu thương khác tham gia hình thức thanh toán mới này", bà Vân nhận định.
Tuy vậy, bà Vân thừa nhận hiện phần lớn tiểu thương là người lớn tuổi nên chưa rõ về công nghệ thanh toán không tiền mặt như dùng VNPAY-QR hoặc MoMo dẫn đến mức độ sử dụng ít, thậm chí hiểu sai bản chất.
Tương tự, anh Lâm (chủ sạp kinh doanh tại chợ Bến Thành) cho biết đã từng sử dụng MoMo nên khi VNPAY-QR triển khai là anh "hiểu ngay" vấn đề và hào hứng đón nhận dịch vụ này.
Tuy vậy, theo anh Lâm, để kích thích tiểu thương sử dụng hình thức thanh toán này phải cho tiểu thương thấy được sự tiện lợi trong giao dịch ở giai đoạn đầu.
Ngược lại, quen dùng tiền mặt nên bà Minh (55 tuổi) - tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) - "lắc đầu" ngay khi vừa được tư vấn sử dụng dịch vụ này.
"Không quen dùng điện thoại thông minh nên nhìn rối quá", bà Minh than.
Theo bà Định Thị Nho - đại diện VNPAY-QR, sau 2 ngày triển khai dịch vụ thanh toán VNPAY-QR (ngày 15 và 16-6) đến 3 chợ Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu (TP.HCM), đơn vị đã tư vấn cho 150 tiểu thương, và 15% trong số đó đã ký hợp đồng mua dịch vụ.
Tuy vậy, đại diện VNPAY-QR thừa nhận không dễ để diễn giải cho tiểu thương hiểu mặt tiện lợi của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt vì đa phần họ đã lớn tuổi và quen dùng tiền mặt.
"Đơn vị cần sự giới thiệu từ ban quản lý chợ, UBND và các ban ngành để có sự tập trung tốt hơn cho việc lan tỏa công nghệ này đến tiểu thương", bà Nho cho biết.
Theo đại diện Ví điện tử MoMo, những người tại chợ thường lớn tuổi nền cần thời gian để hiểu thêm công nghệ thanh toán này. Tuy vậy, với cách tiếp cận khách hàng là người bán buôn nhỏ bằng cách "tâm tình tỉ tê" để giúp họ hiểu mặt tiện lợi của cách thức thanh toán bằng MoMo đang mang lại hiệu quả khi có ngày càng nhiều tiểu thương tham gia.
"Với sự thay đổi về các thức giao dịch ngày càng ưu tiên tự động hóa, và công ty chú trọng phát triển thị trường người dùng sang đối tượng là người kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ sớm được tiểu thương đón nhận", đại diện MoMo nhận định.
Nhiều ưu đãi kéo dài
Theo bà Nho, với ưu đãi về miễn phí về phí đăng ký, phí triển khai, phí trên mỗi lần giao dịch đang ở mức khá tốt là 0,88% trên giá trị giao dịch là những động lực khiến nhiều tiểu thương các chợ hưởng ứng trong đợt triển khai này.
Ngoài ra, chương trình giảm 20% phí - tối đa 20.000 đồng/giao dịch/tiểu thương áp dụng đến hết tháng 7-2020, và xem xét sẽ triển khai thêm.
"Sau khi ký hợp đồng, khoảng 1-2 ngày là có mã thanh toán cho tiểu thương để sử dụng. Với những ưu đãi hiện có, đơn vị kỳ vọng thời gian tới có khoảng 50% đối tượng khách hàng là tiểu thương được tư vấn sẽ ký hợp đồng với VNPAY-QR", bà Nho kỳ vọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận