Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 3 - Ảnh: ĐAN THUẦN
Nhiều tổ trưởng không chịu nổi áp lực mà nghỉ việc
Chiều 9-10, tổ đại biểu Quốc hội, đơn vị số 3 gồm ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện KSND tối cao, ông Lê Thanh Phong - chánh án TAND TP.HCM, và ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - đã tiếp xúc trực tuyến cử tri quận 8.
Hội nghị trực tuyến còn có sự tham dự của cử tri tại các điểm cầu quận 5 và quận 11. Các cử tri quận 8 tham dự hội nghị đều được xét nghiệm COVID-19.
Trình bày ý kiến tại hội nghị, cử tri Trương Hồng Sơn (phường 16, quận 8) đề nghị các đại biểu Quốc hội góp ý kiến để có chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tổ dân phố, ban điều hành khu phố.
Ông Sơn cho biết bản thân cũng là tổ trưởng tổ dân phố nên ông hiểu rất rõ những áp lực rất lớn mà lực lượng này đối mặt trong đợt dịch vừa qua. Trong khi đó, hiện nay chưa có chế độ nào dành cho tổ dân phố ngoại trừ một khoản hỗ trợ nhỏ chỉ đủ tiền điện thoại.
"Tất cả mọi công tác phòng chống dịch, tổ dân phố đều phải tham gia từ hỗ trợ tổ chức xét nghiệm, tiêm chủng cho đến phát gạo, phát tiền hỗ trợ… Bản thân tôi có ngày hàng chục người dân kéo đến nhà hỏi nhiều thông tin, yêu cầu giải quyết nhiều việc.
Đã có rất nhiều tổ trưởng không chịu nổi áp lực mà nghỉ việc, thậm chí có người bị kích động mà chửi bới, thậm chí tấn công tổ dân phố", ông Sơn kể.
Ông Sơn cho rằng các cấp cần bổ sung cơ chế, chính sách cho tổ dân phố và có cơ sở pháp lý bảo vệ các lực lượng từ tổ dân phố trở lên để lực lượng này có thể tiếp tục gắn bó, hỗ trợ chính quyền.
Ngoài ra, cử tri này cũng kiến nghị các đại biểu góp ý với Quốc hội bổ sung Luật an ninh mạng, xử lý nghiêm khắc đối với những đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để kích động, nói xấu lãnh đạo, chính quyền trên không gian mạng.
Còn cử tri Giáp Văn Huân (phường 3, quận 8) đề xuất Quốc hội có những nghị quyết riêng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tại TP.HCM và phía Nam để phục hồi sau đợt dịch vừa qua.
Ông Lê Minh Trí tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: ĐAN THUẦN
Sẽ ghi nhận, tiếp thu và phản ánh đầy đủ ý kiến cử tri
Ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện KSND tối cao - thay mặt tổ đại biểu chia sẻ nỗi đau thương, mất mát của những gia đình có người thân tử vong trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Ông Trí cho rằng đa số cử tri quan tâm đến công tác phòng chống dịch. Đây cũng là quan tâm hàng đầu của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Trong đợt dịch vừa qua, TP.HCM và phía Nam bị ảnh hưởng nặng hơn các tỉnh khác. Vì vậy những suy nghĩ, bức xúc của cử tri là xác đáng, cần được tiếp thu.
Cho rằng đại dịch COVID-19 là hiện tượng chưa có tiền lệ, ông Trí cho biết hiện nay trên thế giới đang có 4 mô hình phòng chống dịch như mô hình "zero COVID"; chuyển sang sống chung với dịch COVID-19 như Mỹ và một số nước châu Âu; kết hợp linh hoạt như các nước Đông Nam Á và miễn dịch cộng đồng như Nga, Thụy Điển, Cuba.
Theo ông, giai đoạn đầu, chúng ta chủ trương khoanh vùng, cách ly. Tuy nhiên mô hình này không hiệu quả, tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội thời gian qua, do đó chuyển qua chủ trương an toàn, linh hoạt, thích ứng, cách ly trong phạm vi hẹp nhất để không ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.
Ông Trí nhận xét việc cử tri kiến nghị cần phải tiêm phủ vắc xin ngừa COVID-19 là đúng. Đảng và Nhà nước đã và đang tập trung chính sách ngoại giao vắc xin, phủ vắc xin nhanh nhất có thể, tiếp tục mua, xin hỗ trợ từ các tổ chức, các quốc gia và đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nước.
Về kiến nghị chính sách cho cấp cơ sở, ông Trí ghi nhận khối lượng công việc ở cấp cơ sở phường, xã rất lớn nhưng chính sách hiện nay chưa tương xứng. Và cần phải tăng cường cho cơ sở, không chỉ giao nhiệm vụ mà còn phải bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, có chính sách phù hợp để động viên cho cấp cơ sở yên tâm làm việc. Ông Trí cam kết sẽ tiếp thu và phản ánh đầy đủ ý kiến của các cử tri.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận