Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng: Đất đai vẫn là lĩnh vực tồn tại nhiều bức xúc, khiếu kiện nhất hiện nay - Ảnh: Quochoi.vn
Trên cơ sở tổng hợp hơn 3.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (sẽ khai mạc ngày 21-5 tới), Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN đã có dự thảo báo cáo xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm nay 15-5.
Báo cáo do phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ VN Hầu A Lềnh đọc cho thấy cử tri hoan nghênh Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để kiểm soát nợ công, xử lý những vấn đề phức tạp, "điểm nóng" gây bức xúc trong xã hội; đấy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp, đổi mới bộ máy…
Bức xúc vì thiếu minh bạch
Trong số các vấn đề bức xúc được quan tâm, báo cáo của MTTQ cho biết "cử tri tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của chính quyền một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập".
"Đề nghị chính quyền địa phương tăng cường đối thoại, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, giải quyết thỏa đáng quyền lợi của nhân dân", báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, tại các địa phương dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã xảy ra tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất tràn lan, không hợp pháp, việc đầu cơ, "đẩy giá" đất gây bất ổn tại địa phương, ảnh hưởng đến quy hoạch chung và định hướng phát triển của các đặc khu trong tương lai.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các địa phương chấn chỉnh ngay tình trạng này, đồng thời chuẩn bị kỹ về chất lượng của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo điều kiện cho các đặc khu phát triển đúng hướng và bền vững.
Chia sẻ về vấn đề này, phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định bức xúc lớn trong nhân dân vẫn tập trung ở lĩnh vực quản lý đất đai: "Trong tâm tư tôi rất thương bà con cô bác cứ phải về Hà Nội khiếu kiện, trong các đoàn khiếu kiện có cả những người già, trẻ em. Tôi cho rằng vấn đề cần được thảo luận ở Quốc hội".
Theo phó chủ tịch, ngoài một số vụ việc có sự lôi kéo, kích động với dụng ý xấu, còn lại "cực chẳng đã cô bác mới phải về Hà Nội khiếu kiện", cho thấy việc đối thoại tại cơ sở chưa đạt hiệu quả cao.
Tổng bí thư chỉ đạo thì mới quan tâm xử lý
Đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý vi phạm, sai phạm trong đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian qua, báo cáo của MTTQ cũng nêu ý kiến cử tri cho rằng "nhiều vụ việc chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương".
"Còn nhiều ngành và địa phương vẫn chưa thực sự 'vào cuộc', có biểu hiện né tránh và kết quả thực hiện chưa rõ nét. Cử tri mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của cả hệ thống chính trị", báo cáo nêu.
Cử tri cũng "đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện và thể hiện trách nhiệm 'nêu gương' để cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện".
Đối với công tác cán bộ, cử tri đồng tình với việc rà soát, phát hiện và thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, đồng thời kỷ luật nghiêm đối với nhiều cán bộ vi phạm.
Tuy nhiên, việc lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương đến nay chưa được xử lý triệt để.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: Quochoi.vn
Không nên tiếp xúc cử tri... toàn cán bộ
Góp ý báo cáo của MTTQ VN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cử tri mong muốn tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
"Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri thì phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân, để nghe được tiếng nói thật, tiếng nói đa dạng. Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chỉ toàn thấy cán bộ đảng uỷ, UBND, cán bộ thôn, rồi bí thư chi bộ… Tất nhiên, cán bộ cấp cơ sở thì cũng là cử tri, nhưng ý kiến của họ không thể coi là tiếng nói của tất cả người dân nơi đó", bà Ngân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận