Phóng to |
Ông Từ Để (cử tri P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) hiến kế để giảm quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Minh Đức |
Những cử tri có mặt tại buổi tiếp xúc này là những người có quan tâm đặc biệt, kiên trì theo đuổi và đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến hai dự án nói trên.
Nên thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích
Về dự án sân golf và công trình phụ trợ trong sân bay Tân Sơn Nhất, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng gửi các cơ quan chức năng, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 6.000 tỉ đồng do các công ty trong nước đầu tư. Quy mô sử dụng đất của dự án khoảng 157,29ha. Đến năm 2017 sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục và sau đó là giai đoạn kinh doanh. Theo tính toán, tiền đóng góp cho ngân sách TP (thuế thu nhập) trên 114 tỉ đồng, tiền thuê đất hơn 21 tỉ đồng/năm, nộp ngân sách Bộ Quốc phòng hằng năm 20 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động. |
Ngay sau khi ông Đinh Khắc Huy - phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình - trình bày hàng loạt cơ sở pháp lý về dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất, có cử tri liền đặt vấn đề: việc sử dụng hàng trăm hecta đất quốc phòng để làm sân golf và các công trình kinh doanh có đúng mục đích hay không? Đồng tình với cách đặt vấn đề này, ông Phạm Hữu Bình (P.12, Q.Tân Bình) nói người dân cho rằng sử dụng đất quốc phòng như vậy là không đúng mục đích, phải thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích và hủy bỏ dự án. Ông Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, bức xúc: “Nếu đất quốc phòng chưa có nhu cầu sử dụng cho mục đích này thì giao lại để sử dụng vào mục đích hàng không dân dụng, chứ sao lại chuyển xây dựng sân golf kinh doanh?”.
Phát biểu ý kiến, nhiều cử tri kiên quyết kiến nghị không cho xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và đề nghị thu hồi dự án này. Ông Đào Khắc Khởi (P.13, Q.Tân Bình) còn kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu thanh tra, kiểm tra dự án này. Còn ông Nguyễn Đăng Diệp - nguyên viện phó Viện Dinh dưỡng quân đội - đề nghị phải công khai dự án sân golf trong sân bay cho dân biết. “Sân bay kêu chật chội, không có chỗ đậu máy bay... mà lấy gần 158ha làm sân golf trong sân bay thì vô lý quá” - ông Diệp nói.
Còn ông Từ Để (P.2, Q.Tân Bình) cho rằng điều ông lo ngại là nếu xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất thì việc sử dụng hóa chất để chăm sóc cỏ ở sân golf có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của TP.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Võ Thị Dung - chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP - cho biết bà đồng tình với cách đặt vấn đề và yêu cầu của cử tri là các cơ quan có thẩm quyền phải quản lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, hiệu quả. Theo bà Dung, đây là đòi hỏi chính đáng, các cơ quan có trách nhiệm phải nghiêm túc lắng nghe.
Chưa vội xây sân bay Long Thành
Về việc xây dựng sân bay Long Thành, các cử tri có mặt tại buổi tiếp xúc đều kiến nghị chưa vội xây dựng sân bay này (giai đoạn 1 ước tính tổng đầu tư gần 8 tỉ USD) để tránh lãng phí. Ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng dự án xây sân bay quốc tế Long Thành có thể chậm lại khoảng 10 năm, khi đó điều kiện kinh tế VN khá hơn để có thể đầu tư hiệu quả cho dự án này.
Ông Từ Để hiến kế: nếu sân bay Tân Sơn Nhất quá tải thì cần đưa máy bay giá rẻ về hoạt động ở sân bay Biên Hòa. Đồng thời xây một nhà ga mới phía sân golf và di dời một số đơn vị quân đội để có thêm quỹ đất mở rộng sân đỗ máy bay. Theo ông Để, có thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thành đường băng 4.000m và dải an toàn hai đầu (tương đương 80ha đất).
Theo bà Dung, cử tri đã đặt vấn đề đúng khi cho rằng đất nước ta hiện còn nhiều khó khăn và trong khi sử dụng chưa hiệu quả một số sân bay thì lại đi đầu tư một nguồn lực lớn cho dự án sân bay Long Thành. Bà Dung cho rằng về lâu dài, để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước thì cần một sân bay quy mô tương ứng, nhưng về tiến độ, lộ trình phải đầu tư sao cho không lãng phí và đừng tạo gánh nặng cho dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận