Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, một số điểm bỏ phiếu sớm được tổ chức ngay tại các nhà ga tàu điện ngầm và sân bay ở Seoul - Ảnh: Yonhap |
Theo thống kê của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc (NEC), tính đến 17h ngày 5-5 (giờ địa phương), đã có 10,34 triệu cử tri Hàn Quốc- tương đương khoảng 24,34% cử tri đủ điều kiện, đã đi bỏ phiếu.
Đây là tỉ lệ cao kỉ lục nếu so với con số 12,2% cử tri đi bầu sớm trong cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc năm 2016 và 11,5% trong cuộc bầu cử địa phương năm 2014. Tỉnh có tỉ lệ người đi bầu sớm nhất là tỉnh Nam Jeolla (32,4%), một khu vực có tư tưởng dân chủ, NEC cho biết.
Theo hãng tin Yonhap, 3.507 điểm bỏ phiếu sớm đã được mở cửa trên khắp Hàn Quốc kể từ ngày hôm qua (4-5). Hôm nay là ngày cuối cùng cho mọi hoạt động bỏ phiếu sớm, trễ nhất là đến 20h hôm nay (giờ địa phương), các điểm bỏ phiếu sớm sẽ đóng cửa.
Trong lúc này, mọi hoạt động tranh cử của 13 ứng viên tổng thống Hàn Quốc vẫn chưa chính thức khép lại. Theo quy định, họ sẽ phải dừng vận động tranh cử vào ngày 8-5, một ngày trước khi bỏ phiếu.
Cuộc bầu cử tổng thống bất thường năm nay thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận Hàn Quốc. Nó được tổ chức sau khi bà Park Geun Hye bị phế truất khỏi chức vụ tổng thống hồi tháng 3. Tổng cộng, có hơn 42,4 triệu cử tri Hàn Quốc đủ tư cách bỏ phiếu, chiếm số lượng cao nhất trong bất kỳ cuộc bầu cử tổng thống nào từ trước đến nay.
Theo các cuộc khảo sát trước ngày bầu cử chính thức (công bố ngày 3-5), ứng viên Moon Jae In của đảng Dân chủ đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà Xanh (42,4%). Theo sau là ứng viên Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân và Hong Joon Pyo thuộc đảng Tự do Hàn Quốc (cùng 18,6%), theo Yonhap.
Giới quan sát nhận định, nếu ông Moon trở thành tổng thống Hàn Quốc, cách tiếp cận của Seoul đối với Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ bị thay đổi.
Ông Moon được cho là có quan điểm mềm dẻo với Triều Tiên và không ít lần đề cập tới việc sẽ tăng cường hợp tác về kinh tế, mở lại khu công nghiệp chung Kaesong với Bình Nhưỡng, quay trở lại "Chính sách Ánh dương" nếu trở thành tổng thống.
Chính sách Ánh dương là một chính sách ngoại giao mà Hàn Quốc áp dụng với Triều Tiên từ năm 1998 đến 2008. Được đề xuất dưới thời Tổng thống Kim Dae Jung, chính sách Ánh dương đã góp phần hàn gắn mối quan hệ giữa hai miền liên Triều, chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử quan trọng giữa hai đất nước vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh. Lần lượt trong các năm 2000 và 2007, đích thân các tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đã sang Bình Nhưỡng gặp lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là ông Kim Jong Il. Khu công nghiệp Kaesong được mở, khách du lịch Hàn Quốc được tới thăm núi Kim Cương, các gia đình hai miền liên Triều bị chiến tranh chia tách nay được gặp mặt định kỳ,...đều là những điểm sáng trong thời gian Chính sách Ánh dương được thực hiện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận