03/10/2016 07:37 GMT+7

Cử tri Colombia bất ngờ bác bỏ thỏa thuận hòa bình 

TÚ ANH - ANH THƯ
TÚ ANH - ANH THƯ

TTO - Với tỉ lệ sát sao, người dân Colombia đã thể hiện ý kiến của mình qua cuộc trưng cầu dân ý vừa công bố kết quả.

Những người dân bỏ phiếu ủng hộ khóc nức nở sau khi biết kết quả ở Quảng trường Bolivar Square tại Bogota tối 2-10 - Ảnh: Reuters

Tối 2-10 (rạng sáng nay giờ VN), Cơ quan Thống kê Colombia thông báo, với 99,59% phiếu được kiểm, 50,23% cử tri nước này đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình mới được ký kết giữa Chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC).

Bản thỏa thuận đã được ký kết vài ngày trước đây nhưng để đi vào thực hiện phải được sự chấp thuận của người dân qua cuộc trưng cầu dân ý tổ chức sáng 2-10.

Số người ủng hộ thỏa thuận được mô tả là lịch sử của đất nước tuy vậy chỉ đạt 49,76%. Đây là kết quả hoàn toàn bất ngờ với người dân Colombia và cộng đồng quốc tế. Kết quả nói trên được thông báo chỉ 90 phút sau khi các hòm phiếu đóng cửa.

Không có phương án dự phòng

Các cử tri tham gia bỏ phiếu chọn giữa hai câu trả lời đồng ý hay không đồng ý với thỏa thuận. Việc bỏ phiếu không bắt buộc. Theo Tổng thống Santos, Chính phủ không có phương án dự phòng và trong trường hợp người dân “nói không”, thỏa thuận sẽ bị hủy bỏ. 

Lãnh đạo lực lượng FARC Rodrigo Londono tuy vậy vẫn tuyên bố tin tưởng có giải pháp khác cho hòa bình.

Trước đó, ngày 24-8, sau 4 năm kiên trì đàm phán với nỗ lực và thiện chí của Chính phủ và FARC cùng với sự hỗ trợ của các bên trung gian hòa giải, hai bên đã đạt được thỏa thuận hòa bình này.

Các cuộc thăm dò ý kiến trước đó cho thấy thỏa thuận hòa bình sẽ được thông qua bất chấp những lời chỉ trích cáo buộc rằng biện pháp này không giúp trừng phạt những kẻ nổi loạn.

Đối với nhiều người Colombia, thỏa thuận hòa bình đòi hỏi sự thỏa hiệp và lòng tha thứ rất lớn do khoảng 220.000 sinh mạng bị cướp mất trong cuộc xung đột kéo dài suốt 52 năm qua.

Với kết quả cuối cùng, rõ ràng có thể thấy là nhiều cử tri Colombia đã không thể bỏ qua những năm tháng xung đột này.

Theo đài CNN, nhiều người chỉ trích thỏa thuận này là "sự tha thứ mà không có chút công lý nào", cho rằng thỏa thuận là quá khoan dung cho FARC, không đủ tính nghiêm khắc với các tay súng FARC. Một số người quan ngại các tay súng FARC sẽ không nhận án tù nào vì những tội ác đã gây ra.

Đối với nhà báo Salud Hernandez của tờ El Mundo, người từng bị nhóm phiến quân lớn thứ hai Colombia là ELN bắt cóc, thì thỏa thuận không đem lại công lý cho người dân Colombia.

"Tôi không nghĩ đây là sự công bằng theo ý nghĩa của công lý. Những bi kịch của chiến tranh, những giọt nước mắt của người dân, những vụ mất tích mà người dân và những gia đình tại đây phải trải qua. Nó khiến họ như những cái xác không hồn" 
Nhà báo Salud Hernandez của tờ El Mundo, người từng bị nhóm phiến quân lớn thứ hai Colombia là ELN bắt cóc

Tìm kiếm giải pháp mới

Tuy nhiên cũng có những người sau khi trải qua mất mát trong cuộc xung đột lại cảm thấy đây là thời khắc cho nền hòa bình, bao gồm cả bộ trưởng Nội vụ Juan Fernando Cristo.

Cha của ông Cristo từng bị ELN giết chết 20 năm trước. "Tôi là nạn nhân của cuộc xung đột này. Nếu chúng ta không thể tha thứ, chúng ta sẽ không cho Colombia một cơ hội để có nền hòa bình" - ông Cristo chia sẻ.

Mặt khác, trong bài phát biểu trên truyền hình trước toàn quốc sau khi kết quả đã được công bố, Tổng thống Santos tuyên bố ông sẽ tiếp tục đấu tranh cho nền hòa bình và thúc giục người dân Colombia không để kết quả làm suy yếu sự ổn định của đất nước.

"Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình. Tôi lắng nghe những người nói "không" và những người nói "có" và tất cả chúng ta đều muốn hòa bình. Ngày mai tất cả các đảng chính trị sẽ ngồi lại với nhau để tiếp tục đối thoại và tìm kiếm giải pháp thay thế cho nền hòa bình. Tôi sẽ không bỏ cuộc, tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì hòa bình" - Tổng thống Santos tuyên bố.

Lực lượng FARC cũng bày tỏ niềm hy vọng trên Twitter sau khi kết quả được công bố: "Tình yêu xuất phát từ trái tim của chúng tôi rất lớn và với những lời nói và hành động của chúng tôi chắc chắn sẽ có thể đạt được hòa bình".

Đài CNN cho biết nhóm phiến quân lớn thứ hai dù không tham gia vào thỏa thuận hòa bình lần này nhưng cũng kêu gọi "người dân Colombia tiếp tục tìm kiếm một cuộc đàm phán để thoát khỏi cuộc xung đột vũ trang này".

Những người nói không với thỏa thuận hòa bình reo vui tại Bogota tối 2-10 - Ảnh: Reuters

Tuy vậy vẫn còn đó nhiều câu hỏi về việc tiến trình hòa bình sẽ thực hiện như thế nào nếu thỏa thuận được thông qua. "Đây sẽ là những yếu tố gây khó khăn cho xã hội Colombia. Làm thế nào để phát triển và nhìn về phía trước sau hơn 50 năm nội chiến bằng một hiệp ước hòa bình mà không ai bị trừng phạt" - Jennie K. Lincoln của Trung tâm Carter nhận định.

Những câu hỏi khác là sự tái hòa nhập cộng đồng của những tay súng - trẻ con trong lực lượng FARC, việc truy tố các vụ lạm dụng nhân quyền cũng như việc mua bán cocaine bất hợp pháp của lực lượng vũ trang này.

Theo thỏa thuận hòa bình được đôi bên ký kết, FARC sẽ có 10 ghế trong quốc hội sau khi họ buông vũ khí.

Nhiều người lại chỉ ra sự trớ trêu trong thỏa thuận này. "Bây giờ quân đội lại phải đi chăm sóc cho những tay lính du kích. Nhiều binh sĩ Colombia từng bị các tay du kích này giết chết và bây giờ quân đội lại phải có trách nhiệm với họ. Thật là một sự mỉa mai!" - một nông dân tên John Fernando Menesses nói với CNN.

TÚ ANH - ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp