Ngủ nhiều, dậy trễ hay thức khuya đều có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe - Ảnh: CNN
Người thông minh là người thức khuya?
Tạp chí Independent số tháng 01-2017, công bố kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học Satoshi Kanazawa và Kaja Perina lý giải vì sao "cú đêm" lại thông minh hơn, có tố chất sáng tạo, lanh lợi, tính độc lập cao.
Theo Seattle Times, tỷ phú Bill Gates cho rằng giấc ngủ tối kéo dài 7 tiếng là khá lý tưởng để duy trì tinh thần minh mẫn, phát huy sự sáng tạo cho ngày mới. Ông cho rằng, khi cần đến sự sáng tạo, ông buộc phải ngủ đủ giấc.
Riêng nhà sáng lập hãng xe điện Tesla - Elon Musk bắt đầu ngủ vào lúc 1h và thức dậy lúc 7h. Ổng cho biết ông chỉ ngủ từ 6 đến 6 tiếng rưỡi mỗi ngày.
Đối lập với việc ngủ sớm - dậy sớm, kết quả này dựa trên khái niệm, người thông minh có khả năng thích nghi cuộc sống hiện đại, chấp nhận các giá trị tiến hóa, chẳng hạn như việc thức khuya.
Một nghiên cứu khác về bộ não của những "cú đêm" và những người dậy sớm do nhà tâm lý học Richard D. Roberts từ Đại học Sydney và Patrick C. Kyllonen thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân, thực hiện trên 420 người, ở các lĩnh vực: kiến thức cơ học, kỹ thuật, toán học tổng quát, đọc hiểu, bộ nhớ và tốc độ xử lý.
Kết quả cho thấy, những "cú đêm" vượt trội hơn về bộ nhớ và tốc độ xử lý.
Nghiên cứu được thực hiện trên 1.229 nam giới và phụ nữ có thói quen ngủ sau 11h đêm và thức dậy sau 8h. Các "cú đêm" đó thường là những người thông minh, có thu nhập cao trong xã hội, uy tín dễ tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống.
"Theo nghiên cứu, cựu tổng thống Mỹ Obama, ông Charles Darwin, Winston Churchill, Keith Richards và Elvis Presley đều nổi tiếng là những người thức khuya, có chỉ số IQ cao và thành công trong cuộc sống" - theo Business Insider.
Không ngủ ban đêm, giảm tập trung ban ngày
Ông Howard Murad, giáo sư y khoa tại trường đại học Y khoa Geffen, người sáng lập tập đoàn Murad Skincare cho rằng, giấc ngủ giữ cho chúng ta sắc bén, nhạy cảm, sáng tạo và cải thiện khả năng xử lý thông tin trong tích tắc. Mất ngủ khoảng 1 giờ 30 phút vào ban đêm sẽ giảm bớt 1/3 khả năng tập trung vào ban ngày.
Giải Nobel Y học năm 2017 vinh danh ba nhà khoa học Jeffrey C.Hall, Michael Rosbash và Michael W.Young với công trình nghiên cứu "khám phá cơ chế phân tử điều khiển nhịp sinh học hàng ngày" - hay còn gọi là đồng hồ sinh học.
Nghiên cứu trên giúp nhân loại hiểu ra, đồng hồ sinh học hoạt động theo cùng cơ chế trong tế bào của các cơ thể đa bào, trong đó có con người.
Nó điều chỉnh các chức năng quan trọng như: lượng hormone, thân nhiệt, quá trình trao đổi chất, giấc ngủ và hành vi…
Nếu kéo dài sự lệch lạc trong lối sinh hoạt với nhịp sinh học hàng ngày, dẫn đến việc tăng nguy cơ các bệnh nguy hiểm, thậm chí có cả bệnh ung thư. Khi chúng ta tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, điều đó làm giảm mức melatonimn, gây tổn hại tế bào.
Ông Cappuccio, chuyên viên nghiên cứu người Anh về các lợi ích và ảnh hưởng giấc ngủ đối với sức khỏe, thực hiện một nghiên cứu trong vòng 4 năm cho các đối tượng ở độ tuổi 42-81 tuổi, kết luận rằng:
"Có rất nhiều bằng chứng chỉ ra mối quan hệ trực tiếp giữa việc thiếu ngủ, cũng như thay đổi ca làm việc trái với đồng hồ sinh học riêng mỗi người đều liên quan đến các bệnh như: tăng cân, tiểu đường, huyết áp cao, cảm lạnh và đột quỵ"
Các kết quả y khoa mới nhất cho rằng, việc làm trái với đồng hồ sinh học tự nhiên, thức khuya vào ban đêm tiềm tàng nhiều mối đe dọa nguy hiểm với sức khỏe con người, thậm chí việc ngủ nhiều, không thể nào thức dậy cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận