Dù giành rất nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế nhưng cử tạ Việt Nam lại không thu hút được tài trợ - Ảnh: NAM KHÁNH
Ngày 21-6, đại hội đại biểu Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam nhiệm kỳ 2 (2020-2025) đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 1 (2015-2019) và triển khai nhiệm vụ nhiệm kỳ mới.
Trong 5 năm qua, cử tạ là môn thể thao trọng điểm Olympic đã mang về rất nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam. Mặc dù chưa thể tái lập thành tích giành huy chương Olympic nhưng ở các đấu trường SEA Games, Asiad, giải vô địch châu Á và vô địch thế giới, cử tạ đã có thành tích rất ấn tượng.
Mới đây nhất tại SEA Games 30 năm 2019 ở Philippines, cử tạ Việt Nam đã xuất sắc giành được 4 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ. Tại Olympic trẻ thế giới 2018 ở Argentina, cử tạ là một trong hai môn của đoàn thể thao Việt Nam nỗ lực giành được HCV, đó là lực sĩ Ngô Sơn Đỉnh (56kg nam).
Theo báo cáo tài chính nhiệm kỳ 1, Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam có tổng nguồn thu hơn 11 tỉ đồng và số dư cuối kỳ đến thời điểm đại hội là 3,6 tỉ đồng. Tính trung bình mỗi năm liên đoàn chỉ thu được 2,2 tỉ đồng.
Số tiền này lại đến chủ yếu từ nguồn thu lệ phí thi đấu, các khóa đào tạo do liên đoàn tổ chức. Nguồn thu từ hoạt động tài trợ cho liên đoàn không đáng kể, thậm chí trong 2 năm 2018 và 2019 cử tạ không thu được đồng nào từ hoạt động tài trợ.
Góp ý về vấn đề tài chính của bộ môn cử tạ, ông Mai Bá Hùng - phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM - cho biết nếu muốn phát triển mạnh công tác tài trợ, cần đặt ra tiêu chí để mời các nhà tổ chức giải đấu, đơn vị làm marketing tham gia vào liên đoàn.
Tuy nhiên thật đáng tiếc, trong danh sách 29 thành viên được bầu vào ban chấp hành liên đoàn nhiệm kỳ 2 (2020-2025) đa phần là cán bộ quản lý của ngành thể thao, cán bộ cũ của liên đoàn. Sự tham gia của các CLB thể hình - cử tạ, doanh nghiệp chiếm tỉ lệ rất ít.
Phát biểu tại đại hội, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho rằng với nhu cầu phát triển ngày càng cao, một nhiệm kỳ liên đoàn chỉ thu được 11 tỉ đồng thì quá ít, gây khó khăn cho hoạt động của liên đoàn.
Ông Phấn nói: "Tài chính là vấn đề khó khăn với tất cả các liên đoàn thể thao tại Việt Nam chứ không riêng gì cử tạ. Hiện nay trong công tác tài trợ của các liên đoàn vẫn dùng mối quan hệ cá nhân để giải quyết, cách này không còn phù hợp nữa. Cử tạ, thể hình phải xây dựng hình ảnh của môn mình, mời các nhà tài trợ vào tài trợ. Liên đoàn Cử tạ - thể hình nhưng hiện nay phải dùng kinh phí khai thác được từ thể hình để lo cho cử tạ. Trong khi đó cử tạ là môn thể thao Việt Nam rất mạnh, có huy chương Olympic. Liên đoàn phải tìm cách làm cho hình ảnh của cử tạ sống động để thu hút tài trợ".
Nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam trong nhiệm kỳ này là chuẩn bị lực lượng tốt nhất tham dự và giành thành tích cao tại SEA Games 2021 và Olympic Tokyo.
Ông Hoàng Xuân Lương (đứng) tái đắc cử làm chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam khóa 2 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Ông Hoàng Xuân Lương làm chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam
Đại hội Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam nhiệm kỳ 2 đã bầu ban chấp hành gồm 29 người. Ông Hoàng Xuân Lương (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thuộc Chính phủ) làm chủ tịch liên đoàn. Đây là lần thứ 2 ông Lương trúng cử vào vị trí này. Ngoài ra liên đoàn còn có 4 phó chủ tịch.
Ông Đỗ Đình Kháng (phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, trưởng bộ môn cử tạ) được tái bổ nhiệm làm tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam khóa 2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận