24/07/2018 17:35 GMT+7

Cú sốc từ... học lệch

THẢO THƯƠNG - TRẦN MAI
THẢO THƯƠNG - TRẦN MAI

TTO - Là học sinh giỏi cấp tỉnh, học trò trường chuyên nhưng lại rớt tốt nghiệp, việc học lệch để lại những hậu quả đắng nghét khiến người trong cuộc ân hận.

Cú sốc từ... học lệch - Ảnh 1.

Để hoàn thiện, việc học không thể lệch một phía nào. Trong ảnh: Một tiết hoạt động ngoại khóa - thiết kế bao bì bảo vệ môi trường của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Các em chưa biết rằng học lệch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hoàn thiện năng lực, phẩm cách của con người sau này...

0 điểm vì coi thường "môn phụ"

1. P. là học sinh giỏi vật lý cấp tỉnh, học lực trong lớp ở các môn tự nhiên thuộc hàng nổi trội ở Trường THPT Tư Nghĩa 1, Quảng Ngãi. Chuyện P. đậu ĐH với thầy cô, bạn bè là điều đương nhiên. 

Nhưng rồi chuyện không thể ngờ lại đến là P. trượt tốt nghiệp khi điểm thi môn tiếng Anh chỉ đạt 0,8 điểm. Thầy Lâm Tín, hiệu trưởng Trường THPT Tư Nghĩa 1, nói rằng đây là cú trượt đau lòng. Tuy nhiên có "lý do chính đáng" bởi P. thi khối A nên "coi thường" môn tiếng Anh, phần lớn thời gian thi môn này là để ngủ.

Một thầy giáo khác có con vừa thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng thừa nhận rằng con thầy và rất nhiều học sinh của trường chỉ chú trọng vào khối thi xét ĐH, các môn còn lại gần như chẳng đá động gì tới.

Câu chuyện mà nhiều thầy cô cho rằng là coi thường tốt nghiệp và chỉ chú tâm vào khối thi ĐH thật sự đang hiện hữu. 

Thầy Nguyễn Tấn Huy, giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Khiết, nhớ lại trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2017, tại trường này chỉ có duy nhất một thí sinh trượt tốt nghiệp. Nhưng thật đau khi thí sinh này có số điểm khối A rất cao, dư sức đậu tất cả các ngành của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). 

"Tôi không nhớ rõ môn nào, nhưng bạn này chỉ trúng 4/40 câu. Thế là rớt ĐH theo một cách không ai ngờ tới" - thầy Huy nói.

Thẳng thắn với học lệch, thầy Huy nói đơn cử như ở môn văn, nếu thí sinh chịu học, ôn tập, ở phần đọc hiểu là những kiến thức cơ bản nhất, hoàn toàn có thể kiếm được 3-4 điểm. Tuy vậy nhiều học sinh không chịu xem lấy một chữ và nhận kết quả đắng chát. 

Theo phổ điểm mà Sở GD-ĐT Quảng Ngãi vừa công bố, trong 9 môn thi có đến 8 môn thi có thí sinh bị điểm liệt. Trong đó ngữ văn, lịch sử, địa lý và giáo dục công dân đều có thí sinh bị điểm 0. 

Điều đó chứng tỏ rất nhiều thí sinh chủ quan, không đầu tư công sức để làm bài ở những môn không xét tuyển ĐH, khoanh bừa nhưng không đúng được 1 câu nào.

2. Bảy năm về trước, N.A. từng là học sinh lớp song ngữ tiếng Pháp Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM). 

"Suốt 3 năm THPT tôi chăm chăm học tiếng Pháp, học các môn chính để thi cho đủ điều kiện, còn như môn lịch sử, địa lý là một "món" xa lạ. Nhưng bây giờ nhìn lại, ở TP.HCM 25 năm nhưng không biết dinh Thống Nhất, không biết lịch sử thế nào, nghĩ đến xấu hổ vô cùng" - N.A. tâm sự.

Hiện N.A. làm thiết kế mỹ thuật đồ họa cho một công ty tư nhân. Và N.A. gặp ngay khó khăn khi trải nghiệm một công việc mới, mặc dù vẽ thiết kế nghệ thuật cũng là sở thích và năng khiếu. 

"Nghề này phải sáng tạo, phải cảm xúc, mà để có cảm xúc thì cần hiểu biết. Nhưng điều này hạn chế vì tôi gần như bỏ hẳn các môn khoa học xã hội. Ra trường đi làm rồi mới biết nó ảnh hưởng rất lớn" - N.A. ân hận.

Học lệch khiến con người phát triển "què quặt"

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh (nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), bản thân thế giới loài người là tổng hợp các mối quan hệ xã hội, vì kiến thức xã hội làm nên hiểu biết của con người. 

Có những phần kiến thức nằm bề chìm của tảng băng mà người ta không biết, cứ suy nghĩ mình chỉ học những gì phục vụ cho hướng mình đi sau này thì khó có thể mà vươn cao hay bay xa. 

Lối học phiến diện xé nát kiến thức, không thể chấp nhận được, cần phải khắc phục. Nếu chỉ học để thi ĐH thì sẽ trả giá trong cuộc sống.

Thiếu nền tảng khoa học xã hội nhân văn nói chung sẽ thiếu đi những tư tưởng nhân văn, cảm thông thấu hiểu ở con người. Học lệch khiến con người phát triển "què quặt" về nhân cách lẫn trí tuệ, đừng thấy lợi ích trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài.

ThS Hồ Tấn Nguyên Minh (tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên) cho rằng không chỉ học sinh trường chuyên mà ngay cả học sinh các trường phổ thông bình thường cũng đang có xu hướng học lệch. 

Các em đầu tư rất nhiều thời gian công sức cho những môn thi ĐH, môn khác thì học đối phó để rồi sau đó chẳng còn đọng lại điều gì.

Khi không chú tâm vào những môn không dùng cho việc xét tuyển ĐH, các em hầu như chẳng quan tâm gì, học rất qua loa, mỏi mệt, học nhưng đếm thời gian nhanh cho qua tiết. Các em chưa biết rằng học lệch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hoàn thiện năng lực, phẩm cách của con người sau này.

"Được định hướng hướng nghiệp sớm thì những môn học, những ngành nghề mình theo đuổi luôn được đầu tư tốt nhất. Nhưng thực tế cuộc sống có khi không chiều như ý ta muốn. Trường hợp các bạn đã không thành công với việc học lệch, ngay lúc này cần trang bị thêm kiến thức mà mình bị khuyết. 

Việc học là không bến bờ, kiến thức là vô hạn nên đừng tự trách mình đã đi sai những môn học trước đây, tích cực chuẩn bị cho tương lai và hiện tại, học thêm giúp nghề nghiệp mình thăng hoa", Tiến sĩ giáo dục học Võ Văn Nam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ.

​Một kỳ thi quốc gia: lo lắng học lệch?

TT - Diễn đàn Tuổi Trẻ tuần này xin được đề cập câu chuyện học lệch liệu có xảy ra hay không khi một kỳ thi quốc gia được áp dụng.

THẢO THƯƠNG - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp