"Hồi đó cứ tầm 26 tháng chạp, ba mẹ tôi lại sửa soạn gói bánh. Ba rọc lá, vót lạt, đặt bếp… Mẹ vo nếp, chọn thịt heo, nấu đậu xanh làm các loại nhân", ông nhớ lại.
Từ gói bánh tét "tí hon"…
Ông vẫn chưa quên sáng cận Tết, ba bày nguyên liệu gói bánh ra cái nia đặt trước hiên nhà. Mẹ ngồi phụ đắp nhân, buộc lạt. Cậu bé Khai xin đặt một cái sàng (nhỏ hơn cái nia) ngồi kế bên… học nghề.
Ban đầu ông xin ba mẹ mấy chén nếp, mót nhân vụn gói từng cái bánh cỡ cổ tay người lớn. Cái nào hư, ông xả nếp làm lại như chơi đồ hàng. "Tôi đưa cho ba luộc chung. Chừng một tiếng thì bánh tí hon chín, tôi nhờ ba vớt, đem mời các em, bạn bè trong xóm", ông kể.
Tết năm sau, ba ông bắt đầu chỉ dạy cách gói bánh đẹp, mềm, xanh, thơm ngon, để được lâu… Nhờ khéo tay, 16 tuổi ông đã ngồi gói bánh chính thức cùng ba.
Năm ông 17 tuổi, mẹ mất. "Lúc này ba tôi đi làm ăn xa, mình tôi lo việc đồng áng, bếp núc, chăm đàn em. Năm đó, tôi được giao nhiệm vụ gói bánh vừa ăn vừa biếu người thân", ông nhớ lại.
Bí kíp lót lá đu đủ để bánh tét xanh hơn
Theo ông, nồi bánh tét ngon hội tụ nhiều yếu tố. Đầu tiên là khâu chuẩn bị lạt. Ngày trước ông vào rừng chặt nứa, lồ ô hoặc giang. Ông nói: "Để lạt dai, tôi chọn cây non, mắt dài, vót mỏng ngâm nước. Về sau tôi chọn dây tên là sống lá thay thế vì dễ tìm".
Tiếp theo là lá chuối. Ông dùng lá chuối hột để giúp màu bánh xanh hơn. Trong vườn chỉ có một ít nên ông phải "đặt hàng" mấy vườn khác. Sau khi lau bụi phấn, lá được cắt từng miếng vuông cạnh cỡ 40cm đem phơi héo vừa.
Đến khâu chọn nếp. Trước đây ông dành một thửa ruộng chuyên trồng nếp hương gói bánh. Về sau tuổi già, con cái đi làm xa, ông mua ngoài chợ, nhưng phải là loại nếp chuyên gói bánh tét. Ông chia sẻ: "Đêm, tôi vo nếp bằng nước ấm, vớt ra thúng tre cho ráo nước. Nếp vo càng kỹ, bánh càng để được lâu".
Bánh ngon nhờ nhân. Ông chọn thịt ba chỉ, xắt miếng dày cỡ hai ngón tay, dài gang tay, ướp cho thấm. Đậu xanh cà vỏ đãi sạch, nấu chín kỹ, tán nhuyễn.
Công đoạn khó nhất là vào nếp. Ông trải ba lớp lá, đổ nếp, nhân thịt và đậu xếp chồng lên rồi quấn tròn lớp lá, cố định hai đầu bằng hai sợi lạt.
Ông dựng bánh, một tay xoay tròn, tay kia vỗ nhẹ cho nếp xuống đều. "Nếu vỗ nhiều, nếp sẽ bị bó chặt, nấu khó chín. Còn nếu lỏng quá, nếp rời rạc, bánh nhão", ông nói. Việc cột dây cũng chặt vừa phải thì bánh mới đẹp, không phình chỗ này, thắt chỗ kia.
Dưới đáy nồi, ông xếp lớp lá đu đủ dày để bánh xanh hơn. Bánh nấu chừng 10 tiếng, thay 3 - 4 lần nước và giữ mực nước ngập bánh. Ông chia sẻ: "Nước nấu bánh phải sạch, tốt nhất là lấy nước từ giếng có mạch nước ngầm tự nhiên hoặc nước mưa. Nước nhiễm phèn bánh sẽ bị vàng".
Không lo "thất truyền"
Ông lấy vợ năm 25 tuổi, nhường khâu ngâm nếp, làm nhân cho vợ, giống như thời cha mẹ ông ngày trước. Rồi vợ mất, ông lại một mình gói bánh. Ông cho rằng vợ ngâm nếp, làm nhân ngon nhất.
Cứ thế, Tết đến, ông lại gói bánh, chờ con cháu tụ về. Các con ông tâm sự dù đi đâu làm gì, vẫn thèm cảm giác ngồi bên nồi bánh chiều cuối năm. Họ cũng thay ông thử lát bánh đầu tiên, cảm nhận "đưa răng cắn lát bánh xanh, nhân thơm phức, béo béo tan dần trong miệng đã lắm".
Ông nói vui rằng không biết mình còn gói được mấy nồi bánh tét nữa. Người con thứ năm của ông có "tố chất" nối nghiệp gói bánh, còn quay video các công đoạn ba gói bánh để sau này làm theo. Những người con khác lúc đầu cũng chịu khó ngồi "ngó ngó" ba gói bánh nhưng đành… chịu thua.
Họ từng bàn nhau ra chợ mua bánh cho ba khỏi cực nhọc. Nhưng cuối cùng, không ai nỡ lấy đi niềm vui tuổi già đầy ắp kỷ niệm của ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận