18/09/2022 11:17 GMT+7

'Cú nhảy' của hòa nhạc cổ điển

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, là mối quan tâm hàng đầu của âm nhạc cổ điển trong thời đại mới.

Cú nhảy của hòa nhạc cổ điển - Ảnh 1.

Dàn nhạc kèn gõ Nhạc viện TP.HCM hòa cùng khán giả bằng ánh đèn flash - Ảnh: SƠN TRẦN

1. Trong một phút cao hứng, chỉ huy Nguyễn Tuấn Lộc nhảy bẫng lên khỏi chiếc bục đặt trên sân khấu, những âm thanh trong bản Vidda vang khắp khán phòng. Cú nhảy của anh đã cất lên tinh thần của chương trình Liên hoan nghệ thuật "Giai điệu mùa thu" lần thứ 13: nhạc giao hưởng rời khỏi chiếc bục an toàn và hòa vào công chúng phổ thông.

Đêm "Hòa nhạc tài năng trẻ và dàn nhạc kèn gõ" diễn ra trong khuôn khổ liên hoan vào tối 15-9 tại Nhà hát TP.HCM. Hầu hết trong số 16 bản nhạc được chọn trình diễn là những giai điệu quen thuộc với công chúng qua điện ảnh, phim hoạt hình. Merry-Go-Round of Life được các em nhỏ biết đến từ bộ phim Lâu đài bay của pháp sư Howl (do Studio Ghibli sản xuất). 

Bản What a Wonderful World từng xuất hiện trong phim Good Morning, Vietnam. Nhạc phim của The Mission, The Avenger, Cướp biển vùng Carribean... cũng được giới thiệu đến khán giả.

Để kết nối với công chúng bên dưới mà nhiều người trong số họ chỉ mới đến nghe nhạc giao hưởng lần đầu, chỉ huy Nguyễn Tuấn Lộc đã nghĩ ra nhiều cách tiếp cận. Mở màn, anh và dàn nhạc kêu gọi khán giả bật đèn flash trên điện thoại để hòa cùng giai điệu, biến căn phòng tràn ngập ánh sáng. 

Bên cạnh đó, đêm nhạc đã chọn trình diễn tác phẩm The Typewriter của Leroy Anderson, một tác phẩm mang nhiều tính trình diễn khi nghệ sĩ Trương Ngọc Hồng Minh gõ máy đánh chữ với tiết tấu âm thanh quyện vào các nhạc cụ khác.

Vị chỉ huy còn tung hứng một tiểu phẩm ngắn với nghệ sĩ clarinet Hoàng Ngọc Anh Quân trước khi trình diễn bản The Tales of Viktor Navorski. Những màn dàn dựng thú vị của nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Lộc trong đêm diễn dễ khiến người xem nhớ đến cặp đôi nhà soạn nhạc Igudesman - Joo - vốn nổi tiếng nhờ phong cách kết hợp hài kịch với nhạc cổ điển. Igudesman và Joo đã thành công trong việc thu hút hàng chục triệu khán thính giả theo dõi họ với những video trên YouTube.

2. Bàn về việc thu hút công chúng trẻ, Astrid Baumgardner - tác giả của cuốn sách Creative Success Now: How Creations Can Thrive in the 21 Century (tạm dịch: Thành công ở lĩnh vực sáng tạo ngày nay: Cách để những tác phẩm phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21) - đã dẫn ra một số phương án.

Cú nhảy của hòa nhạc cổ điển - Ảnh 2.

Từ trái qua: NSƯT Bùi Công Duy (violin), Tiến sĩ Nguyễn Trinh Hương (piano), nghệ sĩ Dmitri Feygin (cello) biểu diễn trong đêm bế mạc

Bà cho rằng đây là lúc các nhạc sĩ cổ điển nên thoát ra khỏi sự ẩn mình và chia sẻ bản thân với công chúng: "Trước những buổi diễn của dàn nhạc American Composers Orchestra, các nhà soạn nhạc sẽ trả lời phỏng vấn về tác phẩm sẽ biểu diễn. Nhờ đó, người xem có cái nhìn sâu sắc về nghệ sĩ và được chuẩn bị về thứ âm nhạc mà họ sắp nghe...". 

Bà Astrid Baumgardner, giảng viên của Trường âm nhạc Yale, còn khuyến khích các nghệ sĩ khai thác tối đa sức mạnh từ cơ thể. Phong thái, cử chỉ của nghệ sĩ như một giềng mối nơi người nghe có thể đạt được sự rung cảm với âm nhạc. Ngoài ra, dàn nhạc cũng có thể mời khán giả cùng tham gia buổi biểu diễn nhằm tăng sự gắn kết.

3. Thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, là mối quan tâm hàng đầu của âm nhạc cổ điển trong thời đại mới. Theo nhà phê bình âm nhạc Anthony Tommasini, độ tuổi trung bình của khán giả tại Metropolitan Opera là 57 và khoảng 62% khán giả của Philharmonic từ 55 tuổi trở lên. Các nhà hát đang chật vật trong việc tìm kiếm thế hệ người xem kế cận.

Tuy nhiên, khi mở rộng đối tượng, "cú nhảy" của họ cũng phải đối mặt với cơ số rủi ro. Trong Liên hoan nghệ thuật "Giai điệu mùa thu" lần thứ 13, thỉnh thoảng tiếng trẻ con nói chuyện lại vang vọng, tiếng xì xầm từ hàng ghế khán giả xen kẽ tiếng đàn, ánh sáng từ điện thoại di động hắt lên và những màn vỗ tay đôi lúc cũng hờ hững. Tất cả những thứ ấy đã tạo thành thế lưỡng nan cho con đường của âm nhạc cổ điển.

Giai điệu mùa thu lần thứ 13: trẻ trung và nhiều kỳ vọng

Trở lại sau thời gian trì hoãn vì đại dịch, Giai điệu mùa thu lần thứ 13 đã không phụ sự mong đợi của khán giả. Tối 17-9, Giai điệu mùa thu khép lại với màn trình diễn đẳng cấp của NSƯT Bùi Công Duy, nghệ sĩ cello Dmitri Feygin, pianist Nguyễn Trinh Hương, NSƯT Trần Vương Thạch và dàn nhạc HBSO.

Khai mạc bằng một đêm hội tưng bừng, đa màu sắc với sự kết hợp các tác phẩm Việt Nam và quốc tế, liên hoan đã có một khởi đầu đầy hứng khởi. Đêm thứ hai, vở thanh xướng kịch nổi tiếng Carmina Burana (Vòng quay may mắn) với màn đại hợp xướng hơn 70 nghệ sĩ cùng dàn nhạc thực sự "bùng nổ" bởi sự cộng hưởng hiệu ứng âm thanh và rung động cảm xúc của hơn 500 khán giả lấp kín cả ba tầng khán phòng.

Là đêm diễn "hết vé" đầu tiên, Ballet Kiều tiếp tục khiến khán giả thổn thức với màn diễn tuyệt đẹp từ các nghệ sĩ đoàn vũ kịch HBSO. Sát ngày biểu diễn, nhiều bạn vẫn liên tục hỏi thăm có thể xin thêm vé không hoặc có thể đến "đứng xem múa" cũng được?

Với sự góp mặt của dàn nhạc kèn - gõ và cách dàn dựng đầy tươi mới của nhạc trưởng Phạm Tuấn Lộc, đêm của các tài năng trẻ đọng lại những cảm xúc khó quên cho khán giả mà đặc biệt là giới trẻ.

HUỲNH VY

Giai điệu Mùa thu khai mạc mỹ mãn: Niềm vui lớn của nghệ sĩ và khán giả Giai điệu Mùa thu khai mạc mỹ mãn: Niềm vui lớn của nghệ sĩ và khán giả

TTO - Liên hoan nghệ thuật Giai điệu Mùa thu vừa có đêm khai mạc đầy sôi nổi tối 10-9 tại Nhà hát TP.HCM với những tác phẩm âm nhạc nổi bật của thế giới và những giai điệu quen thuộc của Việt Nam, thu hút đông đảo công chúng đến thưởng thức.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp