14/11/2023 13:24 GMT+7

Cử nhân lao đao tìm việc kỳ 1: Kiếp nạn rải đơn xin việc không có hồi âm

TÂM LÊ
và 1 tác giả khác

Nhiều bạn trẻ rải CV khắp nơi nhưng không được hồi âm. Nhiều người chấp nhận làm trái nghề để "chờ thời" hay tranh thủ học tiếp cho qua ngày đoạn tháng thất nghiệp.

Nguyễn Hải Yến đi đâu cũng kè kè chiếc laptop, điện thoại để tìm kiếm việc

Nguyễn Hải Yến đi đâu cũng kè kè chiếc laptop, điện thoại để tìm kiếm việc

Trong khi có doanh nhân lại nói họ đang đỏ mắt tìm không ra người phù hợp. Thực tế thế nào?

"Các công ty hiện ít việc, họ chỉ tuyển ứng viên kinh nghiệm và tay nghề để không mất chi phí đào tạo, vị trí thực tập sinh cũng rất hiếm. Ôi, đúng là kiếp nạn!", Nguyễn Hải Yến, cử nhân Trường ĐH Kinh tế quốc dân, buồn bã nói kiếp nạn sau thời gian mòn mỏi tìm việc.

"82 kiếp nạn"

Sinh viên ra trường đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, lại tiếp suy thoái kinh tế và chiến tranh dẫn tới thiếu việc làm. Cầm tấm bằng đỏ cùng kinh nghiệm cộng tác viên thời sinh viên, nhiều bạn vẫn trượt tuyển dụng.

Câu cửa miệng "Kiếp nạn!" đang thành trào lưu của các bạn gen Z nói khó khăn như thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Tìm việc làm, các bạn cũng than thở "kiếp nạn" khiến thế hệ 8X chúng tôi nghe bi hài.

"Đôi lời tâm sự kiếp nạn 82 khi tìm việc", một bạn viết lên nhóm review công ty. Hoặc "đúng là 36 kiếp nạn", "kiếp nạn thứ 41" được các bạn ví số lần nộp CV tuyển dụng không thành.

Nguyễn Hải Yến nói về "kiếp nạn" của mình: "Em gửi hơn 30 CV nhưng hầu hết đều không phản hồi, nơi gọi phỏng vấn thì đòi kinh nghiệm chuyên môn. Chán quá", Yến như trầm cảm trong phòng trọ một mình ở khu đô thị Thanh Hà, Hà Đông, Hà Nội.

Yến muốn có việc làm ổn định, theo đuổi ngành mình học để phát triển sự nghiệp.

Tuần này quyết tâm lấy lại tinh thần, cô không tạo áp lực cho bản thân mà đặt mục tiêu việc làm dài hạn hơn. Vì trong thời gian "rải" CV ứng tuyển, cô rút ra bài học về nội dung CV cũng như lỗ hổng kiến thức cần bổ sung và chỉnh sửa lại:

"Em chưa khiêm tốn về điểm mạnh bản thân khi viết CV và chưa có kinh nghiệm thực tế về ngành logistics mình chọn. Kiến thức trường dạy thì tổng quát, công ty lại đòi hỏi cụ thể về chuyên ngành họ tuyển. Hơn nữa, tiếng Anh của em cũng chưa thành thạo", Yến thừa nhận và quyết tâm nâng cấp hai vấn đề còn yếu.

Hiện cô đang theo khóa tiếng Anh nâng cao và tìm hiểu một lớp logistics "thực chiến" để tham gia. "Giờ em ưu tiên bổ túc kiến thức, tất nhiên nếu trúng tuyển em sẽ đi làm nhưng không đặt nặng vấn đề đậu, trượt lúc này", cô nói.

Năm 2021, Yến tốt nghiệp khoa kinh tế quốc tế tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Kinh nghiệm làm TikToker từ năm hai đại học và hoạt động cán bộ lớp thời sinh viên, vừa ra trường cô được người quen giới thiệu làm trợ lý giám đốc cho công ty mỹ phẩm nhỏ. Điều bao bạn cùng lớp cô mơ ước, vì họ ra trường đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Nhưng việc không đúng chuyên ngành và không giúp Yến phát triển như mong muốn. "Em đã chệch hướng một chút. Em chấp nhận quay đầu để tìm việc phù hợp", Yến bày tỏ. Nhưng điều cô không ngờ sau nửa năm tìm việc mới mà vẫn thất nghiệp.

Cử nhân lao đao tìm việc - Kỳ1: 'Kiếp nạn' rải đơn xin việc không có hồi âm  - Ảnh 2.

Áp lực từ nhiều phía

Hoàn thành học đã gần một năm, nhưng việc tìm đầu ra cho bốn năm đèn sách của Nguyễn Thị Tuyết Trinh cũng đang rất gian truân.

Cô tốt nghiệp loại khá ngành ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), và hồ sơ xin việc đã bị hơn 10 nơi gác xó.

Đó là chỉ mới tính những nơi Trinh xin việc trực tiếp, còn trong các group việc làm trên mạng, cô gái này cho biết số lượng CV đã rải đếm không xuể.

Thậm chí, cô còn tự tìm email các doanh nghiệp để gửi hồ sơ xin việc, nhưng đến nay vẫn biệt vô âm tín.

"Gia đình dưới quê thì sốt ruột, tôi ở đây thì áp lực", Trinh than thở.

Tân cử nhân buộc phải tìm việc chân tay để trang trải cuộc sống. Trinh cho biết ngoài ba tháng thực tập được tiếp xúc nghề chuyên môn, đa số cô đều làm việc ăn lương theo giờ như nhân viên rạp phim, phục vụ quán ăn, bán quần áo...

Nếu làm đủ ca, mỗi tháng Trinh kiếm được hơn 4 triệu đồng. Nhưng so các bạn cùng trang lứa đã có việc làm ổn định thì số tiền cô kiếm được chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với họ. Trinh nhẩm tính tiền trọ gần 2 triệu đồng, tiền ăn 2 triệu đồng, tiền xăng xe 500.000 đồng, chưa kể những hôm bị bệnh, những buổi cà phê cùng bạn bè.

Mỗi tháng, cô gái quê Vĩnh Long phải xin thêm gia đình 1 - 2 triệu đồng mới tạm đủ sống. Câu hỏi việc làm, lương bổng từ gia đình, bạn bè là nỗi ám ảnh lớn nhất với Trinh lúc này. "Ai hỏi việc và lương là tôi đều tìm cách lảng tránh, hoặc cùng lắm chỉ trả lời vỏn vẹn cũng ổn", Trinh thở dài.

Là cô gái siêng năng, lanh lợi, nhưng vấn đề lớn nhất của Trinh là thiếu kinh nghiệm thực tế trong công việc.

Suốt quá trình học đại học, Trinh chỉ tập trung kiến thức ở trường và làm thêm những việc bán thời gian tại cửa hàng tiện lợi nên bản CV của cô hoàn toàn "trắng".

Những lần hiếm hoi được gọi phỏng vấn, câu hỏi đầu tiên cô nhận được luôn là: "Có kinh nghiệm làm ở đâu chưa?". Và cô gái này thầm hiểu lại một cơ hội nữa đã vụt qua...

Khó tìm được việc làm, nhiều cử nhân còn bị lừa đảo. Nhận được cuộc gọi, email của các "công ty, tập đoàn lớn" với mức lương hấp dẫn, nhưng khi họ đăng ký ứng tuyển lại bị dẫn dắt vào nhóm Telegram nạp tiền làm nhiệm vụ online.

Nguyễn Ngọc Ánh, ở Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành khách sạn du lịch tại ĐH Thương mại Hà Nội.

Thời gian tìm việc, cô liên tục nhận cuộc gọi tuyển dụng sau khi rải CV lên các trang tìm việc. "Nhà tuyển dụng" yêu cầu kết bạn Zalo, tư vấn tuyển dụng nhưng lại bắt Ánh phải nạp tiền làm nhiệm vụ. Ánh thấy vô lý nên trực tiếp gọi tổng đài công ty để xác minh và nhận được cảnh báo lừa đảo.

Nhận định khó khăn chung của tìm việc làm, nhiều cử nhân đã tìm việc trái ngành, có bạn tranh thủ lúc thất nghiệp để học thêm ngoại ngữ, chuyên môn. Có bạn chấp nhận lương thấp để tồn tại qua "kiếp nạn" với hy vọng sang đầu năm mới cơ hội trúng tuyển cao hơn.

Chấp nhận lương thấp để có việc

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích từ dữ liệu của hơn 20.100 lượt doanh nghiệp tuyển dụng và hơn 78.000 lao động tìm việc từ tháng 4-2023 đến hết tháng 6-2023, nhận định gần một nửa lao động chấp nhận mức lương thấp để có việc làm.

Trong 42% người tìm việc có bằng cử nhân trở lên thì có 53% ứng tuyển làm nhân viên, 28% tìm kiếm vị trí quản lý bậc trung (gấp đôi so nhu cầu tuyển dụng) và chỉ 2% lao động tìm kiếm vị trí quản lý bậc cao.

Doanh nghiệp cần gì ở tân cử nhân?

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (cựu Senior HR Manager - Organization Culture tại Lazada) đánh giá các tân cử nhân ngày nay đều là bạn trẻ nhanh nhẹn, được tiếp cận với nhiều công nghệ và thông tin cần thiết từ rất sớm, song cũng không ít bạn vẫn còn thụ động chờ đợi sự giúp đỡ.

"Điểm lo lắng lớn nhất của doanh nghiệp là kỹ năng các bạn sinh viên mới ra trường. Ở đây không chỉ là kinh nghiệm chuyên môn mà còn cả những nghiệp vụ thực tế đơn giản", anh Hiệp nói.

Lý giải nhiều tân cử nhân rải CV khắp nơi nhưng vẫn chưa tìm được việc ưng ý, anh Hiệp cho rằng đó là do mức độ employability (khả năng được tuyển dụng) của các bạn chưa cao vì thiếu những kỹ năng thiết yếu.

Ngoài ra, nhiều bạn chưa tìm hiểu đủ sâu các doanh nghiệp cũng như vị trí ứng tuyển mà cứ rải CV ồ ạt, không biết công việc đòi hỏi những gì, và cũng không cho thấy bản thân có thể đáp ứng được gì cho nhà tuyển dụng.

-----------------

Không chỉ cử nhân mới tốt nghiệp, nhiều người ra trường vài năm cho biết họ vẫn khó có việc phù hợp.

Kỳ tới: Kinh nghiệm vài năm, vẫn đỏ mắt xin việc

Người xây dựng lao đao: Thất nghiệp, giấu luôn bằng... kỹ sưNgười xây dựng lao đao: Thất nghiệp, giấu luôn bằng... kỹ sư

Bất động sản "đứng hình" kéo theo nhiều thứ liên quan cũng chật vật. Và một lực lượng không ít lao động ngành xây dựng bỗng dưng mất việc, không chỉ cánh thợ hồ mà có cả những kỹ sư xây dựng bằng cấp hẳn hoi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp