Phóng to |
Sinh viên tìm kiếm thông tin việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng - Ảnh: baodanang.vn |
Đây không chỉ là sự lãng phí lớn với những ai mất 4-5 năm ngồi trên giảng đường mà còn là sự lãng phí đối với cả lực lượng lao động trẻ.
Mỏi mòn tìm việc
Không ít bạn trẻ sau khi ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Nhiều người ở các tỉnh không muốn về quê làm việc. Giải pháp để trụ lại được ở các thành phố là làm bất cứ việc gì miễn có thu nhập. Với suy nghĩ như vậy, nhiều bạn trẻ đã đánh đổi tấm bằng cử nhân để đổi lấy những việc như đưa hàng, lễ tân, bán hàng...
Ngọc Linh (Vĩnh Phúc) sau khi tốt nghiệp ngành toán tin Trường ĐH KHTN không tìm được việc làm ổn định. Linh đã đi vay tiền để mở cửa hàng lắp ráp máy vi tính nhưng công việc kinh doanh không thành công, thu không đủ chi nên hiện tại Linh chuyển sang đưa hàng cho một cửa hàng kinh doanh gas, chờ cơ hội xin được việc tốt hơn.
Linh tâm sự: "Tốt nghiệp ngành tin học bây giờ cần phải bổ sung thêm chứng chỉ chuyên ngành của Microsoft mới mong tìm được việc làm ở thành phố. Nhưng tiền để học hết chương trình đó giờ em lại chưa có".
Trường hợp của Thu Trà, cựu SV khoa chế tạo máy ĐH Bách khoa, cũng rất đáng suy nghĩ. Sau khi tốt nghiệp, Trà không tìm được việc làm đúng chuyên ngành, đơn giản bởi nhiều doanh nghiệp không tin tưởng vào tay nghề của một bạn nữ mới ra trường. Hiện giờ, Trà làm cho một công ty chuyên sản xuất bông tai xuất khẩu sang Nhật Bản ở vị trí công nhân với mức lương rất thấp.
Các địa phương cần thu hút lao động
Theo kết quả khảo sát tại Hà Nội qua 12 phiên giao dịch việc làm từ năm 2007 (của Trung tâm GTVL Hà Nội) tới nay, có tới 50% (khoảng 24.000 lao động) đăng ký tìm việc là LĐPT. Nhưng thực tế khi tuyển dụng các doanh nghiệp chỉ tuyển được 1.726 người có trình độ phổ thông, 4.032 người có trình độ trung cấp và hơn 7.300 lao động có trình độ ĐH-CĐ. Theo các nhà tuyển dụng, đây là một sự lãng phí khá lớn.
Ông Trần Trung Chính - giám đốc Trung tâm GTVL Hà Nội - cho rằng việc nhiều cử nhân sẵn sàng làm việc LĐPT là do họ chưa có cơ hội tìm được việc đúng chuyên ngành, họ chấp nhận làm việc để trụ lại các thành phố lớn. Giải pháp hữu ích là các tỉnh cần có chính sách thu hút lao động quay về địa phương làm việc. "Nếu tại địa phương lương trả cho người lao động còn thấp thì họ vẫn sẽ tìm mọi cách để trụ lại trên thành phố", ông Chính cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận