24/04/2019 09:26 GMT+7

'Cứ nâng điểm, giáo viên có mất gì đâu'

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - 'Những vụ sửa điểm, nâng điểm trong trường phổ thông là chuyện thường ngày, có gì lạ đâu!' - nhiều giáo viên đã gọi cho Tuổi Trẻ và phản ảnh như thế.

Cứ nâng điểm, giáo viên có mất gì đâu - Ảnh 1.

Cơ quan an ninh điều tra khám xét phòng làm việc của các bị can gian lận điểm thi tại Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình (tháng 8-2018) - Ảnh: MẠNH HÙNG

Cô V., giáo viên môn văn ở TP.HCM, cho biết: "Phụ huynh đến gặp tôi, năn nỉ xin môn học của tôi để con của họ đạt học lực giỏi.

Chị ấy nói tất cả các môn của cháu đều đạt điểm rất cao. Chỉ mỗi môn văn của tôi là điểm thấp, điểm trung bình cả học kỳ chỉ có 6,4, thiếu có 0,1 điểm nữa mà cháu không được công nhận danh hiệu học sinh giỏi thì tội cho cháu quá.

Tôi không đồng ý nâng điểm với quan niệm: cứ để nguyên như vậy thì học kỳ sau học sinh sẽ phải nỗ lực nhiều hơn".

1.001 lý do để xin nâng điểm

Theo cô V., không chỉ có phụ huynh đi xin điểm cho con mình mà có cả giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường tham gia: "Trong cuộc đời đi dạy hơn 20 năm của tôi, tôi đã từng nhận được khá nhiều lời đề nghị của giáo viên chủ nhiệm xin nâng điểm cho học trò lớp mình.

Có khi nâng điểm để học sinh không phải thi lại, có khi xin nâng điểm để học sinh không bị lưu ban, nâng điểm để đạt học sinh tiên tiến, nâng điểm để đạt học sinh giỏi...".

Cô V. khẳng định: "Những giáo viên nói không với việc nâng điểm sẽ bị xem là những người bất thường trong nhà trường. Tôi cũng bị đồng nghiệp nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm vì từ chối nâng điểm cho học sinh. Thậm chí, có lần tôi đã phải chuyển trường chỉ vì không nghe lời lãnh đạo nhà trường, sửa điểm cho học sinh".

Ông Cao Huy Thảo, nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc, TP.HCM, đúc kết: "Có nhiều lý do để người ta thổi điểm cho học sinh. Thứ nhất là vì tiền bạc: nhận tiền, quà cáp của phụ huynh và sửa điểm cho con em họ.

Thứ hai là vì giáo viên, lãnh đạo nhà trường có mối quan hệ thâm tình với phụ huynh. Thứ ba là vì thành tích: nâng điểm để lớp mình, trường mình có tỉ lệ đẹp về số học sinh giỏi, tỉ lệ học sinh được lên lớp...".

Học sinh giỏi vẫn xin nâng điểm

"Có lần tôi đã bị phó hiệu trưởng nhà trường kêu lên, yêu cầu nâng điểm cho một học sinh. Tôi rất bất ngờ vì em đó là học sinh giỏi, điểm thi môn văn của tôi là 8,5. Điểm trung bình cả năm học của em cũng rất cao, đủ để em đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Thế thì xin nâng điểm làm gì?

Đến khi gặp giáo viên chủ nhiệm của em thì tôi được biết: gia đình mong muốn em phải là học sinh giỏi nhất khối" - một giáo viên kể.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng thừa nhận: "Những năm gần đây, khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế có lấy điểm trung bình của năm học lớp 12 để xét tốt nghiệp, rồi một số trường ĐH lấy căn cứ điểm học bạ năm lớp 12 để tuyển sinh thì những râm ran về việc sửa điểm, nâng điểm ở chỗ này, chỗ kia lại rộ lên.

Thậm chí, có trường nói không với việc nâng điểm thì bị chê là không thức thời, không thương học sinh, cứ nâng điểm thì giáo viên có mất gì đâu...".

Không những thế, một hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn TP.HCM còn "bật mí": "Đã nhiều năm nay, Sở GD-ĐT TP.HCM giao cho các trường THPT được quyền ra đề kiểm tra giữa học kỳ và cuối học kỳ, kể cả cho khối lớp 12.

Thế thì việc nâng điểm lại còn dễ dàng hơn nữa: đâu cần sửa bài thi hay nâng điểm bài thi làm gì, dễ bị thanh tra phát hiện lắm. Chỉ cần ra đề dễ hơn so với chuẩn kiến thức - kỹ năng cũng là một cách nâng điểm rồi".

Thậm chí, vị hiệu trưởng trên còn cho biết: "Một số trường còn dùng cách nâng điểm cho học sinh như thế này: những học sinh yếu sẽ được làm lại bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết. Đề kiểm tra lần 2 thì cho ra thật dễ để đảm bảo học sinh được 7-8 điểm.

Riêng bài kiểm tra giữa và cuối học kỳ thì giáo viên bộ môn phải khoanh vùng kiến thức thật sát. Đề kiểm tra sẽ cho ra dạng nào thì học sinh cứ làm đi làm lại dạng toán đó thật nhuần nhuyễn, bảo đảm sẽ có điểm trên trung bình một cách dễ dàng".

Làm gì để ngăn nạn nâng điểm, sửa điểm?

TTO - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ về thực trạng đánh giá học sinh ở trường phổ thông còn chưa sát thực; việc nâng điểm, sửa điểm trên học bạ cho học sinh nhằm "làm đẹp hồ sơ" vẫn xảy ra.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp