Một khoảng rừng Amazon bị thiêu rụi ở gần Porto Velho, bang Rondonia, Brazil. Ảnh tư liệu: afp.com
Ngày 28/4, các nhà nghiên cứu cho biết xu hướng phá rừng để phục vụ trồng trọt và chăn nuôi đã gia tăng trong năm ngoái, đồng thời cảnh báo biến đổi khí hậu đang gây khó khăn trong việc khắc phục những thiệt hại này.
Theo nghiên cứu hàng năm của Tổ chức Giám sát Rừng toàn cầu, Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Đại học Maryland (Mỹ), ước tính khoảng 11,1 triệu ha rừng nhiệt đới đã bị phá hủy vào năm 2021, trong đó có 3,75 triệu ha là rừng nguyên sinh. Giám đốc chương trình rừng của WRI, ông Rod Taylor nhấn mạnh điều này đồng nghĩa rằng cứ mỗi phút thế giới lại mất đi diện tích rừng tương đương diện tích 10 sân bóng đá.
Hơn 40% diện tích rừng nhiệt đới bị hủy hoại trong năm ngoái là tại Brazil, với 1,5 triệu ha rừng bị chặt hạ hoặc đốt phá. Theo WRI, năm ngoái, tỉ lệ rừng bị phá hủy không liên quan đến cháy rừng mà do các nguyên nhân như phát quang làm nông nghiệp đã tăng 9% so với năm 2020. Xếp sau Brazil là CHDC Congo với gần 500.000 ha rừng biến mất, trong khi mức độ phá hoại rừng tại Bolivia đã lên mức kỷ lục là gần 300.000 ha.
Báo cáo mới nhất cho thấy tỉ lệ rừng nhiệt đới nguyên sinh bị phá hủy trong năm 2021 đã giảm 11% so với năm trước đó do thời tiết ẩm ướt góp phần hạn chế các trận cháy rừng, song con số này vẫn ở mức cao bất thường. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng này đã dẫn đến việc thải 2,5 tỉ tấn CO2 ra khí quyển, tương đương với mức khí thải hằng năm từ nhiên liệu hóa thạch tại Ấn Độ.
Không chỉ riêng rừng nhiệt đới, báo cáo còn cho thấy các khu rừng phương Bắc tại Bắc bán cầu đã bị tàn phá nghiêm trọng nhất trong hai thập kỷ. Mùa cháy rừng năm ngoái đã khiến Nga mất 6,5 triệu ha rừng, mức cao nhất từ trước đến nay. Các nhà nghiên cứu đang lo ngại về nguy cơ xảy ra vòng lặp khi cháy rừng sẽ tạo ra nhiều khí thải CO2, khiến nhiệt độ tăng lên kéo theo mối đe dọa cháy rừng.
Trước tình hình này, các nhà phân tích đã hối thúc chính phủ các nước nhanh chóng hành động để đáp ứng mục tiêu chấm dứt nạn phá rừng trong thập kỷ này. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11/2021, 141 nhà lãnh đạo toàn cầu cam kết sẽ chấm dứt và đảo ngược vấn nạn phá rừng vào năm 2030. Do phần lớn diện tích rừng bị mất trong năm 2021 xảy ra trước khi các nước đạt nhất trí về mục tiêu này, WRI cho rằng các số liệu mới nhất có thể được xem là con số tham chiếu để đánh giá hiệu quả của các biện pháp.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng tỉ lệ rừng nguyên sinh hằng năm sẽ tiếp tục giảm đáng kể trong thời gian còn lại của thập kỷ này và biến đổi khí hậu đang gây trở ngại cho việc bảo vệ các khu rừng hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận