28/06/2024 08:08 GMT+7

Cứ lo âu, căng thẳng là mồ hôi tay chảy thành giọt, vì sao?

Đổ mồ hôi là một quá trình tự nhiên giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, nhưng ra mồ hôi tay, chân quá nhiều có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Ra mồ hôi tay, chân quá nhiều gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày - Ảnh minh họa

Ra mồ hôi tay, chân quá nhiều gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày - Ảnh minh họa

Em P.T.T.M. (13 tuổi) ở xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) thường bị đổ nhiều mồ hôi ở bàn tay và bàn chân.

Đặc biệt vào mùa hè thời tiết nóng bức, tâm trạng lo âu, căng thẳng cũng khiến mồ hôi tay càng ra nhiều hơn, nắm tay có thể chảy thành giọt và phải dùng khăn lau liên tục.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, do tay luôn ẩm ướt nên gây ra rất nhiều bất tiện như không thể cầm chổi quét nhà, khi cắm cơm dễ bị điện giật, cầm bút viết bài thì rất trơn trượt, mồ hôi tay ra làm nhòe hết chữ viết.

Ra nhiều mồ hôi tay cũng khiến M. không thể chơi các môn thể thao như cầu lông, bóng bàn...

ThS Đỗ Tất Thành - phó giám đốc Trung tâm tim mạch, trưởng khoa phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình - giải thích cách xử lý: "Các bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi lồng ngực một cổng vào và sử dụng năng lượng Laser Holmium để đốt hạch giao cảm T3 (ra mồ hôi lòng tay) và T3-T4 (ra mồ hôi lòng bàn tay - nách)".

Bác sĩ Thành phân tích ưu điểm của kỹ thuật này là ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật chỉ từ 15-20 phút, gần như không có biến chứng trong và sau mổ, khả năng phục hồi nhanh, bệnh nhân có thể xuất viện trong 24 giờ, mức chi phí hợp lý, tính thẩm mỹ cao.

Đặc biệt hiệu quả khô tay và nách sau mổ đạt tỉ lệ 99,9%. Người bệnh có thể cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt khi lòng bàn tay trở lên khô ráo và ấm hơn ngay sau khi mổ.

Vấn đề được các bệnh nhân quan tâm, lo lắng và cản trở việc tiếp cận phương pháp này là tình trạng ra mồ hôi bù trừ sau phẫu thuật, có nghĩa là mồ hôi sẽ ra ở vị trí khác nhiều hơn so với trước phẫu thuật: mặt, lưng, ngực, bụng, đùi, cẳng chân.

Tình trạng ra mồ hôi bù trừ xảy ra sau phẫu thuật đốt hạch giao cảm là khá phổ biến. Tuy nhiên mức độ ra mồ hôi bù trừ là không giống nhau, có thể nhẹ, vừa hoặc nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Đổ mồ hôi mức nào thì cần gặp bác sĩ?

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, đổ mồ hôi là cơ chế tự làm mát của cơ thể. Hệ thống thần kinh tự động kích hoạt các tuyến mồ hôi khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Đổ mồ hôi cũng thường xảy ra, đặc biệt là ở lòng bàn tay, khi lo lắng. Tùy theo nguyên nhân sẽ phân ra các loại tăng tiết mồ hôi khác nhau.

Trong các loại tăng tiết mồ hôi, loại phổ biến nhất là tăng tiết mồ hôi tiên phát. Trong loại này, các dây thần kinh chịu trách nhiệm khởi động các tuyến mồ hôi trở nên hoạt động quá mức, mặc dù các dây thần kinh không được kích hoạt bởi hoạt động thể chất hoặc tăng nhiệt độ.

Nếu có nhiều căng thẳng, cơ thể stress hoặc bị kích động, tình trạng tăng tiết mồ hôi càng trở nên nặng hơn.

Tăng tiết mồ hôi tiên phát thường gây tăng mồ hôi ở lòng bàn tay và lòng bàn chân (tăng tiết mồ hôi tay chân) và đôi khi là ở cả mặt.

Đổ mồ hôi tay, chân quá nhiều có thể là một triệu chứng của các tình trạng rất nghiêm trọng khác, vì thế không nên chủ quan - Ảnh minh họa/ Nguồn: Getty

Đổ mồ hôi tay, chân quá nhiều có thể là một triệu chứng của các tình trạng rất nghiêm trọng khác, vì thế không nên chủ quan - Ảnh minh họa/ Nguồn: Getty

Hiện nay nguyên nhân gây tăng mồ hôi tiên phát vẫn chưa được giải thích một cách đầy đủ. Nó có thể là một phần do di truyền, vì đôi khi thường thấy ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình.

Một loại tăng tiết mồ hôi khác ít phổ biến hơn đó là tăng tiết mồ hôi thứ phát. Đây là tình trạng tăng tiết mồ hôi do một tình trạng bệnh lý nào đó của cơ thể. Khác với tăng tiết mồ hôi nguyên phát, các trường hợp thứ phát thường gây tăng tiết mồ hôi toàn thân.

Bác sĩ Trần Quốc Hoài (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM) lý giải: Đổ mồ hôi quá nhiều có thể là một triệu chứng của các tình trạng rất nghiêm trọng khác.

Vì thế, nếu gặp phải một trong các triệu chứng như: Đổ mồ hôi kèm theo sụt cân không chủ đích; Đổ mồ hôi chủ yếu xảy ra trong lúc ngủ; Đổ mồ hôi kèm theo sốt, đau ngực, tức ngực, khó thở và tim đập nhanh; Đổ mồ hôi kéo dài không rõ nguyên nhân, nên đi khám để tìm nguyên nhân và can thiệp kịp thời.

Theo bác sĩ Hoài, để phòng ngừa tình trạng tăng tiết mồ hôi, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh có thể kết hợp một số giải pháp tại nhà để giúp giảm tiết mồ hôi:

- Mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát, chọn chất liệu vải nhẹ, thoáng khí như cotton, lụa.

- Mang theo một chiếc áo dự phòng nếu bạn tập thể dục hoặc di chuyển ngoài trời nắng nóng.

- Để tránh mồ hôi chân đổ nhiều toát mùi khó chịu, hãy mang loại tất có khả năng hút ẩm tốt.

- Tắm từ 1-2 lần mỗi ngày bằng xà phòng diệt khuẩn. Việc làm này giúp kiểm soát vi khuẩn thường trú trên làn da tiết mồ hôi.

- Sử dụng miếng lót cho vùng nách và lót giày để hỗ trợ thấm mồ hôi.

- Hạn chế các loại thực phẩm cay cũng như đồ uống có cồn và cafein vì chúng kích thích mồ hôi tiết nhiều hơn.

Park Hyung Sik ‘đổ mồ hôi như thác’ khi đứng cạnh cựu hoa đán TVB Trần Pháp LaiPark Hyung Sik ‘đổ mồ hôi như thác’ khi đứng cạnh cựu hoa đán TVB Trần Pháp Lai

Khi tham gia một sự kiện cùng cựu hoa đán TVB Trần Pháp Lai tại Hong Kong, ‘thiếu gia Kbiz' Park Hyung Sik toát cả mồ hôi chỉ vì hồi hộp khi đứng cạnh người đẹp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp