23/02/2017 11:55 GMT+7

Cứ đau ốm là tới... đồn khám

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), có một buôn của người Ê Đê mà hơn 120 hộ dân nơi đây đều được chăm sóc, điều trị đau ốm hoàn toàn miễn phí.

Thượng úy Trà thăm khám cho bà H’Bdui BKrông - người đau ốm nhiều năm tại buôn Đrăng Phốk - Ảnh: B.D.
Thượng úy Trà thăm khám cho bà H’Bdui BKrông - người đau ốm nhiều năm tại buôn Đrăng Phốk - Ảnh: B.D.

Ở đó, thầy thuốc không mặc áo blouse trắng như thường lệ mà đeo cầu vai xanh của người lính biên phòng, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.

Xuống tận nhà chăm sóc

Buổi sáng cuối tuần tranh thủ lúc vắng bệnh nhân, thượng úy Phạm Văn Trà, y sĩ tại trạm y tế quân dân y kết hợp buôn Đrăng Phốk (đồn biên phòng Sêrepok, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk), chuẩn bị đồ đạc để ra ngoài.

Chợt có hai cô gái trẻ đứng trước cửa, một cô người Ê Đê ngượng ngùng nói: “Mình bị đau bụng mấy hôm nay mà uống lá thuốc không khỏi. Nhờ chú Trà xem bụng mình bị cái gì”.

Y sĩ Trà cười hiền lành, bảo cô gái Ê Đê nằm lên giường bệnh để thăm khám. Cô gái đỏ mặt, kiên quyết không vén áo khỏi bụng, mãi sau mới chấp nhận. Hóa ra việc đau bụng chỉ đơn giản là... tới ngày khó nói của phụ nữ.

“Bây giờ phần lớn người dân cứ đau ốm gì là đi bộ vài bước chân để tới đồn khám. Họ coi việc khám chữa bệnh của bộ đội cũng là việc trong buôn, trong làng, như là bà con thân thuộc” - y sĩ Trà nói.

Trạm quân dân y lại nhận được điện thoại từ buôn báo về trường hợp cụ H’Bdui Bkrông, 85 tuổi, đau yếu, nằm một chỗ từ nhiều năm nay, sống ở ngôi nhà gỗ giữa buôn Đrăng Phốk. Thượng úy Trà cùng thiếu tá Trần Thế Hiền - cán bộ vận động quần chúng - mang túi thuốc lên đường.

Vừa thấy hai chú bộ đội tới, bà H’Bdui ngồi trong nhà cố rướn người lên nắm tay: “Hôm nay mẹ đau quá, không biết làm sao mà nó cứ đau buốt cả chân, ăn không được, ngủ cũng không được”.

Sau khi được thăm khám trực tiếp, xoa bóp, bà H’Bdui thấy tỉnh táo lại. Ngay lập tức bà đòi đi nhặt phân bò về phơi khô, đây là một việc làm của người dân ở đây, phân phơi khô, bán lấy tiền”.

Thượng úy Trà cho biết bà H’Bdui là một trong hai trường hợp đang được anh em cán bộ chiến sĩ ở trạm chữa trị, theo dõi thường xuyên.

“Gần như ở thời điểm nào anh em tại trạm cũng có người ốm để đưa vào diện theo dõi hằng ngày. Những người này phần lớn là già yếu, đau bệnh, được bộ đội xuống tận nhà thăm khám, điều trị hoàn toàn miễn phí”.

Ca cấp cứu khó quên

Thiếu tá Trần Thế Hiền và thượng úy Trà cười vang khi kể về câu chuyện làm nhiệm vụ khá đặc biệt - vừa là người lính, vừa là y sĩ ở một địa bàn vùng xa.

Người dân ở đây đã có thói quen đi khám bệnh, lấy thuốc nhưng có những ca mà khi bác sĩ tới, nếu không khéo léo xử lý thì dễ có nguy cơ... sinh chuyện.

Đầu năm 2016, một cặp vợ chồng trong lúc đi rẫy rồi hục hặc với nhau trong rừng. Không biết cãi nhau chuyện gì mà người chồng trong cơn bực tức đã cầm một con dao cắt thẳng vào... bộ phận sinh dục của vợ.

“Ông chồng hốt hoảng gọi anh em mình tới. Vết thương nằm ở vị trí nhạy cảm, không cấp cứu kịp thời, cầm máu thì nguy nan. Nhưng anh em chúng tôi cũng hiểu điều trị cho ca bệnh này là khá “nhạy cảm”.

Chúng tôi khéo léo gọi chồng của bệnh nhân đứng bên cạnh, dùng rèm che kín phòng lại, khâu vá vết thương. Mọi việc diễn ra rất trọn vẹn. Bây giờ hai vợ chồng đã vui vẻ trở lại” - thượng úy Trà kể.

Các cán bộ ở trạm quân dân y buôn Đrăng Phốk cho biết người dân tại chỗ có lòng tự ái rất cao. Đã nhiều ca mà chỉ cần bị chạm lòng tự ái, bị đổ oan hoặc hi hữu hơn - buồn buồn uống rượu vào nghĩ quẩn, người dân sẵn sàng uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Đối với những ca này, sự sống chỉ nằm trong khoảnh khắc, nếu không có y bác sĩ kịp thời sẽ không giữ được tính mạng. “Mới đây chúng tôi xuống súc ruột và cứu kịp thời một thanh niên trong buôn.

Chỉ vì cha mẹ không cho lấy vợ (vì chưa đủ tuổi) mà người này uống nguyên chai thuốc diệt cỏ tự tử. Cũng may là nhà ở gần trạm chứ không thì khó cứu.

Điều đáng nói trước đây mấy tháng, thanh niên này cũng uống thuốc diệt cỏ một lần vì buồn chán. Sau đó đã được cứu” - thiếu tá Hiền nói.

Vận động bà con rời thầy cúng

Trạm y tế quân dân y kết hợp buôn Đrăng Phốk của đồn biên phòng Sêrepok là một dãy nhà cấp bốn nằm ngay sát buôn Đrăng Phốk.

Nhiều năm nay, trạm đóng vai trò như những “người lính” thầm lặng, làm nhiệm vụ canh gác, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Trực chiến ở trạm luôn có hai cán bộ, trong đó một y sĩ phụ trách việc trực tiếp khám chữa bệnh.

Y sĩ Trà cho biết buôn Đrăng Phốk dù nằm không xa trung tâm huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) nhưng lại tách biệt trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn.

Dân cư phần lớn là người Ê Đê nên để tập cho họ thói quen tìm đến trạm để khám chữa bệnh là cả một kỳ công.

“Trước đây hầu như bà con cứ đau ốm gì là gọi thầy cúng, có lúc người sắp chết rồi cũng cứ mổ heo, gà ra cúng. Nghi thức cúng nhiều lúc quệt máu lên cơ thể làm bệnh tình người bệnh càng nặng thêm.

Từ thực tế này, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã triển khai trạm này, huy động anh em cán bộ xuống trực tiếp làm nhiệm vụ vận động bà con từ bỏ tập tục, khám chữa bệnh, điều trị theo dõi sức khỏe hoàn toàn miễn phí cho bà con toàn buôn” - thượng úy Trà cho biết.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp