07/07/2016 08:17 GMT+7

Cư dân chung cư muốn bán chỗ để xe phải làm sao?

D.N.HÀ
D.N.HÀ

TTO - Việc quản lý chung cư chủ yếu để bảo vệ thương hiệu và chất lượng của chung cư, cũng là để bảo vệ thương hiệu của chủ đầu tư, chứ không tính chuyện lời lỗ.

Nhiều gia đình trẻ chọn nhà chung cư vì thiết kế tiện nghi với nhiều dịch vụ. Trong ảnh: chung cư Thiên Nam trên đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Nhiều gia đình trẻ chọn nhà chung cư vì thiết kế tiện nghi với nhiều dịch vụ. Trong ảnh: chung cư Thiên Nam trên đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Tại buổi tọa đàm “Quản lý chung cư sao cho hiệu quả?” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hưng Thịnh Corp tổ chức, các đại biểu đưa ra kinh nghiệm nói trên để chung cư “yên gió, lặng sóng”.

Nhiều đại biểu cho rằng các bên trong nhà chung cư cần phải hiểu giới hạn quyền lợi và trách nhiệm của mình, đồng thời phải có tinh thần vì cái chung.

Chung cư không tranh chấp có giá hơn

Tại tọa đàm, các chủ đầu tư tham gia quản lý chung cư trong giai đoạn chưa thành lập ban quản trị chung cư cho rằng việc quản lý chung cư chủ yếu để bảo vệ thương hiệu và chất lượng của chung cư, cũng là để bảo vệ thương hiệu của chủ đầu tư, chứ không tính chuyện lời lỗ.

Ông Phạm Khắc Khoan, phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp, cho biết công ty này thường bù lỗ trong công tác quản lý chung cư và không đặt nặng vấn đề lợi nhuận trong thời gian quản lý sau khi bàn giao nhà cho khách hàng. Ngoài ra, công ty còn bỏ tiền thiết kế thêm nhiều tiện nghi để bảo đảm an ninh, an toàn cho chung cư.

Đại diện Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lam chia sẻ rằng những khoản thu trong quản lý chung cư chỉ để bù chi, chứ không đặt mục tiêu kinh doanh.

“Đầu tiên phải làm cho khách hàng hiểu được ở chung cư là như thế nào để tránh những hiểu nhầm, mâu thuẫn không đáng có. Những thắc mắc của người dân phải được giải quyết nhanh và rốt ráo ngay từ khi mới phát sinh” - vị này nêu kinh nghiệm.

Có một điểm thú vị là các đại biểu dự tọa đàm đều thống nhất cho rằng trong môi trường khá phức tạp ở chung cư thì các bên phải hành xử trên nguyên tắc “biết người biết ta”.

Cụ thể, vì các bên trong chung cư cùng chung một tòa nhà nên phải ý thức giảm bớt những lợi ích riêng của mình khi giải quyết các vấn đề chung.

“Khi chung cư hoạt động ổn định, chính cư dân, người sở hữu nhà chung cư là người có lợi. Bởi an ninh trong chung cư ổn định, các bên không tranh chấp lẫn nhau, môi trường sống hài hòa thì căn hộ sẽ tăng giá trị” - ông Phạm Khắc Khoan phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, một đại biểu dự tọa đàm cũng khẳng định công tác quản lý là một trong ba yếu tố quyết định đến giá nhà chung cư (cùng với vị trí địa lý và trang thiết bị nội thất).

Hiểu luật để giảm tranh chấp

Bàn về các quy định quản lý chung cư hiện hành, các đơn vị tham gia tọa đàm cho biết vẫn còn nhiều nội dung mà các cơ quan quản lý cần bổ sung để điều chỉnh các quan hệ trong nhà chung cư.

Ví dụ như chủ đầu tư muốn bán chỗ để xe trong chung cư có được không? Người dân có được mua chỗ để xe để cho thuê lại? Các chủ căn hộ có được quyền bán căn hộ kèm chỗ để xe hay không? Mô hình hoạt động nào cho ban quản trị nhà chung cư?

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - trưởng Phòng quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP), hiện nay quy định chưa nói cụ thể về quyền sở hữu, quyền cho thuê chỗ để xe.

“Nếu xem chỗ để xe thuộc sở hữu của chủ căn hộ thì họ có thể bán, cho thuê... theo quy định của pháp luật dân sự hay không? Quy định về nhà chung cư phải làm rõ điều này” - ông Hải đề nghị.

Ông Nguyễn Hồng Minh, giám đốc Công ty quản lý tòa nhà PMC, khẳng định tranh chấp trong nhà chung cư ở Việt Nam sẽ còn xảy ra trong 5-10 năm nữa. Vì đặc thù của chung cư là tất cả cư dân chọn một tiêu chuẩn sống chung, mặt bằng sống chung... trong khi đó, thực tế người dân ở chung cư của Việt Nam rất đa dạng nên đã phá vỡ mặt bằng chung này, tạo xung đột trong chung cư.

Vì vậy, ông Minh cho rằng cần có bàn tay của chính quyền trong việc quản lý vận hành nhà chung cư. “Các cơ quan quản lý cần phải đặt vấn đề quản lý nhà nước về chung cư là một phần quan trọng trong công tác quản lý đô thị. Tại các cơ quan quản lý nhà nước cấp quận, cấp phường cần có những chuyên viên về đô thị” - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc quản lý vận hành nhà chung cư liên quan đến năm chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành và người sở hữu, sử dụng chung cư).

Ông Hải nhận định mỗi chủ thể có những hạn chế khác nhau và điều này cũng dẫn đến một số mâu thuẫn, tranh chấp trong nhà chung cư. “Có những vấn đề rất dễ giải quyết nếu như các bên trong nhà chung cư hiểu biết quy định của pháp luật về nhà chung cư” - ông Hải nhận định.

Ông Phạm Khắc Khoan (phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp):

Ông Phạm Khắc Khoan - Ảnh: Q.Đ.
Ông Phạm Khắc Khoan - Ảnh: Q.Đ.

Đặt mình vào vị trí người mua nhà

Triết lý kinh doanh cũng như giá trị cốt lõi của Hưng Thịnh Corp là hướng về cộng đồng, quan tâm đến khách hàng, khách hàng là trung tâm. Vì vậy, từ khâu thiết kế đến khâu xây dựng các dự án, nhân viên của Hưng Thịnh đều đặt mình ở vị trí người ở chung cư.

Ngay từ những ngày đầu bàn giao nhà, chúng tôi đã tổ chức và huấn luyện bộ máy quản lý chung cư một cách chuyên nghiệp. Những người quản lý nhà là người vừa có kinh nghiệm, lại có tâm phục vụ cộng đồng, vì cư dân. Đây cũng chính là cách để chúng tôi bảo vệ và phát triển thương hiệu của công ty mình.

Những thắc mắc, góp ý, phản ảnh của cư dân đều được chúng tôi tiếp thu, lắng nghe, giải thích và giải quyết ngay từ đầu.

D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp