Cười lạc quan là cách mọi người chọn đối diện với bệnh tật - Ảnh: TR.MAI
Một thời gian dài, tôi cũng ngồi quán cà phê này để được lắng nghe, sẻ chia mà dịu lòng lại và tự tin vượt qua nỗi đau bệnh tật
Anh NGUYỄN HỒNG KHANH
Những đôi mắt thâm quầng, mệt mỏi như dịu xuống khi ngồi cùng nhau bên chiếc bàn nhỏ ở quán (112 Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM).
"Hôm nay người nhà mấy anh sao rồi?" - anh Huy hỏi. Khi biết tất cả đều ổn, mọi người mới an tâm trò chuyện, sẻ chia bệnh tình người thân...
Hai người cha
Anh Huy và anh Đức (cùng sống tại TP.HCM) là "khách ruột" quán cà phê này. Nhiều năm rồi, hai người cha ấy đồng hành cùng con chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Dù con đã ổn định sức khỏe sau thời gian dài hóa trị và đang điều trị ngoại trú, thế nhưng mỗi ngày hai người cha đều dành chút thời gian ghé quán cà phê trò chuyện với mọi người.
Sức ảnh hưởng của anh Huy và anh Đức rất lớn đối với bệnh nhân ở đây bởi họ mới cùng con vượt qua cơn sóng gió nhất của căn bệnh hiểm nghèo, thấu cảm nỗi lo lắng của mọi người nên hai anh tận tình sẻ chia kinh nghiệm.
Huy và Đức cùng kể về những lần điều trị, mệt mỏi của con mình, cách chăm sóc cụ thể giúp con vượt qua những ngày nặng nề ấy.
"Mình cùng cảnh ngộ, dễ nói chuyện với nhau. Người nghe cũng không thấy lời khuyên mình sáo rỗng" - anh Huy tâm sự.
Bàn cà phê lúc nào cũng đông khách, người này đứng lên thì người khác đã đến. Khi nào nghe tất cả bệnh nhân sáng nay thức dậy ổn là niềm vui chung của tất cả. Ai đó trở bệnh nặng thì lập tức được sẻ chia.
Như anh Thành (Đắk Lắk) hôm nay có con gái bệnh trở nặng, dịch tràn phổi, phải chuẩn bị chuyển viện. Nỗi lo buồn của anh Thành lập tức được yêu thương sẻ chia từ chính kinh nghiệm của anh Huy từng trải qua.
Nắm chặt tay anh Thành, anh Huy nói: "Bác sĩ sẽ đưa qua Bệnh viện Ung bướu điều trị một thời gian là đỡ thôi. Ông phải bình tĩnh giải quyết, chớ kiểu này khi cháu khỏe lại mà ông bịnh xuống thì ai chăm".
Lời chân tình mà thực tế ấy với anh Thành còn hơn lời khuyên của chuyên gia trị liệu tâm lý.
Anh Huy (phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm người bệnh - Ảnh: T.M.
Lời khuyên quý giá
Riêng với anh Đức, việc quan trọng nhất anh hay sẻ chia với mọi người là vệ sinh cho người bệnh và cả chính người chăm sóc phải thật sạch sẽ. Tay chân, cơ thể phải tiệt trùng, ăn uống trong quá trình điều trị phải thật vệ sinh để tránh nhiễm trùng.
Những người khách uống cà phê vừa bước ra từ bệnh viện hay tếu táo để tự trấn an rằng để nhiễm trùng và sốt thể nào bác sĩ cũng lấy "chai rượu 25 năm" (dụng cụ cấy máu, kiểm tra nhiễm trùng) xuống là trước mắt bệnh tình trở nặng, tiếp sau là chắc chắn tốn thêm hàng triệu đồng.
"Làm gì làm, vệ sinh phải tốt. Việc này chiếm 30% trong đáp ứng điều trị. Mất vệ sinh, nhiễm trùng là bệnh chuyển nặng ngay, tốn thêm tiền điều trị. Thăm nuôi thì tuyệt đối hạn chế. Có mất lòng cũng không để người lạ vào phòng, bệnh tật từ đó mà ra" - anh Đức dặn dò.
Hai người cha ấy nhiều năm rồi hay ngồi tại đây. Gần như những bậc cha mẹ theo con điều trị tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học đều biết mặt. Ngày nào cũng gặp vài người dắt con đi tái khám, chào hỏi nhau.
Có những trường hợp nhiều năm rồi con vẫn ổn, lập tức được anh Huy và anh Đức "điều động" ngồi xuống chia sẻ cho anh em khác biết cách chăm sóc con sau khi ra viện.
Như anh Chương (Tiền Giang) chia sẻ bệnh bạch cầu cấp con mình ổn định bốn năm qua và có tiến triển tốt nhờ vợ chồng anh cho ăn uống khoa học theo chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh. Sau lời sẻ chia là thực đơn được chuyển cho những ai cần.
Còn anh Cường (quận 8, TP.HCM) cho biết sau đợt hóa trị của vợ, bệnh đa u tủy xương đã ổn định 8 năm qua nhờ việc chủ động "dập dịch tái phát" và tâm lý vui vẻ, thường xuyên tập thể dục nhẹ mỗi ngày.
"Quan trọng nhất là phải thăm khám định kỳ, nhắc người nhà uống thuốc đúng giờ. Mấy ông thấy khỏe lơ là chuyện này thì chỉ hai tháng là nhập viện không kịp" - anh Cường chia sẻ.
Hai tháng qua, anh Du đưa vợ từ Đắk Nông đến TP.HCM trị bệnh. Nỗi lo lắng bệnh tật, tiền bạc hiện đầy trên khuôn mặt nặng nề và đôi mắt thâm đen vì mất ngủ. Thế nhưng khi được anh Huy sẻ chia, anh Du như hiểu được con đường số phận mà mình phải vững bước cùng vợ.
Buồn hay vui cũng chẳng thể thay đổi được thực tại. Cách tốt nhất là nên hết lòng với vợ, sống yêu thương và trách nhiệm.
"Tôi như cởi bỏ quả tạ trong người" - anh Du tâm sự.
Mạnh mẽ bước đi
"Mạnh mẽ bước đi" là lời mọi người động viên nhau. Ngồi vào bàn cà phê này, tất cả đều chấp nhận sống chung với số phận và thôi than trách đời kém may mắn. Họ vịn vào nhau bước qua ngày tháng khó khăn.
Nếu may mắn, một người bệnh hóa trị kết thúc hóa trình phải mất vài tháng là ít, còn không đáp ứng thì tính bằng năm. Tiền điều trị thì bạc trăm, bạc tỉ. Phải vượt qua, họ cùng nhau chọn tâm thế đối diện "cuộc chiến" một cách bình thản nhất.
Gần 1 năm ngồi tại bàn cà phê này, tôi đủ cảm nhận sức nặng cuộc chiến ung thư. Một người đau, cuộc sống đại gia đình lập tức đảo lộn.
Như trường hợp anh Tâm (Vũng Tàu) bốn tháng qua, từ ngày cha anh phát hiện bệnh, 9 người con thay nhau chăm sóc dẫn đến công việc riêng bị đảo lộn. Thế là anh Tâm và một người anh tạm thời xin nghỉ việc để chăm cha già.
"Ba đứa con tôi phải nhờ vợ chăm sóc hết. Đảo lộn hoàn toàn cuộc sống. Nhưng bệnh đâu cho mình lựa chọn, thôi thì chọn vui vẻ mỗi ngày" - anh Tâm nói.
Chọn lựa của anh Tâm nhận được cái gật đầu của mọi người. Tấm lòng những người cùng cảnh khổ dành cho nhau.
Chẳng ai biết ngày mai sẽ thế nào khi có người sau nhiều năm điều trị vẫn đang ổn, có người chỉ sau vài tháng nhập viện đã "về nhà". Nhưng ít ra trong những ngày tháng khó khăn nhất, họ tìm thấy nhau.
Không sang hèn, giàu nghèo, tất cả cùng dìu nhau bước qua số phận...
Ông chủ quán
Uống cà phê, anh Du vẫn tâm sự với vợ qua điện thoại - Ảnh: T.M.
Anh Liêm, chủ quán cà phê BK, là người nghĩa tình, được thân nhân, người bệnh điều trị tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM quý mến.
Lắng nghe mãi, anh cũng hiểu được cách chăm sóc cơ bản người bệnh và chia sẻ với những "lính mới vừa tham gia cuộc chiến bệnh tật". Thậm chí có người còn nấu ăn cho người thân ngay tại quán.
Nhưng điều tuyệt vời nhất là lời động viên tinh thần những người gần như gục ngã trước bệnh tật.
"Vào đây thì ai cũng khổ, giúp gì được thì giúp" - anh Liêm trải lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận