Quán bên bờ sông Hương vẫn nhiều người ngồi cà phê thư thái. Ông bạn cà phê của tôi cười: "Cứ tận hưởng cho hết những ngày thu hiếm hoi đẹp trời thế này.
Trước bão bao giờ trời cũng dễ thương!". Nếu là du khách, bạn sẽ ngạc nhiên vì sao người xứ bão lụt lại ung dung như thế.
Là bởi vì hai ngày trước, khi nghe dự báo bão số 6 có thể sẽ vào miền Trung, ông bạn tôi đã kêu người cắt tỉa cây cối trong vườn, giằng chống xong mái nhà, thu dọn hết rác đọng trên các ống xối và cống thoát nước. Rồi tìm chỗ cao cho ô tô đậu.
Không phải chỉ ông ấy, mà cả xóm tôi, các phường xã cũng làm thế. Trong nhà thì phụ nữ mua đủ thực phẩm cho một tuần, không nhiều hơn vì sau đó chợ búa sẽ họp lại.
Việc gì mà phải mua hết phần của người khác, khiến hàng tăng giá mà lại phải ăn mãi rau cá đông lạnh...
Ban chỉ huy phòng tránh thiên tai liên tục cập nhật thông tin cơn bão.
Các chuyên gia phòng tránh thiên tai hướng dẫn người dân cách phòng tránh và ứng phó gió to, mưa lớn. Ba hồ chứa lớn ở đầu nguồn sông Hương đã tháo nước xuống mức thấp nhất để đón lũ.
Người miền Trung đã quen với việc đó từ bao năm nay. Cứ đầu tháng tám dương lịch, tức nhằm "tháng bảy nước nhảy lên bờ", khi nắng hè vẫn còn gay gắt là họ đã chuẩn bị vào mùa bão lụt.
Vật dụng gặp nước dễ hư thì đưa lên chỗ cao trong nhà. Bà mẹ xưa đi chợ thấy cá nhiều là mua thêm vài mớ về phơi khô để dành. Bà mẹ nay thì vô siêu thị mua trước một ít cá hộp, thêm thùng mì tôm, ăn không hết thì mai mốt lụt lên là cũng hết.
Đầu tháng chín là phải thu hoạch xong lúa trên đồng, sắn khoai trên rẫy. Qua hết tháng mười âm lịch thì yên tâm hạ đồ vật trên cao xuống.
Sau mùa mưa bão năm 2020 với những cơn lũ, lụt, sạt, lở dồn dập tả tơi cả miền Trung, trời như thể tự cân bằng và bù lại cho vùng đất này. Ba năm rồi miền Trung tạm yên.
Nhưng không vì vậy mà người dân lại sơ suất. Họ đã hiểu rõ thiên tai bão lụt nên không chủ quan. Họ chủ động lo liệu nên không còn lo lắng. Họ không nói gì nhiều về bão lụt, vì không muốn mưa gió quần thảo mãi trong lòng.
Không thể cứ lo lắng mãi mà quên sống cho thảnh thơi cái đầu. Thế nhưng vì sao người miền Trung kỹ lưỡng như thế mà cứ bão lụt lại nghe thiệt hại?
Là bởi vì họ nghèo nên nhà cửa chưa thể đủ kiên cố để chịu đựng được gió to, nước lớn. Bão mạnh lụt dữ thì chỉ có thể chạy thoát con người, nhưng không thể cứu được cái nhà. Nhưng càng về sau này, nhà cửa, trường học, trạm xá cũng đã kiên cố hơn nên tài sản ít thiệt hại.
Đặc biệt, con số thiệt hại nhân mạng do thiên tai ở miền Trung đã giảm xuống thấy rõ. Nếu có chăng, đó là những trường hợp đơn lẻ, do bất cẩn và rủi ro. Vì vậy, khi nói về bão lụt ở miền Trung hiện nay, xin đừng than khóc thương cảm nữa.
Hãy cùng họ truyền đi tinh thần chủ động, bình tĩnh trước thiên tai. Thiên tai ngày xưa thì luôn bất ngờ, nhưng thiên tai bây giờ thì chẳng còn bất ngờ gì nữa. Chỉ bất ngờ khi mình chủ quan mà thôi.
Miền Trung đón bão Trà Mi, tên một loài hoa thật đẹp. Có lẽ, khi đăng ký cái tên này với Tổ chức Khí tượng thế giới, các nhà khí tượng Việt Nam cũng đã mang tâm thế chủ động, không âu lo với thiên tai. "Đón" bão tức là biết cách để tránh nó.
Nếu bão quay ra lại Biển Đông thì phải đón lụt. Thiên tai bão lụt là chuyện đã thường của trời đất từ xưa đến nay. Chỉ khác là, bây giờ khí hậu đã biến đổi quá nhiều và bão tố, lũ lụt cũng đã khác.
Trời đã khác thì mình cũng phải khác thôi, phải không bà con?!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận