Bà Trần Thị Ngọc Nữ (phải - chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) và bà Đào Thị Bích Liên (giữa - chi hội phó) lắng nghe một người mẹ đang đau khổ vì con mình là nạn nhân trong một nghi án bị xâm hại tình dục - Ảnh: UYÊN TRINH |
Trẻ bị xâm hại tình dục đang chiếm tới trên 70% trẻ nói chung và đang ở mức báo động.
Nhiều vụ “chìm xuồng”
Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình và trẻ em (CSAGA), cho hay đang có nhiều vụ xâm hại trẻ em có dấu hiệu “chìm xuồng” hoặc bị xử lý theo hướng làm nhẹ.
“Cơ quan chức năng đòi hỏi chứng cứ, nhưng có những vụ trẻ em bị dâm ô thì tìm chứng cứ rất khó. Như vụ ở , Hà Nội thì có lời khai của trẻ em chứng kiến, có những dấu hiệu, chứng cứ nhất định, nhưng người có trách nhiệm lại cho là lời của trẻ em chưa đáng tin” - bà Vân Anh cho hay. Bởi vậy nên sự việc xảy ra đã hai tháng nhưng việc xử lý chưa tới đâu.
Đồng tình với nhận định này, cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đặng Hoa Nam cũng cho rằng quy định hiện hành còn chưa rõ ràng, trong khi tìm chứng cứ những vụ dâm ô trẻ em khó khăn nên nhiều nghi can dâm ô trẻ em chậm bị điều tra, xử lý.
“Vụ ở chúng tôi cũng thúc giục các cơ quan tư pháp, họ cũng nói rằng đang thu thập chứng cứ chứ không phải là chìm xuồng.
Nhưng phải đặt câu hỏi là vì sao ở Lào Cai cũng đã có 2 vụ dâm ô trẻ em được điều tra, xử lý mà ở Vũng Tàu lại chưa xử lý được? Đến độ Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phải lên tiếng” - ông Nam nói.
Theo ông Nam, không những tăng về số lượng, các vụ việc gần đây còn gia tăng về mức độ phức tạp, như cha đẻ/cha dượng xâm hại tình dục trẻ hay trẻ bị người thân quen, họ hàng xâm hại.
“Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng” - ông Nam nhận định.
Cảnh giác cao độ
Ông Lê Minh Tấn (giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM) cho rằng đã đến lúc phải cảnh giác cao độ với tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.
Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2016, TP.HCM có tới gần 100 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có 24 vụ hiếp dâm, 47 vụ giao cấu.
Nạn nhân là trẻ em, dễ chịu những tổn thương tâm sinh lý khó hồi phục. Do đó cần phải đặt mục tiêu phòng ngừa là trên hết.
Theo ông Tấn, cần phải tuyên truyền rộng rãi, nâng cao cảnh giác cho phụ huynh và trang bị kiến thức cho con trẻ.
Trường học cần phối hợp với ngành công an hoặc chuyên gia tâm lý để tập huấn, trò chuyện với học sinh ngay từ lứa tuổi tiểu học để hướng dẫn những nguyên tắc giúp các em tự bảo vệ thân thể, giao tiếp với người lạ.
Các đoàn thể đưa nội dung này vào các lớp tiền hôn nhân, hướng dẫn phụ huynh cách giáo dục con cái phòng tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Bà Phạm Thị Duyên (thẩm phán cao cấp của TAND cấp cao tại TP.HCM): Không được “hồn nhiên” với cả người thân Việc điều tra, xét xử hành vi dâm ô đối với trẻ em hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em mà do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ, người thân hoặc của chính cháu bé khiến cho dấu vết bằng chứng không còn, dẫn tới việc xử lý hành vi phạm tội đã không được thực hiện rốt ráo. Thậm chí, không đủ căn cứ để buộc tội khiến kẻ thủ ác nhơn nhơn sống ngoài vòng pháp luật. Cho nên, ngoài hình phạt của pháp luật thì gia đình, cộng đồng xã hội phải nâng cao ý thức đề phòng, bảo vệ trẻ em. Đó là điều là rất quan trọng. Cẩn thận ngay cả với những người thân xung quanh vì trẻ em luôn có nguy cơ bị xâm hại. Ở một số nước phương Tây, cha mẹ không bao giờ để con cái của mình ở nhà với người khác giới, dù là họ hàng hoặc người thân quen. Nhưng ở Việt Nam thì cha mẹ hồn nhiên gửi con gái của mình cho chú hàng xóm hoặc ở nhà với anh họ, chú họ, chú ruột. Chắc cũng ít người dạy con mình khi vào thang máy thì không được đi chung với một người đàn ông khác. Điều đó cho thấy việc phòng ngừa còn lơi lỏng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận