Các em học sinh lớp 8 đang tập thể dục ở Echo Park - Ảnh: LATIMES
Cứ 5 bạn trẻ trong độ tuổi từ 11-17 trên thế giới lại có 4 bạn (hơn 80%) vẫn đang rất thiếu các vận động thể chất tới mức có thể gây hại cho sức khỏe của họ.
Đây là tỉ lệ đáng chú ý và rất đáng suy nghĩ được rút ra từ báo cáo đánh giá về các xu hướng vận động thể chất của thanh thiếu niên toàn cầu, một báo cáo đầu tiên thuộc dạng này do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 22-11.
Cần hành động ngay
Báo cáo được xuất bản trên tạp chí Lancet Child & Adolescent Health, căn cứ vào dữ liệu khảo sát được tiến hành trong các năm 2001-2016 với 1,6 triệu học sinh có độ tuổi từ 11-17 tại 146 quốc gia.
Theo WHO, hành động cấp thiết ngay lúc này là phải lôi kéo thanh thiếu niên rời xa hơn nữa các thiết bị điện tử và tạo điều kiện, thúc giục các em di chuyển, vận động nhiều hơn. Bà Leanne Riley, đồng tác giả của báo cáo nghiên cứu, cho biết trong khi mức độ vận động thể chất ì ạch không tăng thì tỉ lệ thừa cân và béo phì lại liên tục "phi mã".
"Chúng ta chắc chắn cần phải làm nhiều hơn nếu không sẽ phải chứng kiến một bức tranh sức khỏe hết sức ảm đạm của những thanh thiếu niên này" - bà cảnh báo.
Cùng quan điểm này, hãng tin Reuters dẫn lời bà Fina Bull - chuyên gia về vận động và sức khỏe, đồng tác giả nghiên cứu, hối thúc các nhà hoạch định chính sách "cần hành động ngay bây giờ vì sức khỏe của các thế hệ trẻ hiện tại và tương lai".
Báo cáo nhận thấy 81% các em không đáp ứng được yêu cầu khuyến nghị của WHO là phải có ít nhất một giờ mỗi ngày cho hoạt động thể chất như đi bộ, vui chơi, đạp xe hay tham gia các môn thể thao có tổ chức khác. Xét về giới, tỉ lệ này là 85% ở nam và 78% ở nữ.
Thực tế này là rất đáng lo ngại, vì hoạt động thể chất mang lại vô số ích lợi về sức khỏe, từ cải thiện sức khỏe tim mạch, hô hấp cho tới chức năng nhận thức, khiến việc học tập của các em dễ dàng hơn. Tập thể dục thể thao cũng là một công cụ quan trọng trong các nỗ lực đẩy lùi đại dịch béo phì toàn cầu.
Không nhiều tiến bộ
Bất chấp những mục tiêu toàn cầu tham vọng trong việc nâng cao hoạt động thể chất, nghiên cứu nói trên nhận thấy hầu như không có thay đổi đáng kể và tích cực nào trong suốt 15 năm đã nghiên cứu. "Chúng tôi không thấy bất cứ sự cải thiện nào" - bà Leanne Riley nói.
Mặc dù báo cáo không đi vào tìm hiểu cụ thể lý do dẫn tới tình trạng lười vận động của thanh thiếu niên, song bà Leanne Riley cho rằng "cuộc cách mạng điện tử dường như đã thay đổi các phương diện vận động của thanh thiếu niên, khiến họ muốn ngồi nhiều hơn, lái xe nhiều hơn, đi bộ ít hơn và nhìn chung bớt tích cực vận động hơn".
"Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa nếu chúng ta muốn chặn đà tăng của bệnh béo phì trong nhóm tuổi này và đẩy mạnh hơn mức độ hoạt động thể chất" - bà Riley nói thêm.
Báo cáo cũng chỉ ra tình trạng thiếu thốn và kém chất lượng của cơ sở hạ tầng, cũng như thiếu an toàn đang khiến thanh thiếu niên gặp khó khăn hơn nếu muốn đi bộ hoặc đạp xe tới trường. Một thực tế đáng lo ngại khi nghiên cứu nhận thấy mức độ lười vận động của thanh thiếu niên thường xuyên duy trì ở mức cao tại tất cả các khu vực và quốc gia, từ 66% tại Bangladesh tới 94% tại Hàn Quốc.
"Chúng tôi thấy tỉ lệ lười vận động ở mức cao phổ biến khắp nơi" - tác giả chủ trì nghiên cứu, bà Regina Guthold, nhận xét. Bà lưu ý thêm tại "rất nhiều quốc gia", có từ 80-90% thanh thiếu niên hiện đang không đáp ứng đủ các khuyến nghị vận động thể chất cần thiết của WHO.
Cảnh báo đặc biệt cho các cô gái
Theo nhóm nghiên cứu, tình huống lười vận động đặc biệt đáng lo với các cô gái vị thành niên. Chỉ 15% trong số các em gái có thời gian vận động đủ theo khuyến nghị, trong khi với các em trai là 22%. Cá biệt, có những nơi như ở Mỹ và Ireland, tỉ lệ tham gia hoạt động thể chất giữa trai và gái chênh nhau tới 15 điểm phần trăm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận