Các doanh nghiệp trao đổi bên lề diễn đàn Ảnh: N.Bình
45% xuất khẩu Việt Nam là do các doanh nghiệp FDI, chủ yếu là các ngành điện tử, hàm lượng nội địa vẫn còn thấp, ngành nào xuất nhiều thì nhập khẩu nguyên liệu cũng cao.
Tỉ trọng doanh nghiệp FDI ở Việt Nam sử dụng đầu vào từ Trung Quốc chiếm 97,2%, so với Malaysia và Thái Lan chỉ sử dụng gần như 100% đầu vào nội tại.
Đấy là những thông tin được ông Brian Mtonya, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng thế giới (WB), đưa ra tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất - tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu" được tổ chức ở TP.HCM ngày 27-10.
Ông Mtonya cho rằng, vấn đề ở Việt Nam trong trào lưu tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, là làm sao hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sâu hơn, tăng giá trị hàm lượng nội địa.
Theo vị chuyên gia này, giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần dịch chuyển qua công đoạn thiết kế, nghiên cứu phát triển sản phẩm, marketing... còn ở công đoạn gia công, lắp ráp ngày càng thấp.
Việt Nam, theo ông Brian Mtonya, đang ở ngã rẻ quan trọng, buộc phải lựa chọn để bước ra khỏi gia công, chế biến và vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cho dù thời gian qua gia công, lắp ráp đã hỗ trợ rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhưng lợi thế cạnh tranh chủ yếu cạnh tranh nhờ nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp, tập trung nhiều vào công đoạn sản xuất giá trị không cao.
Vì thế, theo ông Mtonya, trong xu hướng công nghệ phát triển, nhiều nhà máy cắt giảm lao động, thì Việt Nam, quốc gia thâm dụng lao động, buộc phải có sự chuẩn bị.
"Phần giá trị trong chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa toàn cầu đang nằm trong công đoạn thiết kế, nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhưng chúng lại nằm ngoài Việt Nam. Bên cạnh phải vươn lại vị trí nhà cung cấp cao hơn trong chuỗi, Việt Nam cần phát triển cung cấp dịch vụ phát triển sản phẩm, thay vì tập trung quá nhiều vào công đoạn sản xuất giá trị thấp như đã từng", ông Brian Mtonya nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận