05/03/2014 07:23 GMT+7

Crimea - miền đất nóng

DUY VĂN (Theo RT.com, Vz.ru, Wikipedia)
DUY VĂN (Theo RT.com, Vz.ru, Wikipedia)

TT - Với một lịch sử khá dài của những cuộc chinh phục, bán đảo Crimea là giao lộ của những nền văn hóa đồng thời là cái nôi của nhiều xung đột.

Bán đảo Crimea của Ukraine trong cuộc tranh chấp hiện nay gồm hai thực thể chính: Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol. Nhiều thế kỷ từng bị các đế quốc và bộ tộc chinh phục, cho đến cuối thế kỷ 18, bán đảo này thuộc về Nga theo hiệp ước hòa bình 1774 Kuchuk - Karnarji, sau các cuộc chiến đẫm máu giữa các bộ tộc Đông Slavơ với đế chế Ottoman.

“Món quà” gây tranh cãi

Cho đến đầu thế kỷ 20, người Nga và người Tatar Crimea vẫn là hai nhóm sắc tộc chính ở Crimea, tiếp đó mới là người Ukraine, Do Thái và các nhóm thiểu số khác. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, có đến 20.000 người Tatar Crimea liên minh với quân chiếm đóng Đức quốc xã, dù nhiều người Tatar khác lại nằm trong thành phần quân đội Xô viết chiến đấu chống quân Đức.

Do sự hợp tác đó, lãnh đạo Joseph Stalin đã ra lệnh trục xuất người Tatar Crimea sang nhiều Cộng hòa Xô viết Trung Á. Về chính thức, 183.155 người đã bị trục xuất khỏi Crimea, cùng với 9.000 cựu binh Chiến tranh thế giới thứ hai là người Tatar Crimea. Sự kiện trục xuất của Stalin đã định hình cho sự căm ghét của nhóm sắc tộc này đối với chế độ Xô viết.

Năm 1954, trong một quyết định gây tranh cãi, lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev - người gốc Nga - đã chuyển bán đảo Crimea từ CHXHCN Xô viết Nga sang cho CHXHCN Xô viết Ukraine.

Sau khi Liên Xô tan rã, “món quà” này của Khrushchev đã bị nhiều người Nga chỉ trích, trong đó có đa số người hiện đang sống ở Cộng hòa tự trị Crimea.

Thêm vào đó là quy chế đặc biệt của thành phố Sevastopol, vốn không chỉ là thành phố lớn nhất bán đảo Crimea (nhưng không thuộc về Cộng hòa tự trị Crimea) mà còn nắm một vị trí chiến lược và quân sự quan trọng.

Trong thời Liên Xô, Sevastopol là một căn cứ hải quân quan trọng, nơi đồn trú của hạm đội Biển Đen, nằm biệt lập với khu vực xung quanh và trực tiếp do Matxcơva quản lý với tư cách là “một thành phố đóng” (các công dân không thường trú tại đây phải xin phép nhà cầm quyền nếu muốn vào thành phố).

Từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, quy chế của Sevastopol đã trở thành đề tài tranh cãi bất tận giữa Nga và Ukraine.

Cho đến trước khi ông Yanukovych bị phế truất vào ngày 22-2, Sevastopol cùng với thủ đô Kiev là hai thành phố ở Ukraine được hưởng “quy chế đặc biệt”: đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp bởi các luật do Quốc hội Ukraine thông qua.

Nếu Kiev hưởng quy chế này vì tính cách thủ đô và trung tâm hành chính thì Sevastopol có căn cứ hạm đội Biển Đen Nga, với một số cơ sở hải quân được Nga thuê sử dụng tới năm 2042 (theo hiệp ước Kharkov năm 2010).

Chính vì những yếu tố lịch sử, địa lý và quân sự này mà đa số người Nga ở Sevastopol và một số chính khách Nga vẫn xem lãnh thổ này như một phần của nước Nga.

Hiện nay, về chính thức, Chính phủ Ukraine nắm kiểm soát đời sống của Sevastopol (thuế và cảnh sát), nhưng luôn tránh đối đầu với bộ chỉ huy hạm đội Biển Đen. Các thăm dò mới nhất còn cho biết 95% người Sevastopol ủng hộ tiếp tục cho hạm đội Biển Đen thuê các căn cứ quân sự tại đây sau năm 2042!

Phức tạp sắc tộc

Hiện nay đa số người sống ở Crimea thuộc sắc tộc Nga, với gần 1,2 triệu người hay khoảng 58,3% dân số, theo một thống kê năm 2001. Còn lại 24% là người Ukraine và 12% là người Tatar Crimea. Tuy nhiên, ở Sevastopol, được coi là một khu vực biệt lập ở Crimea, có rất ít người Tatar Crimea và chỉ khoảng 22% người Ukraine, trong khi hơn 70% là sắc tộc Nga.

Đại đa số dân Crimea (97%) sử dụng tiếng Nga như ngôn ngữ chính, theo một cuộc thăm dò của Viện Xã hội học quốc tế Kiev. Vì vậy, một trong những quyết định đầu tiên của chính phủ lâm thời Kiev là nhằm đánh thẳng vào bán đảo Crimea khi yêu cầu thu hồi một đạo luật năm 2012 cho phép tiếng Nga và các ngôn ngữ thiểu số khác được sử dụng chính thức ở những khu vực đa văn hóa của Ukraine...

Động thái này không chỉ gây hỗn loạn ở Crimea như đã thấy, mà còn tạo nên một làn sóng tranh cãi khắp Ukraine. Ngay cả ở những khu vực phía tây, vốn nổi tiếng với chủ nghĩa dân tộc, vẫn có người lên tiếng chống lại cách xử sự này. Như ở Lvov, một cứ điểm của phe hữu, công dân thành phố này đã tuyên bố Ngày ngôn ngữ Nga, kêu gọi các cư dân địa phương nói tiếng Nga trong một ngày để bày tỏ tình đoàn kết với người nói tiếng Nga.

DUY VĂN (Theo RT.com, Vz.ru, Wikipedia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp