10/11/2021 07:17 GMT+7

CPTPP không hạ tiêu chuẩn gia nhập với Trung Quốc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor khẳng định các tiêu chuẩn cao mà CPTPP hiện có đã trải qua quá trình đàm phán khó khăn mới đạt được, và chưa có bên nào cho rằng nên điều chỉnh các tiêu chuẩn này.

CPTPP không hạ tiêu chuẩn gia nhập với Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta (trái) và Bộ trưởng Thương mại New Zealand trong họp báo rạng sáng 10-11 - Ảnh chụp màn hình họp báo

Cuộc họp báo sau hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế APEC (AMM) rạng sáng 10-11 chứng kiến nhiều câu hỏi liên quan Trung Quốc và Đài Loan.

Dù lưu ý không phải tất cả thành viên APEC là thành viên của CPTPP, Bộ trưởng Thương mại Damien O'Connor và Ngoại trưởng Nanaia Mahuta liên tục nhận được các câu hỏi liên quan đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc và Đài Loan.

Bắc Kinh và Đài Bắc gửi đơn cho New Zealand cách nhau một tuần vào tháng 9 vừa qua, trong đó đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). New Zealand giữ vai trò như bên nộp lưu chiểu trong CPTPP và là nước chủ nhà APEC 2021.

Bộ trưởng O'Connor lập luận CPTPP về hình thức là một cơ chế hợp tác kinh tế nên luôn hoan nghênh sự gia nhập của các nền kinh tế khác, hướng tới một khối thương mại lớn hơn và dỡ bỏ các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, theo ông O'Connor, các nền kinh tế phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của CPTPP nếu muốn trở thành một phần của nhóm.

Trước câu hỏi liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao, bao gồm các tiêu chuẩn liên quan dữ liệu, phúc lợi người lao động, ông O'Connor đã từ chối trả lời trực tiếp.

"Với tư cách là một thành viên của CPTPP, chúng tôi không thể phán trước Trung Quốc cần phải thay đổi gì hay làm gì (để gia nhập khối).

Điều mà các thành viên CPTPP đều cam kết là duy trì các tiêu chuẩn cao, những tiêu chuẩn đã trải qua quá trình đàm phán khó khăn mới có được. Tôi không nghĩ có bất kỳ thành viên nào đang cho rằng nên điều chỉnh các tiêu chuẩn này.

Vì vậy vấn đề nằm ở các nền kinh tế xin gia nhập tự đánh giá có đạt được những gì CPTPP đã đặt ra hay không", ông O'Connor nêu quan điểm.

CPTPP hiện có 11 thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Theo quy định, việc kết nạp thành viên mới cần nhận được sự đồng ý của tất cả các thành viên.

Vương quốc Anh là nền kinh tế đầu tiên xin gia nhập CPTPP và đang trong quá trình đàm phán. Ngày 22-9, sau khi Trung Quốc gửi đơn đến New Zealand gần một tuần, Đài Loan xin gia nhập CPTPP dưới tên gọi "Vùng lãnh thổ có hệ thống hải quan riêng biệt tại Đài Loan - Bành Hồ - Kim Môn - Mã Tổ".

Đây là tên Đài Loan sử dụng khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm tránh các phản ứng từ Trung Quốc. Bắc Kinh xem đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này và phản đối sự hiện diện của chính quyền Đài Bắc trong các tổ chức quốc tế với vị thế quốc gia.

Đài Loan gia nhập APEC năm 1991 và được nhắc đến với tên gọi "Đài Bắc - Trung Hoa". Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và "Hong Kong - Trung Quốc" cũng tham gia APEC trong cùng năm.

Trong họp báo rạng sáng 10-11, các bộ trưởng New Zealand cũng thông báo về kết quả AMM thứ 32, nhấn mạnh các nỗ lực của APEC trong ứng phó đại dịch và khẳng định các bên tiếp tục có "lập trường mạnh mẽ" chống lại chủ nghĩa dân tộc vắc xin COVID-19.

Về việc Mỹ đề nghị trở thành nước chủ nhà APEC năm 2023, Ngoại trưởng Nanaia Mahuta cho biết 21 nền kinh tế thành viên vẫn chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này.

APEC cam kết giảm giá vắc xin COVID-19 APEC cam kết giảm giá vắc xin COVID-19

TTO - Các bộ trưởng ngoại giao và kinh tế 21 nền kinh tế APEC cam kết sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất và cung cấp vắc xin COVID-19, giảm giá vắc xin và hàng hóa y tế liên quan COVID-19 trên cơ sở tự nguyện.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp