Các nền kinh tế đang phát triển của châu Á vẫn liên tục mang tới cơ hội để hàng triệu người trẻ phấn đấu vượt qua cha mẹ của họ trong nhiều thập kỷ qua - Ảnh: REUTERS
Các nền kinh tế đang phát triển của châu Á vẫn liên tục mang tới cơ hội để hàng triệu người trẻ phấn đấu vượt qua cha mẹ của họ trong nhiều thập kỷ qua. Thế nhưng, con đường này đang bị đe dọa khi tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tại khu vực đang tăng nhanh.
Châu Á là khu vực chiếm phần lớn số dân từ 15 đến 24 tuổi của toàn cầu.
Theo Hãng tin Bloomberg, những người trẻ chỉ vừa bắt đầu sự nghiệp của mình đang mất việc còn nhanh hơn những người lớn tuổi. Lý do là vì một nửa trong số họ làm việc trong 4 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch: thương mại bán lẻ, sản xuất, dịch vụ kinh doanh, cũng như dịch vụ ăn uống và lưu trú.
Đặc biệt, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phụ nữ trẻ và những người làm việc ở nấc thấp nhất của thang việc làm là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất. Báo cáo mới này cũng cảnh báo "thế hệ phong tỏa" đang bị bỏ lại phía sau.
Pavisa Ketupanya, 26 tuổi, sống tại Bangkok, là một trong số họ. Cô đã lấy được bằng phi công và dự định nối nghiệp cha, trở thành phi công máy bay thương mại. Giấc mơ này đã buộc phải tạm hoãn do đại dịch bùng nổ.
"Khi tôi nhận được giấy phép trở thành phi công thương mại, tôi tưởng đây sẽ là công việc trọn đời với thu nhập tốt của mình", Pavisa kể. Thay vào đó, cô hiện phải dựa vào nghề tay trái là nối mi mắt để kiếm thêm thu nhập, chờ đợi kinh tế hồi phục.
"Thu nhập từ công việc này chỉ bằng một ít so với phi công, nhưng thế còn tốt hơn là không có gì", cô nói.
Không thiếu những câu chuyện như của Pavisa trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo của ADB và ILO ước tính 13 quốc gia tại khu vực này sẽ mất đi khoảng 15 triệu công việc dành cho thanh thiếu niên trong năm nay.
Dù tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ đang là khủng hoảng toàn cầu, châu Á những thập kỷ gần đây vẫn phụ thuộc phần lớn vào dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang phát triển để thúc đẩy nhu cầu. Nguồn động lực này đang bị đe dọa.
Châu Á - Thái Bình Dương đóng góp hơn 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Năm nay, các nước đang phát triển trong khu vực dự đoán sẽ trải qua suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 1960.
Cú sốc từ COVID-19 đang tạo ra một tầng lớp "người nghèo mới" trên khắp Đông Á và khu vực Thái Bình Dương với thêm 38 triệu người ước tính sẽ rơi vào nghèo đói, theo Ngân hàng Thế giới (WB).
Bà Wei-Jun Jean Yeung, giám đốc sáng lập Viện Nghiên cứu gia đình và dân số tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS), cảnh báo khủng hoảng hiện tại sẽ gây nguy hiểm đối với sức khỏe tinh thần của người trẻ và sẽ để lại di chứng nặng nề hơn so với cuộc khủng hoảng việc làm trước đây.
"Lần này tác động sẽ tồi tệ hơn vì nhiều loại áp lực đến cùng một lúc. Giai đoạn này cũng sẽ kéo dài lâu hơn nên tác động cũng sẽ nặng nề hơn nhiều", bà Yeung nói.
Dù vậy, Bloomberg nhận định tia hi vọng cho thế hệ mới đang nằm ở những lĩnh vực như công nghệ. Đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng chuyên môn hóa cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận