Bà Ngoan hôm được ra viện - Ảnh: VIỆT DŨNG
Gia đình bà Ngoan có 4 người (gồm bà Ngoan, mẹ chồng bà, con gái và một người em dâu) mắc COVID-19 cùng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong đó có 2 người bệnh chuyển nặng: mẹ chồng bà Ngoan (bệnh nhân 161, 88 tuổi phải thở máy) và bà Ngoan. Hiện cả 4 người đều đã được chữa khỏi.
Không còn khái niệm thời gian
Bà Ngoan vào viện hôm 25-3, khi ấy đang là cao điểm dịch COVID-19 ở Việt Nam và đặc biệt là tại Bệnh viện Bạch Mai, nơi mẹ chồng bà đang điều trị tại khoa thần kinh.
Đầu tiên các bác sĩ phát hiện một nữ bệnh nhân nằm điều trị cùng khu với mẹ chồng bà Ngoan mắc bệnh, rồi lần lượt đến mẹ chồng bà Ngoan, bà Ngoan và những người thân trong gia đình.
"Vào viện mấy ngày thì tôi yếu, mệt, cảm giác như không có trí nhớ, không biết ngày đêm, không còn khái niệm thời gian. Năm sáu ngày sau đó tôi mở mắt ra thì thấy người vẫn còn yếu lắm, các bác sĩ nói sơ qua là tôi mệt, nhưng sắp sửa đỡ được 60-70% rồi. Nghe được thế thì tôi thấy mừng, nhưng chẳng nghĩ ra được gì vì mệt quá" - bà Ngoan run run nói.
Theo lời khuyên của bác sĩ, bà cố ăn, cố uống sữa dù không thấy ngon. Mỗi lần nuốt là một khó khăn nhưng phải cố, ngực lúc nào cũng có cảm giác như đang sắp bị chìm, nặng ở phổi, thở rất khó. Bà thuộc nhóm có chỉ định mở nội khí quản, nhưng bác sĩ đã cố gắng từng chút, cho bà thở máy không xâm nhập.
"Mệt quá nên tôi không nghĩ được gì, sau này mới biết có nhiều ngày tôi đã ở bên bờ vực" - bà Ngoan cho biết.
Trong những ngày bà Ngoan còn khỏe thì mẹ chồng bà chuyển nặng sớm hơn, chính bà là người ký giấy để đặt nội khí quản cho mẹ chồng. Bà thấy buồn và lo, mẹ chồng đã 88 tuổi, lại vừa trải qua tai biến và đang liệt nửa người.
"Cả nhà cứ nói với nhau không biết cắm cái ống (nội khí quản) thì bà sẽ được bao lâu? Nhưng may mắn làm sao bà đỡ được, giờ cũng được coi là khỏi bệnh, tôi cũng cố gắng được, dù giờ vẫn còn mệt, phổi vẫn yếu, thở vẫn rất khó, phải gắng, trước đây tôi chưa bị như thế bao giờ" - bà Ngoan nói trong nước mắt.
Từng bị nghi ngờ nhiễm bệnh từ bên ngoài
Thời điểm mẹ chồng bà Ngoan mới mắc bệnh, bệnh viện phán đoán và tìm nguồn lây từ nhân viên y tế. Sau khi phát hiện bà Ngoan cũng mắc bệnh và xét nghiệm thấy lượng virus rất thấp nên bệnh viện nghi ngờ bà đã mắc bệnh từ lâu nhưng không có biểu hiện lâm sàng.
Phát biểu tại cuộc họp với UBND TP Hà Nội, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho rằng có thể gia đình bà Ngoan bị lây từ cộng đồng và làm lây ra bệnh nhân ở Bạch Mai.
Tuy nhiên sau gần một tuần vào viện thì tình trạng bệnh của bà Ngoan tiến triển rất nặng, cho thấy không có khả năng bà Ngoan nhiễm bệnh trước đó từ bên ngoài.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có 5 bệnh nhân rất nặng và đến nay đã có 4 người khỏi bệnh, người còn lại có thể sớm được ra viện dù trong thời gian điều trị đã có lần bị ngưng tim kéo dài.
Bác sĩ Trần Duy Hưng - trưởng khoa nhiễm khuẩn tổng hợp - cho biết 23 ngày nay không ghi nhận bệnh nhân mới trong cộng đồng nên các bác sĩ cảm thấy áp lực nhẹ đi rất nhiều, những lo lắng cũng giảm đi so với những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là cơ sở y tế điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất ở Việt Nam, khoảng 145 người. Đến nay chỉ còn hơn 20 bệnh nhân đang điều trị tại đây, trong đó có một số là tái dương tính. Bệnh nhân mới tiếp nhận gần nhất là ngày 23-4.
Các bác sĩ đang rất hi vọng trong tháng 5 này tất cả những bệnh nhân hiện nay sẽ được ra viện. Hi vọng đó cũng là thời điểm tạm chấm dứt một giai đoạn của vụ dịch kỳ lạ nhất, phức tạp nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống của tất cả người dân trong nhiều năm trở lại đây.
Tính từ thời điểm ghi nhận bệnh nhân đầu tiên ngày 23-1 đến nay, Việt Nam ghi nhận 288 bệnh nhân, đã có 241 người khỏi bệnh, 47 người đang tiếp tục điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận