02/02/2022 07:11 GMT+7

COVID-19 thế giới ngày 2-2: WHO khuyến cáo mở cửa chậm mà chắc

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết dịch ở nhiều quốc gia vẫn chưa đạt đỉnh và các nước cần nới lỏng các biện pháp phòng dịch theo kiểu chậm mà chắc.

COVID-19 thế giới ngày 2-2: WHO khuyến cáo mở cửa chậm mà chắc - Ảnh 1.

Các lãnh đạo WHO (từ trái qua): ông Mike Ryan, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus và bà Maria Van Kerkhove - Ảnh: REUTERS

"Chúng tôi khuyến cáo các nước cần thận trọng vì đỉnh dịch vẫn chưa qua. Nhiều quốc gia có tỉ lệ phủ vắc xin thấp cùng rất nhiều người có nguy cơ cao trong cộng đồng", bà Maria Van Kerkhove nói trong cuộc họp trực tuyến ngày 1-2.

"Vì vậy, bây giờ không phải là lúc để dỡ bỏ tất cả biện pháp phòng dịch cùng một lúc. Chúng tôi luôn khuyến cáo phải hết sức thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp can thiệp cũng như dỡ bỏ biện pháp phòng dịch chậm rãi và từng bước", bà Maria nói thêm.

Cùng ngày, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO đang lo ngại về việc "một số quốc gia có quan điểm rằng nhờ vắc xin và biến thể Omicron lây lan nhanh nhưng ít nghiêm trọng hơn, việc ngăn ngừa virus lây lan không còn khả thi và cũng không cần thiết nữa".

"Sự thật rõ ràng không phải như thế", ông Tedros nói. "Lây lan nhanh hơn đồng nghĩa với nhiều ca tử vong hơn. Còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hoặc tuyên bố chiến thắng".

Ông Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cũng có nhận định tương tự trong cuộc họp. Ông Mike kêu gọi các nước nên có chiến lược cụ thể chứ không mù quáng làm theo các nước khác.

"Không phải nước nào cũng có hoàn cảnh giống nhau. Những nước mở cửa nhanh cũng cần đảm bảo năng lực để đóng cửa nhanh", ông Mike nói.

Đan Mạch và Áo đã dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch từ tuần trước. Trước đó là Anh, Ireland và Hà Lan. Ngày 1-2, Na Uy cũng tuyên bố dỡ bỏ ngay lập tức mọi biện pháp phòng dịch vì các ca bệnh mới không còn gây áp lực cho hệ thống y tế.

Nguy cơ tiềm ẩn từ biến thể phụ

Trong bản cập nhật dịch tễ học hằng tuần công bố ngày 1-2, WHO cho biết biến thể Omicron chiếm hơn 93% tổng số ca COVID-19 ghi nhận được trong tháng qua, bao gồm các dòng phụ như BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3.

BA.1 và BA.1.1 là các dòng phụ đầu tiên của Omicron được ghi nhận. Hai dòng phụ này vẫn chiếm hơn 96% tổng số ca Omicron theo dữ liệu từ cơ sở dữ liệu công khai về COVID-19 GISAID. Tuy nhiên, ở châu Âu và châu Á, dòng phụ BA.2 đang bắt đầu vượt trội hơn BA.1.

WHO cho biết BA.2 đã có mặt ở 57 quốc gia. Ở một số nước, BA.2 chiếm hơn một nửa số ca mắc mới liên quan tới Omicron.

Theo WHO, vẫn còn rất ít thông tin về sự khác biệt của các dòng phụ của Omicron nhưng một số nghiên cứu ban đầu cho rằng BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn các dòng phụ đầu tiên.

WHO cảnh báo núi rác thải y tế sau COVID-19 WHO cảnh báo núi rác thải y tế sau COVID-19

TTO - Trong báo cáo công bố ngày 1-2, WHO cho biết hàng chục ngàn tấn chất thải y tế tạo ra trong 2 năm qua đã gây ra áp lực lớn lên hệ thống xử lý. Số rác thải y tế dự báo sẽ tăng thêm nếu không có cách sử dụng hợp lý và tái sử dụng.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: covid-19 WHO Omicron
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp