Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS
"Cũng giống như các biến thể trước đó, Omicron đang khiến nhiều người nhập viện và nó vẫn có thể giết người", ông Tedros cảnh báo trong cuộc họp báo tại trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Thụy Sĩ vào cuối ngày 6-1.
Trong báo cáo dịch tễ học hằng tuần công bố ngày 6-1, WHO cho biết các trường hợp mắc COVID-19 đã tăng 71%, tương đương 9,5 triệu ca trong tuần tính đến ngày 2-1 so với một tuần trước đó, trong khi số ca tử vong giảm 10%, tương đương 41.000 người.
Nhiều dữ liệu sơ bộ cho thấy biến thể Omicron có thể khiến người bệnh ít nhập viện hơn so với người mắc biến thể Delta. Bà Janet Diaz, người đứng đầu WHO về quản lý lâm sàng, cũng nhắc đến điều này trong buổi họp báo chung với ông Tedros.
Tuy nhiên theo tổng giám đốc WHO, thế giới vẫn đang đứng trước một "cơn sóng thần" số ca nhiễm có thể khiến hệ thống y tế quá tải khi cả biến thể Omicron và Delta cùng đẩy số ca nhiễm ở nhiều nước tăng vọt.
Người đứng đầu WHO lặp lại lời kêu gọi của mình về thúc đẩy sự công bằng lớn hơn trên toàn cầu trong việc phân phối và tiếp cận vắc xin.
Dựa trên tốc độ triển khai vắc xin hiện tại, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu của WHO là 70% dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 7 năm nay, theo ông Tedros. WHO nhiều lần khẳng định khi đạt được mục tiêu này, thế giới sẽ thoát khỏi giai đoạn cấp tính của đại dịch.
Tỉ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 của các nước theo thống kê của báo New York Times ngày 6-1 - Ảnh chụp màn hình New York Times
Cũng trong họp báo ngày 6-1, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết một biến thể khác B.1.640 đang nằm trong số những biến thể đang được WHO giám sát nhưng chưa phổ biến như Omicron hay Delta.
Bà Van Kerkhove cho rằng rất khó để nói liệu Omicron có phải là biến thể đáng lo ngại cuối cùng trước khi đại dịch kết thúc hay không.
Chuyên gia của WHO cũng kêu gọi mọi người làm tốt những hướng dẫn chống dịch đã có, từ đơn giản nhất là đeo khẩu trang đúng cách. "Khẩu trang phải che cả mũi và miệng, chứ để ở dưới cằm thì đâu có ích lợi gì", bà Van Kerkhove kêu gọi.
Các tin khác về COVID-19 trên thế giới:
* Bang New South Wales của Úc, nơi có thành phố Sydney và 1/3 trong tổng số 25 triệu dân của Úc, sẽ khôi phục một số biện pháp chống dịch trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại đây tăng nhanh.
Các biện pháp này bao gồm đóng cửa các câu lạc bộ đêm, giới hạn số khách trong nhà hàng, cấm khiêu vũ và ca hát tại nơi phục vụ bia rượu và hủy các cuộc phẫu thuật chưa khẩn cấp, theo báo Sydney Morning Herald.
* Pháp ghi nhận 261.481 trường hợp nhiễm COVID-19 mới tính đến hết ngày 6-1, ít hơn kỷ lục buồn 332.000 ca của ngày trước đó. Tuy nhiên số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày của Pháp đã tăng và vượt mốc 200.000 ca/ngày, lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát.
* Nigeria, một quốc gia ở Tây Phi, đang nỗ lực nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19 để đáp ứng nhu cầu trong nước và khu vực. Tiếp cận vắc xin vẫn là vấn đề lớn với các nước châu Phi vào thời điểm hiện tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận