24/12/2021 05:47 GMT+7

COVID-19 thế giới 24-12: Mỹ cấp phép thuốc Merck, Anh nói Omicron nhẹ hơn Delta

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Thuốc kháng virus trị COVID-19 Molnupiravir của Hãng Merck được FDA cấp phép chỉ 1 ngày sau khi cơ quan này làm điều tương tự với thuốc Paxlovid của Pfizer. Dù hiệu quả cao hơn, không phải ai cũng nên dùng thuốc của Pfizer, theo FDA.

COVID-19 thế giới 24-12: Mỹ cấp phép thuốc Merck, Anh nói Omicron nhẹ hơn Delta - Ảnh 1.

Thuốc trị COVID-19 của Merck có hiệu quả không cao như kỳ vọng ban đầu nhưng có ưu điểm có thể dùng được cho nhiều nhóm bệnh nhân - Ảnh: REUTERS

Tối 23-12 (giờ Việt Nam), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt khẩn cấp thuốc Molnupiravir trị COVID-19 của Hãng dược Merck dùng cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình.

Cùng với thuốc viên Paxlovid của Pfizer, thuốc Molnupiravir được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ quan trọng chống lại biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng ở Mỹ.

Paxlovid được phê duyệt khẩn cấp dùng cho người từ 12 tuổi trở lên và giảm 90% nguy cơ nhập viện lẫn tử vong ở nhóm bệnh nhân nguy cơ cao. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Molnupiravir cho thấy thuốc này giúp giảm 30% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện, thấp hơn con số 50% công bố ban đầu.

FDA khuyến cáo một số nhóm bệnh nhân nên tránh phác đồ 2 loại thuốc của Pfizer vì có ritonavir, một thuốc kháng virus loại cũ hay tương tác với một số loại thuốc kê đơn khác. Những người có vấn đề về thận cũng cần tránh phác đồ này.

COVID-19 thế giới 24-12: Mỹ cấp phép thuốc Merck, Anh nói Omicron nhẹ hơn Delta - Ảnh 2.

Xếp hàng xét nghiệm COVID-19 tại trung tâm xét nghiệm dành cho người lái ôtô ở Puerto Rico thuộc Mỹ ngày 23-12 - Ảnh: REUTERS

Ông Nick Kartsonis, phó chủ tịch cấp cao phụ trách lâm sàng của Merck, khẳng định Molnupiravir có những ưu điểm nhất định so với thuốc của Pfizer dù hiệu quả không bằng.

"Thuốc của chúng tôi không yêu cầu bất kỳ loại thuốc thứ hai nào để tăng hiệu quả. Quý vị cũng có thể dùng nó cho nhiều đối tượng bệnh nhân đặc biệt, bao gồm cả những người có vấn đề nghiêm trọng với chức năng gan, thận", ông Kartsonis nhấn mạnh với Hãng tin Reuters.

Cùng ngày 23-12, tiến sĩ Dean Li, một giám đốc điều hành của Merck, cho biết các nghiên cứu tiền lâm sàng sơ bộ chỉ ra rằng Molnupiravir có hiệu quả với biến thể Omicron tương đương các biến thể trước.

Merck dự kiến sẽ chuyển hàng trăm ngàn liệu trình điều trị Molnupiravir trong những ngày tới và 1 triệu liệu trình trong vài tuần nữa. Pfizer có kế hoạch xuất xưởng khoảng 250.000 liệu trình trong tháng 1-2022.

Thuốc của Merck và Pfizer có thể được uống tại nhà nên dự kiến ​​sẽ tiếp cận được nhiều người hơn các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng, vốn đòi hỏi phải có kiến thức về truyền tĩnh mạch.

COVID-19 thế giới 24-12: Mỹ cấp phép thuốc Merck, Anh nói Omicron nhẹ hơn Delta - Ảnh 3.

Người mắc biến thể Omicron tại Anh có nguy cơ gọi cấp cứu thấp hơn người mắc Delta từ 31-45% - Ảnh: AFP

Anh: Tỉ lệ nhập viện người mắc Omicron thấp hơn Delta 70%

Nghiên cứu đầu tiên của Chính phủ Anh về Omicron được công bố ngày 23-12 cho thấy người nhiễm biến thể Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn người mắc Delta đến 70%.

Những phát hiện ban đầu, được mô tả là "đáng khích lệ" và "đầy hứa hẹn", phù hợp với phân tích của Đại học Imperial College London và Đại học Edinburgh công bố ngày 22-12.

Theo Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), Omicron dễ lây lan hơn những biến thể trước đó như Delta. Do đó, nước Anh vẫn có thể đối mặt một số lượng đáng kể người cần điều trị tại bệnh viện trong những tuần tới.

"Phân tích mới nhất của chúng tôi cho thấy những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là dữ liệu ban đầu và cần có thêm nghiên cứu để xác nhận những phát hiện này", bà Jenny Harries - người đứng đầu UKHSA - lưu ý.

Theo báo The Guardian, dữ liệu sơ bộ của UKHSA cho thấy khả năng bảo vệ của cơ thể trước COVID-19 bắt đầu suy yếu sau 10 tuần kể từ khi tiêm nhắc lại. Điều này làm dấy lên suy đoán một số người có thể cần đến liều vắc xin thứ tư vào năm 2022.

Một quan chức y tế Anh gợi ý nên tiêm liều đầu tiên của một loại vắc xin mới nhắm vào Omicron thay vì tiêm liều thứ tư cùng một loại vắc xin trước đó. Các ủy ban cố vấn vắc xin và tiêm chủng của Anh dự kiến sẽ thảo luận sâu hơn về vấn đề này trong vài tuần nữa.

Các tin khác về COVID-19:

Omicron hiện chiếm 76% các trường hợp mắc COVID-19 ở Anh, khiến nó trở thành biến thể thống trị. Các khu vực có tỉ lệ Omicron cao nhất là London (90,2%) và phía đông nước Anh (80%), trong khi thấp nhất là phía đông bắc (56,8%), Yorkshire và Humber (71%).

Pháp trải qua một ngày tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay về số ca nhiễm COVID-19 mới vào ngày 23-12, với hơn 91.000 ca mới được ghi nhận. Số người chết vì COVID-19 là 179 ca, tăng 61 ca so với ngày trước đó trong bối cảnh Pháp đang chiến đấu chống lại làn sóng lây nhiễm thứ năm.

Bộ Y tế Israel đang cân nhắc liệu có nên tiêm mũi 4 vắc xin COVID-19 cho người dân để cố gắng ngăn chặn biến thể Omicron lây lan nhanh hay không, theo Hãng tin Reuters.

Theo các cố vấn cho Chính phủ Israel, cần phải hành động ngay cả trước khi có nhiều dữ liệu khoa học chứng minh mức độ hiệu quả thực sự. Nhóm này cũng cho rằng lợi ích tiềm năng của việc tiêm mũi 4 lớn hơn rủi ro.

Nếu Bộ Y tế Israel chấp thuận, người dân nước này sẽ được tiêm mũi 4 sớm nhất vào cuối tuần này, đưa Israel trở thành nước đầu tiên tổ chức tiêm mũi 4 trên thế giới.

AstraZeneca AstraZeneca 'khoe' liều thứ 3 chống được Omicron

TTO - Hãng dược AstraZeneca của Anh dẫn nghiên cứu của phòng thí nghiệm Đại học Oxford cho biết liều vắc xin thứ 3 của hãng này có thể giúp chống lại biến thể Omicron.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp