Gian bếp của nhà hàng Bốc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được trưng dụng nấu cơm “dã chiến” tặng người nghèo - Ảnh: HOÀNG AN
Tiến sĩ Phước giải thích cụ thể: Trong tiến trình lịch sử của đất nước, có rất nhiều thời đoạn, nhiều sự kiện để lại những dấu ấn rất sâu sắc ở nhiều trạng thái: vinh quang, vui sướng, ngọt ngào, xót xa, cay đắng... Có những cột mốc đánh dấu thắng lợi huy hoàng, thành công rực rỡ; nhưng cũng có những thời khắc hiểm nghèo, thất bại, tủi hờn, cay đắng... "Cuộc chiến" chống dịch COVID-19 chắc chắn là một sự kiện lịch sử: sự kiện toàn dân chống "giặc" trong thời bình, mà gam màu chủ đạo là lạc quan, tươi sáng.
* Trong công tác phòng chống dịch, điểm tích cực là có rất nhiều con người, hành động đẹp lan tỏa tốt trong cộng đồng. Theo tiến sĩ, đó có phải là những phẩm chất tốt đẹp, tiềm tàng trong mỗi con người Việt Nam hay không?
- Thời chiến tranh, chúng ta có khái niệm "chiến tranh nhân dân". Không phải thời hiện đại mới có khái niệm này mà từ xa xưa đã có. Đó là lời dặn dò của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với vua Trần Anh Tông: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức".
Tôi cho rằng trong "cuộc chiến" chống dịch đã và đang tiến hành, chúng ta đã đạt được điều này. Đâu đó có thể vẫn còn vài tiếng nói lạc lõng, vài hành vi ngược chiều, nhưng nhìn tổng thể có thể khẳng định cả đất nước đều vào cuộc với tâm thế đồng tâm hiệp lực, với tinh thần tự nguyện dấn thân, mong muốn làm được một điều gì đó có ích cho Tổ quốc, cho cộng đồng.
Đây chắc chắn là biểu hiện của tinh thần nhân ái - những giá trị luôn tiềm tàng trong huyết quản người dân Việt mà nếu được khơi dậy và phát huy đúng lúc, đúng mức sẽ đem lại những kết quả phi thường.
* Cùng được xem như là cuộc chiến của toàn dân, nhưng cuộc chiến với dịch bệnh có điểm gì khác không?
- Giữa chiến tranh thực sự trước đây và cuộc chiến chống dịch hiện nay, đương nhiên có nhiều khác biệt. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu như trong chiến tranh ác liệt, nhiều khi không biết sống chết lúc nào, thì điều cần thiết nhất chính là tinh thần dũng cảm, sẵn sàng đối mặt và chấp nhận hi sinh.
"Cuộc chiến" chống dịch này đòi hỏi những phẩm chất có phần khác hơn: đó là sự hiểu biết, là tinh thần thượng tôn pháp luật, là ý thức cộng đồng... Đương nhiên, luôn có những phẩm chất chung thời nào cũng đòi hỏi - đó là sự dấn thân không toan tính, là ý thức kỷ luật, là tinh thần đoàn kết chung lưng đấu cật...
* Vậy theo ông, làm thế nào để khơi dậy và phát huy hiệu quả sức mạnh đó của người dân?
- Câu trả lời đã thấy qua thực tế vừa qua là sức khỏe, tính mạng của người dân được đặt ở vị trí tối thượng. Nhờ vậy, người dân đã, đang và sẽ tự nguyện góp sức tối đa, tự giác dấn thân vào mọi hoạt động cộng đồng. Sức mạnh cộng hưởng giữa Nhà nước với Nhân dân, chắc chắn tạo thành sức mạnh ghê gớm lắm.
* Chúng ta có thể rút tỉa điều gì - như là một bài học lịch sử cho việc phát triển đất nước hiện tại và tương lai?
- Trong những tình huống hiểm nghèo nhất, có lúc như "ngàn cân treo sợi tóc", dân tộc Việt đã vượt qua được trước hết là nhờ ý chí và khát vọng triệu người như một của toàn dân. Làm thế nào để khơi dậy ý chí và khát vọng đó - điều này thuộc về trách nhiệm và bản lĩnh của Nhà nước. Cuộc chiến chống dịch hiện nay chưa đến mức "một mất một còn" như nhiều thời khắc khác đã từng xảy ra trong lịch sử, nhưng bài học vừa nói không bao giờ xưa cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận