Người dân đeo khẩu trang khi tham quan công viên giải trí Walt Disney World tại bang Florida hôm 11-7 - Ảnh: Reuters
Có tới 15.300 ca nhiễm mới ở Florida. Với các bệnh truyền nhiễm, thật dễ để các con số lớn trở nên lớn hơn. Với việc Florida phần lớn mở cửa để kinh doanh, tôi không nghĩ sự gia tăng này sẽ chậm lại.
NATALIE DEAN (phó giáo sư về thống kê sinh học tại Đại học Florida) bình luận
Con số của Florida đã chính thức phá vỡ "kỷ lục buồn" 12.274 ca nhiễm trong một ngày của bang New York vào ngày 4-4. Ngày 12-7, lần đầu tiên trong khoảng bốn tháng kể từ lúc ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào ngày 11-3, thành phố New York không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19.
Dân Mỹ vẫn tỉnh bơ
Theo báo New York Times, con số trên đã phản ánh việc tăng cường công tác xét nghiệm và cả sự lây lan nhanh chóng của virus, gây áp lực cho các bệnh viện, dẫn tới tình trạng thiếu thuốc men điều trị và làm gia tăng nỗi lo về tốc độ dỡ bỏ các hạn chế của Florida.
Dù số ca nhiễm mới tăng vọt, nhiều người Florida vẫn còn không lo lắng về COVID-19, thậm chí không ủng hộ hành động đơn giản là đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.
Trên bãi biển Clearwater ở phía tây Florida, Jason Dormois (17 tuổi), thành viên một nhóm sắp xếp những chiếc ghế tắm nắng, nói rằng cậu ta không lo lắng.
"Tôi ở ngoài trời nắng và tôi là một người trẻ khỏe mạnh" - Jason giải thích.
Và không chỉ riêng Florida, không ít người trên khắp nước Mỹ vẫn còn "tỉnh bơ" trước lưỡi hái tử thần.
Mới đây, một nam thanh niên 30 tuổi ở bang Texas, miền nam nước Mỹ, đã chết vì COVID-19 sau khi dự "tiệc COVID-19" do một người nhiễm bệnh tổ chức. Người này cho rằng đại dịch chỉ là một "trò lừa đảo", nhưng sau đó thừa nhận đã phạm sai lầm trong lời trăng trối cuối cùng.
Một số người khác tỏ ra ngạc nhiên khi thấy người ta xem thường COVID-19. "Thật ngu xuẩn! Hãy nhìn vào bãi biển, không một cái khẩu trang nào. Chúng ta sẽ thấy được chuyện gì xảy ra trong hai tuần nữa" - Anthony Babcock, 47 tuổi, một người xuất bản âm nhạc, chia sẻ.
Trong khi Florida và nhiều bang miền nam của Mỹ chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt thì thành phố New York (bang New York) và nhiều nơi khác ở đông bắc nước Mỹ chứng kiến điều ngược lại.
Ngoài "thành tích" không ghi nhận ca tử vong nào trong ngày 12-7, thành phố New York đã bắt đầu giai đoạn thứ 3 trong kế hoạch mở cửa, cho phép các tiệm làm móng, matxa... hoạt động trở lại.
Trước đó một ngày, trên toàn bang New York, số ca nhập viện được ghi nhận dưới 800 ca lần đầu tiên kể từ ngày 18-3.
Thông điệp mâu thuẫn
Số ca nhiễm mới đang gia tăng trên khắp 37/50 bang của Mỹ, từ những điểm nóng với tình hình ngày càng tệ hơn ở phía nam và tây cho tới những điểm nóng đang xuất hiện ở vùng trung tây.
Các biện pháp hạn chế áp dụng với hoạt động kinh doanh, các cuộc tụ tập đông người và vấn đề đeo khẩu trang... vẫn gây ra nhiều cuộc tranh luận và chưa có cách tiếp cận đồng nhất.
Chẳng hạn theo báo Washington Post, ngay chính các quan chức bên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang truyền đi những thông điệp mâu thuẫn nhau về việc liệu các trường học có nên mở cửa vào mùa thu hay không.
Trong khi Bộ trưởng giáo dục Betsy DeVos muốn các trường mở lại 5 ngày/tuần, thì trợ lý bộ trưởng y tế và dịch vụ nhân sinh Brett Giroir hôm 12-7 cảnh báo vẫn còn quá sớm để làm điều đó an toàn.
Bên trong Nhà Trắng, căng thẳng giữa Tổng thống Trump và bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, ngày càng lộ rõ khi cả hai liên tục nhắm vào nhau trong các cuộc phỏng vấn và các tuyên bố.
Chẳng hạn khi ông Trump nói "99% ca bệnh COVID-19 ở Mỹ là hoàn toàn vô hại", bác sĩ Fauci nói rằng ông không biết Tổng thống Trump lấy thông tin này từ đâu.
Mới nhất, một quan chức Nhà Trắng vừa tiết lộ với kênh NBC News rằng "vài quan chức Nhà Trắng đang quan ngại về những lần bác sĩ Fauci phạm sai lầm về nhiều thứ".
Quan chức này trích dẫn một loạt phát biểu của ông Fauci trước đây, bao gồm tuyên bố COVID-19 "không phải là mối đe dọa lớn" hồi tháng 1 và lời khuyên mọi người không cần đeo khẩu trang hồi tháng 3.
Khi lời khuyên của các quan chức trong chính quyền ông Trump xung đột với lời khuyên của các bác sĩ cùng các nhà khoa học, công chúng Mỹ cũng chia rẽ. Chẳng hạN New York Times dẫn một cuộc khảo sát vào tháng trước cho thấy 67% dân Mỹ tin bác sĩ Fauci và 26% dân Mỹ tin tổng thống.
Bệnh viện quá tải
"Bận khủng khiếp!" - ông John Toney, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nam Florida ở bang Florida, nói về các bệnh viện - nơi đông nghẹt bệnh nhân, còn các y bác sĩ trở nên kiệt sức.
Ông nói: "Điều đó làm nhớ lại những gì mà mọi người đã đương đầu ở New York. Nó chắc chắn đang gây căng thẳng cho nhiều hệ thống, mặc dù các bệnh viện đang cố gắng sắp xếp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận