21/07/2020 06:16 GMT+7

COVID-19 ngày 21-7: California tăng kỷ lục số ca nhiễm; châu Âu đề xuất cứu trợ 750 tỉ euro

D. KIM THOA - ANH THƯ - MINH KHÔI
D. KIM THOA - ANH THƯ - MINH KHÔI

TTO - Trong khi Tổng thống Brazil vẫn đang được cách ly vì COVID-19, vừa có thêm 2 bộ trưởng nước này thông báo đã dương tính với corona. Tổng số người chết ở Brazil đã vượt qua 80.000.

COVID-19 ngày 21-7: California tăng kỷ lục số ca nhiễm; châu Âu đề xuất cứu trợ 750 tỉ euro - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

New Delhi lần đầu ghi nhận dưới 1.000 ca bệnh mới

Theo AFP, ngày 21-7 là lần đầu tiên trong bảy tuần qua thủ đô Ấn Độ ghi nhận ít hơn 1.000 ca bệnh/ngày. Tuy nhiên, ngày càng nhiều bang ở Ấn Độ áp đặt các biện pháp phong tỏa để phòng dịch lây lan.

Ấn Độ tuần trước đã trở thành quốc gia nhiều ca bệnh thứ 3 sau Mỹ và Brazil. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Chính phủ của thủ tướng Modi áp lệnh phong tỏa vào cuối tháng 3 và nới lỏng trong những tháng gần đây để giảm bớt tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

Nhưng trái với chính phủ liên bang, một số bang còn phong tỏa nghiêm ngặt hơn trước sau khi ca bệnh ở địa phương tăng vọt, gồm Bangalore, Bihar và một phần của Kerala cùng Tamil Nadu.

Trung Quốc chỉ nhận hành khách âm tính với COVID-19

Hành khách trên các chuyến bay đến Trung Quốc phải cung cấp kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi lên máy bay.

Xét nghiệm axit nucleic phải được thực hiện trong vòng 5 ngày trước khi lên máy bay, theo trang web của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.

Ngày 21-7, Trung Quốc ghi nhận 11 ca bệnh mới, trong đó có 3 ca nhập khẩu và 8 ca lây nhiễm cộng đồng. Bảy trong số tám ca mới xảy ra ở Tân Cương. Không có ca tử vong mới nào được ghi nhận.

Trong ngày 20-7, có 18 bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện sau khi khỏi bệnh.

Tính đến hết ngày 20-7, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 83.693 ca bệnh, bao gồm 242 bệnh nhân đang điều trị và 7 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Có hơn 78.000 người đã được xuất viện và 4.634 người đã chết vì COVID-19 ở Trung Quốc đại lục.

Việt Nam: Thêm 7 ca COVID-19 được chữa khỏi

Ngày 21-7, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cho 5 ca mắc COVID-19, gồm bệnh nhân: 358, 361, 365, 366 và 369. Họ sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Cùng ngày, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam cũng công bố khỏi bệnh cho hai bệnh nhân 330 và 331 sau một thời gian điều trị. Cả hai sẽ về nhà tiếp tục cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy đến 16h hôm nay 21-7 Việt Nam đã có 367 trong số 396 ca COVID-19 được chữa khỏi và ra viện. Hôm nay cũng là 96 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

COVID-19 ngày 21-7: California tăng kỷ lục số ca nhiễm; châu Âu đề xuất cứu trợ 750 tỉ euro - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

California ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục: gần 12.000 ca

Bang California ngày 20-7 (giờ Mỹ) đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục là 11.800 ca, trong bối cảnh chính quyền tổng thống Donald Trump thúc giục các trường học mở cửa lại bình thường, theo hãng tin Reuters.

Dù không phải là một quốc gia nhưng với gần 400.000 ca COVID-19, bang California (Mỹ) hiện chỉ đứng sau các nước Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nga về số ca nhiễm.

Trong khi đó bang Florida cũng ghi nhận hơn 10.000 ca COVID-19 mới mỗi ngày trong 6 ngày liên tiếp và bang Texas ghi nhận hơn 10.000 ca mới trong 5/7 ngày qua.

Để chống dịch COVID-19, thống đốc bang California Gavin Newsom buộc phải đóng cửa bang này lần nữa. Ngoài đóng cửa các quán bar, ông Newsom cũng yêu cầu nhà hàng, rạp chiếu phim, vườn thú và bảo tàng ngừng các hoạt động trong nhà. Các phòng tập gym, nhà thờ và tiệm làm tóc tại 30 quận bị ảnh hưởng nặng nhất cũng phải đóng cửa.

Các nhà tù ở bang California cũng vừa phóng thích 8.000 tù nhân để giảm nguy cơ lây nhiễm virus corona sau khi nhiều ổ dịch lớn được phát hiện trong tù.

Philippines tăng cường xét nghiệm COVID-19, mục tiêu 10 triệu dân

Philippines ngày 21-7 thông báo tăng cường xét nghiệm virus corona trong bối cảnh số ca nhiễm và số người chết vì COVID-19 tăng mạnh kể từ khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở nước này. Tổng thống Rodrigo Duterte dọa sẽ bắt giữ bất cứ ai không đeo khẩu trang, theo Reuters.

Bộ y tế Philippines cho biết mục tiêu của bộ là nâng cao năng lực xét nghiệm COVID-19 từ 32.000 - 40.000 người mỗi ngày so với mức hiện tại là 20.000 - 23.000 người. 

Cho đến nay, Philippines đã xét nghiệm COVID-19 cho 1,1 triệu người nhưng mục tiêu của Bộ Y tế là xét nghiệm 10 triệu người - tức gần 1/10 dân số nước này, từ đây cho đến quý II năm 2021.

Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines hiện chỉ đứng sau Indonesia về số ca nhiễm lẫn số người chết vì COVID-19, với 68.898 ca nhiễm và 1.835 người chết.

Thêm 2 bộ trưởng Brazil dương tính corona

COVID-19 ngày 21-7: California tăng kỷ lục số ca nhiễm; châu Âu đề xuất cứu trợ 750 tỉ euro - Ảnh 3.

Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro, trong lễ hạ cờ tại Cung điện Alvorada ở thủ đô Brasilia, Brazil ngày 20-7-2020 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, ngày 20-7, Bộ trưởng Bộ các vấn đề công dân Onyx Lorenzoni và tân Bộ trưởng Giáo dục Milton Ribeiro của Brazil đã công bố kết quả xét nghiệm và cả những biện pháp cách ly trên tài khoản mạng xã hội.

Ông Onyx Lorenzoni, một đồng minh thân cận của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, nói nhờ có thuốc chống sốt rét (loại thuốc được ông Bolsonaro ca ngợi trên mạng xã hội và trong các sự kiện tập trung đông người), ông đã chỉ gặp những triệu chứng tương đối nhẹ.

"Tôi cũng đã cảm thấy những tác dụng tích cực", vị bộ trưởng này viết như vậy trên Twitter về chế độ điều trị với thuốc chloroquine cùng azithromycin và ivermectin.

Theo số liệu công bố ngày 20-7 của Bộ Y tế Brazil, tới nay nước này có hơn 80.000 người chết vì COVID-19 trong tổng số hơn 2,1 triệu ca bệnh.

Ngoài hai bộ trưởng, cố vấn an ninh quốc gia Augusto Heleno của Tổng thống Bolsonaro và một bộ trưởng khác là Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Bento Albuquerque cũng đã bị COVID-19 trước đó.

Châu Âu đề xuất chi 750 tỉ euro cứu trợ COVID-19

COVID-19 ngày 21-7: California tăng kỷ lục số ca nhiễm; châu Âu đề xuất cứu trợ 750 tỉ euro - Ảnh 4.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (áo đỏ), nói chuyện với tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch hội đồng châu Âu Charles Michel tại hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ ngày 20-7-2020 bàn kế sách đưa châu lục vượt qua khủng hoảng dịch bệnh - Ảnh: REUTERS

Theo bản đề xuất nộp lên các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chiều 20-7, gói cứu trợ kinh tế nhằm đưa châu lục này vượt qua khủng hoảng dịch bệnh gồm 390 tỉ euro (446 tỉ USD) tiền trợ cấp và 360 tỉ euro (412 tỉ USD) các khoản vay.

Số liệu này đã có thay đổi so với mức đề xuất ban đầu của Ủy ban châu Âu là 500 tỉ euro trợ cấp và 250 tỉ euro các khoản vay.

Đây là sự đồng thuận cơ bản đạt được sau bốn ngày thảo luận gay gắt về gói cứu trợ. Trong dự kiến, việc mỗi nước thành viên có kế hoạch chi tiêu khoản cứu trợ này ra sao cũng sẽ phải nhận được sự đồng ý của đa số chính phủ các nước EU.

WHO cảnh báo dịch lây lan ở châu Phi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 20-7 báo động về tình trạng lây lan của dịch COVID-19 tại châu Phi, cảnh báo số liệu thống kê dịch tăng ở Nam Phi có thể là "điềm gở" báo trước việc bùng lên các ổ dịch tại châu lục này.

"Tôi rất lo ngại khi ngay lúc này chúng ta bắt đầu chứng kiến sự tăng nhanh của dịch bệnh tại châu Phi", ông Michael Ryan, người phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến.

Cho mãi tới gần đây, châu Phi vẫn duy trì được trạng thái ổn định, ít tổn thương trước dịch bệnh nếu so với mức độ gia tăng tại nhiều khu vực khác trên thế giới.

Với hơn 15.000 người chết và gần 725.000 ca nhiễm, châu Phi vẫn là châu lục bị ảnh hưởng ít thứ hai, sau châu Đại Dương.

Tuy nhiên tình hình đã bắt đầu đáng lo hơn, nhất là tại Nam Phi. Chỉ trong cuối tuần qua, quốc gia này chứng kiến số người chết bệnh vượt 5.000 ca và đã có hơn 350.000 ca nhiễm. Tới nay Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nhất châu Phi.

COVID-19 ngày 21-7: California tăng kỷ lục số ca nhiễm; châu Âu đề xuất cứu trợ 750 tỉ euro - Ảnh 5.

Một quân nhân Nam Phi đang nói với một người đàn ông trong khoảng thời gian thực hiện giới nghiêm ban đêm tại Johannesburg, Nam Phi ngày 13-7-2020 - Ảnh: REUTERS

Ông Ryan cũng nói dịch bệnh xảy ra ở Nam Phi sớm hơn một số nước khác cùng châu lục. Ban đầu dịch bùng lên ở những khu vực giàu có, nhưng giờ đã chuyển tới những vùng nghèo hơn và khu vực nông thôn.

Thống kê theo thời gian thực của trang Worldometers lúc 6h sáng nay 21-7 giờ Việt Nam, toàn thế giới có 14.831.881 ca bệnh, trong đó 612.264 người đã chết và 8.888.688 người đã khỏi.

Mỹ, Brazil và Ấn Độ vẫn là 3 nước dẫn đầu về số ca bệnh với lần lượt là 3.957.432 ca, 2.118.646 ca, và 1.154.917 ca. Tổng số người chết vì COVID-19 của ba nước này tới nay là: 143.733 người, 80.120 người, và 28.099 người.

Dịch COVID-19 ngày 20-7: Cựu bộ trưởng y tế Mỹ kêu gọi đóng cửa Florida lần nữa Dịch COVID-19 ngày 20-7: Cựu bộ trưởng y tế Mỹ kêu gọi đóng cửa Florida lần nữa

TTO - Tính đến 6h sáng 20-7, trên thế giới có hơn 14,6 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong khi đó, số ca tử vong là hơn 608.000 người.

D. KIM THOA - ANH THƯ - MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: covid-19 Brazil EU
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp