22/01/2021 09:07 GMT+7

COVID-19 không 'làm hại' kiều hối

ÁNH HỒNG - LÊ THANH - NHẬT ĐĂNG - ĐỨC BÌNH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH - NHẬT ĐĂNG - ĐỨC BÌNH

TTO - Ước tính có 15,7 tỉ USD kiều hối đã chuyển về VN, bên cạnh kiều hối Việt kiều còn có người VN lao động ở nước ngoài gửi về bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh, tăng tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư.

COVID-19 không làm hại kiều hối - Ảnh 1.

Xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) với những làng chài nghèo ven biển nhưng gần đây được gọi là “xã tỉ phú” nhờ tiền từ xuất khẩu lao động - Ảnh: DOÃN HÒA

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 7%. Trong đó, kiều hối về VN ước đạt khoảng 15,7 tỉ USD, thuộc top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Tính chung trong 5 năm qua, tổng kiều hối gửi về VN đạt 71 tỉ USD, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỉ USD.

Kiều hối từ xuất khẩu lao động tăng dần

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đậu Thị Kim Nhung - trưởng phòng marketing bán lẻ Vietcombank - cho biết doanh số kiều hối tại ngân hàng (NH) này trong năm 2020 vẫn duy trì ở mức trên 2 tỉ USD. Ngoài những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Anh, Pháp... nguồn kiều hối chuyển qua NH này còn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Macau, Singapore... Đây chính là những thị trường mà trong những năm qua VN có lượng lớn người đi xuất khẩu lao động cũng như có nhiều cô dâu Việt sinh sống.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Trung tâm dịch vụ thanh toán và kiều hối Agribank, cho biết kiều hối qua Agribank năm 2020 đạt 1,050 tỉ USD, tăng 1% so với năm 2019. Dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng đại diện Sacombank cho hay năm 2020, kiều hối về VN qua NH này tăng hơn 40% so với năm 2019. Dịch COVID-19 không tác động đáng kể do chính phủ các nước đã hỗ trợ rất tốt người dân, trong đó có bà con kiều bào đang học tập, sinh sống và làm việc ở nước sở tại.

Tại HDBank, lượng kiều hối cũng tăng hơn 40% so với năm 2019. "Về cơ cấu kiều hối, doanh số kiều hối về VN vẫn chủ yếu tập trung tại khu vực TP.HCM với tỉ trọng chiếm 1/3 doanh số kiều hối về VN" - ông Trần Quốc Anh, giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank, cho biết.

Theo ông Vũ Thành Trung - phó tổng giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, dù năm 2020 có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng lượng kiều hối chuyển về qua công ty này chỉ giảm nhẹ so với năm 2019. Kiều hối từ xuất khẩu lao động vẫn có xu hướng tăng trưởng 5-10% nếu không có dịch như các năm trước đây. Xu hướng tăng này sẽ tiếp tục nếu như người Việt có thể nhập cảnh để lao động ở nước ngoài trong thời gian tới cũng như doanh nghiệp nước bạn hoạt động ổn định.

Do ảnh hưởng từ COVID-19, trong năm 2020 các doanh nghiệp sản xuất tại nước ngoài phải tạm ngưng hoạt động trong một khoảng thời gian dài vì gián đoạn nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất bị đình trệ, việc làm của người lao động VN không được ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, từ đó ảnh hưởng đến lượng kiều hối chuyển về.

COVID-19 không làm hại kiều hối - Ảnh 2.

Nhận kiều hối tại một ngân hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đổ mạnh vào sản xuất kinh doanh

Theo các NH, trước đây nguồn kiều hối chủ yếu hỗ trợ người thân nhưng nay có xu hướng xoay chiều. Theo nhiều NH, kiều hối còn đến từ lượng người Việt làm việc ở nước ngoài chuyển tiền về nước bổ sung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng tiêu dùng và thúc đẩy gia tăng đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Hùng tiết lộ mặc dù COVID-19 tác động đến kinh tế toàn cầu nhưng kiều hối về từ một số thị trường chủ lực như Nhật Bản qua Agribank vẫn ổn định. Ngoài ra, đối tượng phục vụ chủ yếu của Agribank còn là công nhân đi xuất khẩu lao động ở một số thị trường trọng điểm gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ... chuyển về chu cấp cho thân nhân ở trong nước.

"Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các thị trường này vẫn duy trì khá tốt" - ông Hùng nói. Ở đầu nhận kiều hối tại VN, theo ông Hùng, địa bàn chi trả tập trung ở cả 3 miền. Ở miền Bắc là các tỉnh Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang; ở miền Trung chủ yếu là 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; còn các tỉnh phía Nam là Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bạc Liêu, An Giang, Bến Tre... Đây chính là những địa phương có đông người đi xuất khẩu lao động những năm qua.

Tại Sacombank, lượng kiều hối năm nay ổn định, thậm chí tăng nhẹ tại một số địa phương mới, trong khi những địa phương vốn nổi lên nhờ xuất khẩu lao động như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và một số tỉnh ven biển miền Trung lại giảm nhẹ.

Theo đại diện NH này, ngoài các thị trường truyền thống (như Mỹ, Úc, Canada) chủ yếu hỗ trợ người thân như từ

trước đến nay, các thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu từ các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á như Nhật, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc... do người đi xuất khẩu lao động chuyển tiền về nước.

COVID-19 không làm hại kiều hối - Ảnh 3.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới - Đồ họa: T.ĐẠT

Kiều hối... chuyển khoản bằng VND

Trong bối cảnh dịch bệnh tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động, một số quốc gia siết chặt việc chuyển tiền ra nước ngoài, người dân đi lại khó khăn do dịch Covid-19... các NH và công ty kiều hối đã xoay trở bằng nhiều cách để hút kiều hối về VN. Khách hàng nhận tiền kiều hối từ trước đến nay vẫn muốn nhận bằng ngoại tệ tiền mặt, nhưng do COVID-19, phương thức nhận tiền qua tài khoản thuận tiện hơn và NH hướng dẫn, khuyến khích khách hàng nhận VND qua tài khoản. Nhờ vậy, lượng ngoại tệ tiền mặt mà NH phải nhập về để chi trả kiều hối đã giảm nhẹ với năm trước.

Theo ông Vũ Thành Trung, dịch vụ chi trả kiều hối tại nhà của công ty trong năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm ngoái do người nhận kiều hối hạn chế đi lại vì ngại COVID-19. Bên cạnh đó, tỉ giá ổn định nên xu hướng nhận kiều hối bằng VND trong năm 2020 cũng tăng 15% so với năm trước đó.

Bên cạnh dịch vụ truyền thống, Sacombank đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, triển khai dịch vụ chi kiều hối

nhanh trong 1 phút, 24/7 tại mọi thời điểm trong năm, kể cả ngày lễ nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội, hạn chế giao dịch trực tiếp. "Tùy thuộc vào loại hình chi trả mà người nhận sẽ lựa chọn nhận bằng VND hay ngoại tệ. Với dịch vụ chi trả tận nhà, khách hàng thường nhận bằng ngoại tệ. Với chi trả tại quầy hoặc chuyển khoản, người nhận thường chọn VND" - đại diện NH này cho biết.

Theo thống kê của Agribank, 50% lượng kiều hối được nhận bằng VND thay vì ngoại tệ do người nhận bán luôn ngoại tệ cho Agribank để lấy VND. "Họ cân nhắc, giữ VND lợi hơn, từ đó NH có chính sách tỉ giá hợp lý để khuyến khích người dân nhận VND thay vì ngoại tệ. Việc này là lợi đôi đàng, cho cả người nhận kiều hối lẫn ngân hàng" - đại diện NH này nói.

Chạy đua với tết

Các công ty kiều hối cho biết đang bước vào mùa cao điểm kiều hối cuối năm, lượng khách hàng tăng 200% so với ngày thường. Các đơn vị chi trả này đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu chi trả trong mùa cao điểm tết, đồng thời đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi tết. Năm nay tết muộn hơn so với năm ngoái nên các NH và công ty kiều hối kỳ vọng mùa cao điểm của kiều hối sẽ dài hơn.

Dự báo về tình hình kiều hối năm 2021, các công ty kiều hối cho biết sẽ rất khó dự đoán vì liên quan đến tình hình kiểm soát dịch trên toàn thế giới, cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân từ chính phủ của nước sở tại. Đại diện Agribank dự báo năm 2021, kiều hối sẽ về tốt hơn khi chuyển tiền qua kênh điện tử, tạo thuận lợi rất lớn cho người VN đi lao động ở nước ngoài cũng như Việt kiều.

Tuy nhiên, theo đại diện Vietcombank, WB dự báo kiều hối toàn cầu năm 2021 có thể sụt giảm tới 14%, gấp đôi mức sụt giảm đã dự báo trước đó cho 2020 vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh sẽ kéo theo các hệ quả về suy thoái kinh tế, đóng cửa biên giới, bảo hộ công dân và bảo hộ thị trường lao động. Do đó, nguồn kiều hối năm 2021 của VN sẽ khó tăng trưởng so với năm 2020.

Lãi suất USD 0% không ảnh hưởng đến kiều hối

Theo các NH, việc duy trì lãi suất USD 0% không ảnh hưởng đến nguồn kiều hối về VN. Lãi suất VND dù giảm mạnh nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các ngoại tệ khác và tỉ giá ổn định đã khuyến khích người dân chuyển đổi từ ngoại tệ sang VND để chi xài, làm vốn sản xuất kinh doanh.

Kiều bào đâu chỉ gửi tiền, còn góp vốn làm ăn

COVID-19 không làm hại kiều hối - Ảnh 6.

TS Nguyễn Thanh Mỹ (thứ hai từ trái sang) - kiều bào Canada, đã đem vốn về VN đầu tư Công ty CP thủy sản Rynan tại tỉnh Trà Vinh - tiếp thị sản phẩm nuôi tôm - Ảnh: TỰ TRUNG

Dù kinh tế nhiều nước gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng VN vẫn là một trong những nước nhận kiều hối lớn trong năm 2020. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài trở thành một trong những nguồn lực quan trọng cho quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của VN.

Trả lời Tuổi Trẻ, đại sứ Lương Thanh Nghị - phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài - cho biết tính tới tháng 10-2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại VN với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỉ USD. "Dù chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, lượng kiều hối về VN năm 2020 vẫn ở mức cao, ước đạt 15,7 tỉ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới theo WB" - đại sứ Lương Thanh Nghị nói.

Trong năm 2020, các doanh nghiệp VN một số nơi như Anh hoặc Đức đều tích cực tham gia giới thiệu, nhập khẩu, phân phối một số mặt hàng có thế mạnh của VN như gạo, trái cây... vào thị trường sở tại. Đây là nỗ lực hưởng ứng chương trình "Huy động người VN ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng VN ở nước ngoài giai đoạn 2020 - 2024".

Cũng theo ông Nghị, thực tế nhiều người Việt ở nước ngoài đã tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai và phòng chống dịch bệnh. "Trong năm 2020, kiều bào đã quyên góp số tiền mặt lên tới 35 tỉ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 ở trong nước; quyên góp, ủng hộ hơn 40 tỉ đồng cùng nhiều hàng hóa, vật phẩm qua các hội đoàn của người Việt ở nước ngoài nhằm hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống" - ông Nghị cho biết.

COVID-19 không làm hại kiều hối - Ảnh 7.

Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Xuất khẩu lao động góp 4 tỉ USD/năm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết VN hiện đang có khoảng 580.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Các thị trường mà người lao động "yêu thích" đều là những thị trường có thu nhập cao, chủ yếu thuộc khu vực Đông Bắc Á, như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, bên cạnh thị trường châu Âu và Trung Đông. 

Lao động VN đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo (cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử....), giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản... Trung bình mức thu nhập vào khoảng 1.200 - 1.400 USD/tháng ở Hàn Quốc, Nhật Bản; 700 - 800 USD/tháng ở Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu; 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, châu Phi và Malaysia.

"Theo tính toán, căn cứ theo mức lương trên hợp đồng của người lao động (không kể tiền thưởng, tiền làm thêm), trừ chi phí ăn, lượng tiền do người lao động VN làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hằng năm ước ở "mức khiêm tốn" cũng khoảng 4 tỉ USD/năm" - ông Liêm cho biết.

COVID-19 không làm hại kiều hối - Ảnh 8.

Nguồn kiều hối từ xuất khẩu lao động đã góp phần thay da đổi thịt làng quê ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: D.HÒA

Không chỉ chuyển ngoại tệvề góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của chính gia đình người lao động, xuất khẩu lao động còn góp phần vào giải quyết việc làm, giảm sức ép về tạo việc làmcho người lao động trong nước. Cụ thể, số người lao độngđược đưa đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm thường chiếm tỉ lệ khoảng 7-9% số lượng lao động được giải quyết việc làm và tạo việc làm hằng năm của cả nước.

"Nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt ở những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã thay đổi bộ mặt thôn, xóm với nhiều nhà cửa khang trang mọc lên, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao được trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan trọng sau khi về nước" - ông Liêm nhấn mạnh.

Cũng theo ông Liêm, trong năm 2021 VN đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và con số này trong giai đoạn 2021 - 2025 là 500.000 lao động. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 và những biến động chính trị tại nhiều nước, chắc chắn mục tiêu này sẽ bị ảnh hưởng, số lượng người Việt đi làm việc ở nước ngoài sẽ giảm, có thể ảnh hưởng đến lượng tiền mà người lao động chuyển về nước.

Số lượng người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hằng năm. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, số lượng người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài tăng thêm khoảng 10.000 người mỗi năm. Nếu như đầu những năm 2010 chỉ có khoảng 500.000 lao động làm việc ở nước ngoài thì đến thời điểm này, số lao động Việt làm việc ở nước ngoài đã là 580.000 người.

Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài tụt giảm còn hơn 78.000 người. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Đài Loan (Trung Quốc) hiện có 230.000 lao động người Việt, Nhật Bản có gần 230.000 người, Hàn Quốc có gần 50.000 người, Malaysia và các nước Đông Nam Á khoảng 30.000 người,khu vực Trung Đông - châu Phi và châu Âu mỗi nơi khoảng 15.000 người...


Ngân hàng tung khuyến mãi cho khách hàng nhận kiều hối cuối năm Ngân hàng tung khuyến mãi cho khách hàng nhận kiều hối cuối năm

HDBank triển khai chương trình khuyến mãi “Nhận ngay kiều hối - Kết nối tình thân” cho khách hàng nhận kiều hối cuối năm từ nay đến ngày 31-3-2021.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH - NHẬT ĐĂNG - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp