Đại dịch COVID-19 đã khiến năm 2020 đạt kỷ lục về mức giảm phát thải khí carbonic - Ảnh: REUTERS
Đây là báo cáo thường niên nhiều lần được trình bày tại các cuộc đàm phán về vấn đề khí hậu của Liên Hiệp Quốc, tuy nhiên năm nay đã bị hoãn tổ chức bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo trang Carbon Brief, các nhà nghiên cứu đánh giá đây là mức giảm lớn nhất từng ghi nhận được. Lượng phát thải khí carbonic (CO2) đã giảm đáng kể ở các quốc gia và khu vực phát thải nhiều nhất thế giới, cụ thể Mỹ giảm 12%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 11%, Ấn Độ giảm 9%.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ đạt mức giảm 1,7%. Nguyên nhân là do Bắc Kinh nỗ lực phục hồi kinh tế trong năm 2020.
Tuy mức giảm phát thải trong một năm không phản ánh tốc độ nóng lên toàn cầu nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một "cơ hội độc nhất" để gìn giữ việc cắt giảm phát thải lâu dài, thông qua chiến lược phục hồi kinh tế "cam kết khắc phục biến đổi khí hậu".
Nghiên cứu của GCP nhấn mạnh những tác động từ đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế toàn cầu. Mức giảm phát thải tính trong năm 2020 đã chạm đỉnh vào nửa đầu tháng 4.
Đây là thời điểm mà các biện pháp phong tỏa được áp đặt toàn diện tại châu Âu và Mỹ. Theo báo cáo, lúc này mức phát thải CO2 mỗi ngày thấp hơn 17% so với mức trung bình năm 2019.
Và tính trên cả năm ước tính lượng khí CO2 từ nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp sẽ giảm 2,4 tỉ tấn so với năm 2019, tương đương với mức giảm 7% "chưa từng thấy".
Phát thải từ hoạt động giao thông vận tải giảm nhiều nhất dưới sự tác động của đại dịch COVID-19. Vào đỉnh điểm làn sóng đại dịch hồi tháng 4-2020, lượng khí thải từ ô tô đã giảm đi khoảng một nửa.
Tính đến tháng 12-2020, lượng CO2 từ phương tiện đường bộ giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, cùng với mức giảm "khủng" 40% của hoạt động hàng không.
Các ngành công nghiệp vốn chiếm 22% tổng lượng khí thải toàn cầu, năm 2020 cũng đã giảm mạnh 30% tại các quốc gia áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất.
Nhìn chung, tốc độ tăng phát thải khí CO2 toàn cầu đã chậm lại, tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo chưa thể đánh giá được tốc độ tăng trở lại trong năm 2021 trở đi, khi tình hình đại dịch ít căng thẳng hơn.
Xu hướng phát thải dài hạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của từng quốc gia và khu vực.
Kết hợp với ảnh hưởng từ việc thay đổi mục đích sử dụng đất, lượng CO2 phát thải năm 2020 được ước tính sẽ chạm mức 40 tỉ tấn, vẫn là một con số đáng kể trong "ngân sách carbon" trên Trái đất. Điều này sẽ đưa mức trung bình năm về CO2 trong khí quyển tăng cao hơn 48% so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Để đạt mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, thế giới cần cắt giảm lượng khí thải từ 1-2 tỉ tấn mỗi năm trong thập kỷ này.
Trong tuần này, Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo lượng khí thải năm 2020 giảm kỷ lục sẽ không tác động nhiều đến xu hướng nóng lên toàn cầu, nếu con người không chuyển dần sang sử dụng năng lượng xanh, tái tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận