Dịch COVID-19 đã tạm yên thời gian qua liệu có quay trở lại, khi cùng lúc có 2 nguy cơ đến?
Khó tránh khỏi biến thể phụ XBB.1.5 xâm nhập
Kết quả giải trình tự gene từ Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) ngày 3-1 phát hiện: 3/52 mẫu phết họng người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nhiễm biến thể XBB.
Đây là biến thể mới nổi lên ở nhiều nước cuối năm 2022, các bệnh nhân nhiễm XBB ghi nhận ở TP.HCM (Việt Nam) xuất hiện tháng 12-2022.
Đồng thời, hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2 từ cộng đồng trên địa bàn thành phố do HCDC phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM thực hiện cũng ghi nhận có ba mẫu là biến thể XBB, xuất hiện vào trung tuần tháng 11-2022. Thời điểm kể trên, chủng chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75, XBB đã xuất hiện, nhưng XBB.1.5 mới hơn thì chưa.
TS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên khoa vi sinh Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cho rằng nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện biến thể phụ XBB của Omicron, Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của biến thể này không thể tránh khỏi.
Việc xuất hiện các biến thể mới của đợt dịch bệnh hoàn toàn là quy luật của tự nhiên. Quy luật tiến hóa tự nhiên của dịch bệnh đã cho thấy khả năng lây lan dịch càng nhanh thì khả năng tạo miễn dịch cộng đồng sẽ nhanh hơn, dịch sẽ giảm nhẹ.
"Lý do biến thể phụ XBB có tốc độ lây lan nhanh là do chúng có thêm đột biến, bám vào đường hô hấp trên, nhưng không gây nguy hiểm hơn các biến chủng trước đó của Omicron", TS Vân nói.
PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cũng cho biết các biến chủng phụ XBB xuất hiện từ việc tái tổ hợp của các biến chủng phụ BA.2.10.1 và BA.2.75. Biến chủng XBB đã được phát hiện tại 35 quốc gia từ đầu tháng 10-2022.
Gần đây ở Mỹ đã xuất hiện biến chủng phụ XBB.1.5 - biến chủng phụ XBB có đột biến F486P khiến vi rút gia tăng khả năng xâm nhập vào tế bào, làm tăng khả năng lây lan của COVID-19. Vì vậy XBB.1.5. có khả năng lây lan nhanh và tính đến đầu năm 2023 ở Mỹ, 40% trường hợp nhiễm COVID-19 là do XBB.1.5.
Sở Y tế TP.HCM chia sẻ hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron. Tại Việt Nam, do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết nên sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Đối phó XBB.1.5. thế nào?
PGS Trần Văn Ngọc - chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP.HCM - chia sẻ bản thân ông khá lo lắng khi Trung Quốc mở cửa biên giới, cửa khẩu Móng Cái bỏ xét nghiệm COVID-19 và TP.HCM vừa xuất hiện biến chủng mới, dù đã có miễn dịch cộng đồng.
Ông Ngọc cho rằng miễn dịch cộng đồng là không bền vững và giảm dần theo thời gian. Nếu xuất hiện những biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, độc lực cao, tránh được miễn dịch... thì dịch có nguy cơ lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là người chưa tiêm đủ vắc xin hay miễn dịch suy yếu.
"Việt Nam không nên chủ quan vì đã có miễn dịch cộng đồng và tỉ lệ cộng đồng đã tiêm chủng đạt 90%. Nên chủ động giám sát sự xâm nhập các chủng vi rút mới", PGS Ngọc nói.
Còn theo PGS Đỗ Văn Dũng, biến thể phụ XBB.1.5 xâm nhập vào Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Để đối phó với XBB.1.5, những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã được khuyến cáo từ trước là quan trọng.
Các biện pháp bao gồm đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, không tụ tập đông người nếu không cần thiết và tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo khuyến cáo ngành y tế.
"Các vắc xin COVID-19 hiện vẫn có khả năng bảo vệ, giảm tỉ lệ chuyển nặng hay tử vong ở các bệnh nhân bị nhiễm biến chủng XBB. Dù các biến chủng XBB có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch nhưng khả năng xâm nhập vào tế bào bị kém hơn, khả năng lây lan của biến chủng XBB bị giảm hơn so với các biến chủng Omicron khác", PGS Dũng phân tích.
Sở Y tế TP.HCM cũng thông tin tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong đối với các biến thể của Omicron. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vắc xin sẽ giảm theo thời
gian nếu người dân không tham gia tiêm hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo chỉ định. Ngành y tế kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 nếu chưa tiêm và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định.
UBND TP.HCM cũng vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
Chưa thay đổi chính sách chống dịch khi Trung Quốc mở cửa biên giới
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho rằng Việt Nam chưa phải thay đổi chính sách chống dịch khi Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch kể từ ngày 8-1-2023.
Ông Phu cho rằng khi Trung Quốc mở cửa ca mắc sẽ tăng và Việt Nam vẫn lưu ý phòng bệnh do tình hình dịch tại các nước vẫn căng thẳng và nhiều biến chủng phức tạp. "Việt Nam cần tiếp tục giám sát tình hình để kịp thời ứng phó, phòng chống dịch linh hoạt và phù hợp", ông Phu cho hay.
Còn đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay hiện Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện các biện pháp giám sát, theo dõi dịch. "Chúng ta cũng đã mở cửa giao thương đối với tất cả các nước.
Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa biên giới với Việt Nam cũng vậy. Điều quan trọng là chúng ta phải theo dõi những biến thể mới trên toàn thế giới, khi xuất hiện nguy cơ từ các biến thể mới sẽ đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp hơn", vị này cho hay.
D.LIỄU
Sẽ sớm có thông báo chính thức
Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 5-1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đang họp bàn đánh giá nguy cơ sau khi ghi nhận XBB tại Việt Nam. Đồng thời sẽ sớm có thông báo chính thức về biến chủng này và các biện pháp phòng chống dịch.
D.LIỄU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận