Tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3, 4 tại Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết ở trong nước số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng, trong tháng 7 ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong.
Thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày, số ca mắc tăng 22,4% so với tháng trước.
Theo bà Lan, tình trạng này có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Bộ Y tế cho biết tiến độ tiêm chủng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Nửa cuối tháng 7 cả nước tiêm được hơn 7,7 triệu liều vắc xin, tăng 34% so với nửa đầu tháng 7. Nhưng tính đến ngày 31-7, cả nước còn tồn 17,9 triệu liều vắc xin (xem biểu đồ).
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, không để vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dứt khoát không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh, không say sưa, ngủ quên với những kết quả đã đạt được. Phải tổ chức thực hiện nghiêm túc hơn, hiệu quả hơn công tác phòng chống dịch trên cơ sở nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh.
Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại; cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Theo Thủ tướng, phải đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin, bởi đây vẫn là vũ khí quan trọng nhất, quyết định nhất trong phòng chống dịch.
Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vắc xin và tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương. Thủ tướng yêu cầu trong tháng 8 phải hoàn thành việc tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định và mũi thứ 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
TP.HCM tăng tốc tiêm vắc xin cho trẻ
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến hết ngày 4-8, tổng số mũi vắc xin đã tiêm được là hơn 22,78 triệu.
Từ ngày 1-8, khi TP phát động đợt cao điểm tiêm vắc xin cho trẻ, số lượt tiêm mỗi ngày dần tăng cao. Nếu như những ngày cuối tháng 7 chỉ đạt trên dưới 10.000 mũi/ngày thì những ngày đầu tháng 8 đã tăng lên hơn 15.000 - 19.000 mũi/ngày.
Trong ngày 5-8, toàn TP đã tiêm được 32.528 mũi. Hiện TP vẫn tiếp tục tiêm vắc xin cho người dân và đang trong đợt cao điểm tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi.
Bà Đỗ Thị Trúc Mai, phó chủ tịch UBND quận 4, cho biết việc tiêm vắc xin vẫn tổ chức tại các trung tâm y tế cho người trên 18 tuổi, trẻ em không đi học và đang cư ngụ trên địa bàn (trẻ đang học được tiêm tại các trường học).
Dược sĩ Trần Thị Thanh Nguyệt, phụ trách Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1), cho biết ngoài tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi tại trường học, trạm y tế phường vẫn tổ chức tiêm cho người dân trên 18 tuổi. Trạm luôn dự phòng đủ vắc xin và chưa phải hẹn người dân chuyển qua ngày khác.
Về tình trạng nhiều người dân đã không còn đeo khẩu trang nơi công cộng, TS.BS Lê Quốc Hùng, trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng biện pháp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) vẫn còn nguyên giá trị cả trong thời gian tới.
Nếu chỉ có vắc xin mà không thực hiện thêm biện pháp 2K thì cơ thể sẽ không được bảo vệ đầy đủ, đặc biệt khi hiệu quả vắc xin đã giảm dưới 80%.
Theo TS.BS Hùng, khi miễn dịch cộng đồng giảm thì khả năng phòng chống dịch bệnh sẽ giảm, từ đó làm tăng khả năng lây lan. Lúc này, không chỉ 2K mà có thể tăng lên thêm một vài biện pháp, nhưng ở mức không nghiêm ngặt như thời điểm dịch bùng mạnh (5K).
XUÂN MAI
Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 30% số ca COVID-19 toàn cầu
Theo bảng xếp hạng chỉ số hồi phục COVID-19 công bố ngày 6-8 của báo Nikkei, Nhật Bản đã tụt 60 bậc, xuống hạng thứ 90 khi biến thể phụ BA.5 của virus SARS-CoV-2 khiến số ca bệnh ghi nhận theo ngày tại nước này đang cao nhất thế giới. Hàn Quốc đã tụt từ hạng 4 xuống hạng 14 do cũng có số ca COVID-19 tăng cao.
Trong khi đó, Campuchia và Việt Nam tiếp tục được đánh giá có mức hồi phục sau dịch tốt khi lần lượt ở vị trí thứ 2 và thứ 4. Vùng lãnh thổ Đài Loan tăng 33 bậc khi số ca bệnh và số người chết vì COVID-19 cùng giảm dần.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tới cuối tháng 7, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là những nước có số ca COVID-19 cao nhất.
Cụ thể, Nhật có 1,38 triệu ca, tăng 42% so với tuần trước đó; trong khi Hàn Quốc có hơn 560.000 ca, tăng 25%. Tổng số ca COVID-19 của hai nước Đông Á gộp lại đã chiếm 30% tổng số ca bệnh toàn cầu.
Tại Nhật, các chuyên gia chính phủ cho rằng đợt dịch hiện nay là do biến thể phụ BA.5 gây ra. Đây là biến thể lây lan nhanh nhưng ít gây tử vong hơn các biến thể khác.
Hơn 63% người Nhật đã tiêm 3 mũi vắc xin và 30% trong số những người từ 60 tuổi trở lên đã tiêm mũi 4.
Tuy nhiên, biến thể phụ BA.5 được cho là có khả năng lẩn tránh miễn dịch cơ thể (có được do vắc xin hoặc do đã nhiễm bệnh) tốt hơn các biến thể xuất hiện trước nó. BA.5 hiện đang là chủng virus SARS-CoV-2 chiếm ưu thế trên toàn cầu.
Theo dữ liệu của WHO, biến thể này chiếm khoảng 69,6% trong các mẫu gene gửi lên cơ sở dữ liệu bộ gene GISAIDS trong tuần từ 17 đến 23-7.
Trong khi đó, Chính phủ Đức vừa công bố kế hoạch triển khai các biện pháp phòng ngừa COVID-19 để ngăn dịch bùng phát trở lại.
Đài CTVNews cho biết, theo kế hoạch, việc đeo khẩu trang trên máy bay và trong các hành trình dài bằng tàu hỏa, xe buýt sẽ là yêu cầu bắt buộc trên toàn nước Đức từ tháng 10 năm nay đến đầu tháng 4 năm sau.
Người dân cũng sẽ buộc phải đeo khẩu trang và xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính khi tới bệnh viện, nhà dưỡng lão hay các cơ sở công cộng có những người thuộc nhóm dễ tổn thương.
Tùy mức độ thực tế, 16 bang của Đức sẽ áp dụng thêm các quy định khác như đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, trong trường học với học sinh từ lớp 5 trở lên và tại các sự kiện cộng đồng trong nhà.
ĐỖ DƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận