Riya Akter, 22 tuổi, là công nhân may mặc ở Dhaka, Bangladesh. Khi được hỏi liệu cô ấy có sợ bị nhiễm COVID-19 hay không, cô ấy nói rằng công việc quan trọng hơn và cần phải làm, nếu không làm sẽ không có thức ăn cho cả nhà - Ảnh: AP
Trong khi tất cả mọi người đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có thì phụ nữ phải chịu ảnh hưởng rất nặng về kinh tế và xã hội. Nhiều phụ nữ nghèo bị thiệt thòi vì phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn, mất kế sinh nhai và bị bạo hành nhiều hơn.
Trên toàn thế giới, 70% nhân viên y tế là phụ nữ, nhưng họ không ngang bằng được với các đồng nghiệp nam. Ví dụ chênh lệch trả lương theo giới tính trong lĩnh vực y tế cao hơn chênh lệch trả lương chung theo giới ở các lĩnh vực khác (28% và 16%).
Tăng tỉ lệ nữ nghèo hơn nam
Trong 22 năm qua, tình trạng nghèo đói trên toàn cầu đã giảm dần, nhưng COVID-19 xuất hiện, cùng với nó là mất việc làm, thu hẹp nền kinh tế và mất sinh kế, đặc biệt là đối với phụ nữ. Các hệ thống bảo trợ xã hội suy yếu đi đã khiến nhiều người nghèo nhất trong xã hội không được bảo vệ, không có biện pháp giúp họ vượt qua cơn bão đói nghèo - theo Ginette Azcona, tác giả chính của báo cáo mới nhất của UN Women's From Insights to Action và chuyên gia dữ liệu và nghiên cứu cấp cao của UN Women, cho biết.
Báo cáo mới công bố gần đây cho thấy đại dịch sẽ đẩy 96 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021, trong đó 47 triệu người là phụ nữ và trẻ em gái. Điều này sẽ nâng tổng số phụ nữ và trẻ em gái sống ở mức dưới 1,90 USD lên 435 triệu. Sự gia tăng nghèo đói do đại dịch gây ra cũng sẽ làm gia tăng khoảng cách nghèo đói theo giới, có nghĩa là nhiều phụ nữ sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo hơn nam giới.
Điều này lại đặc biệt xảy ra ở những phụ nữ từ 25 đến 34 tuổi, độ tuổi sung mãn đỉnh cao của năng suất lao động sản xuất và lập gia đình của họ.
Các ngành bị ảnh hưởng đa số là lao động nữ
Phụ nữ chiếm đa số trong nhiều ngành bị ảnh hưởng do COVID-19 nặng nề nhất, chẳng hạn như dịch vụ ăn uống, bán lẻ và giải trí. Ví dụ, 40% tổng số phụ nữ có việc làm (trong khoảng 510 triệu phụ nữ trên toàn cầu) đang làm việc trong các lĩnh vực sẽ gặp khó khăn hơn so với 36,6% nam giới.
Bất bình đẳng tại nhà và chăm sóc không lương
Khi các biện pháp cách ly yêu cầu mọi người ở nhà, đóng cửa trường học và các cơ sở giữ trẻ, gánh nặng chăm sóc không lương, công việc gia đình đã bùng nổ. Nhưng ngay cả trước COVID-19, phụ nữ đã dành trung bình 4,1 giờ mỗi ngày để thực hiện công việc không được trả lương, trong khi nam giới dành 1,7 giờ - điều đó có nghĩa là phụ nữ đã làm công việc chăm sóc không được trả lương nhiều hơn nam giới gấp ba lần trên toàn thế giới.
Cả nam giới và phụ nữ đều cho biết số công việc không được trả lương ngày càng tăng kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng phụ nữ vẫn đang tiếp tục gánh vác phần lớn công việc đó.
Các nỗ lực phục hồi phải đến được với phụ nữ
"Bất chấp những tác động rõ ràng về giới của các cuộc khủng hoảng, các nỗ lực ứng phó và phục hồi có xu hướng bỏ qua nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái cho đến khi quá muộn. Chúng tôi cần phải làm tốt hơn nữa". Papa Seck, trưởng nhóm thống kê của UN Women, kêu gọi.
"Nhưng hầu hết các quốc gia đều không thu thập hoặc không cung cấp dữ liệu có sẵn được chia theo giới tính, tuổi tác và các đặc điểm khác - chẳng hạn như giai cấp, chủng tộc, vị trí, tình trạng khuyết tật và di cư. Những khoảng trống dữ liệu nghiêm trọng này khiến việc dự đoán toàn bộ tác động của đại dịch ở các quốc gia và cộng đồng trở nên vô cùng khó khăn. Họ cũng nêu lên lo ngại rằng phản ứng chính sách COVID-19 sẽ bỏ qua các ưu tiên của phụ nữ và trẻ em gái là những người dễ bị tổn thương nhất".
5 bước mà các chính phủ có thể thực hiện để giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 đối với phụ nữ:
1. Hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho phụ nữ.
2. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
3. Hỗ trợ cho lao động nữ.
4. Hỗ trợ cho lao động phi chính thức.
5. Đối chiếu công việc được trả lương và công việc chưa được trả lương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận