Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tới Việt Nam mang tới nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra bài toán cần chọn lọc đầu tư FDI thế nào để lan tỏa phát triển và người Việt không mãi chỉ là làm thuê, gia công, lắp ráp.
Chú trọng đầu tư có chất lượng
Trong số khoảng 205 doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tới Việt Nam lần này, có những tập đoàn kinh tế hàng đầu như Samsung Electronics, SK Group, Hyundai Motor Group, LG Group, Hanwha, Hanjin, Hyosung.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Võ Trí Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam tìm cơ hội cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta đã được cải thiện trong thời gian qua.
Nó cũng cho thấy vốn đầu tư FDI đã trở thành một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế, có hàng chục ngàn dự án với hàng trăm tỉ USD đã đầu tư vào Việt Nam.
Cũng theo ông Thành, bối cảnh mới hiện nay là những biến động địa chính trị và những nỗ lực cải cách trong thu hút đầu tư FDI. Một điểm đáng lưu ý khác là trong các đoàn doanh nghiệp FDI đến Việt Nam gần đây có rất nhiều nhà đầu tư chất lượng.
"Điều này phù hợp với sự chuyển đổi chiến lược của Việt Nam, thu hút đầu tư không phải vì dự án bao nhiêu tỉ USD mà quan trọng hơn là thu hút đầu tư có chất lượng. Các dự án FDI phải đạt chất lượng xét về góc độ tài chính, tạo việc làm, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chất lượng đầu tư FDI còn được thể hiện qua sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kỹ năng cho doanh nghiệp nội địa trong quá trình tham gia vào chuỗi sản xuất FDI", ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong dòng vốn FDI Hàn Quốc vào Việt Nam có những doanh nghiệp rất lớn nhưng cũng có những doanh nghiệp siêu nhỏ. Đây là điều khác biệt của dòng FDI Hàn Quốc.
Không nên để doanh nghiệp FDI "đi xe miễn phí"
TS Phạm Hùng Tiến - phó giám đốc Viện FNF Việt Nam, một chuyên gia am hiểu về vốn FDI - cho rằng tư duy "đại bàng, chim sẻ" đôi khi không còn đúng nữa. Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam lần này cũng tương tự như đoàn doanh nghiệp Mỹ, Ấn Độ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư gần đây. Sắp tới sẽ có thêm một đoàn doanh nghiệp Đức khoảng 70 người tới Việt Nam nữa.
"Điều cần quan tâm là trong thu hút FDI chúng ta chưa đạt được mục tiêu lan tỏa đầu tư tới khu vực doanh nghiệp trong nước", ông Tiến nói.
Muốn chọn lọc đầu tư FDI phải có tự chủ về công nghệ, và trong bối cảnh thị trường trong nước đạt quy mô 100 triệu dân, nguồn lực đã lớn hơn, cần đề cao yếu tố liên kết đầu tư FDI với doanh nghiệp nội địa trong chiến lược thu hút đầu tư thời gian tới, ông Tiến đề xuất.
Vấn đề thứ hai trong thu hút đầu tư FDI hiện nay chúng ta mới chỉ nhìn vào dòng vốn đầu tư và quá rộng rãi trong cấp phép các dự án 100% vốn đầu tư FDI. Đây là một kẽ hở lớn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư FDI "đi xe miễn phí" vào Việt Nam.
Trong khi tại Trung Quốc họ yêu cầu doanh nghiệp FDI phải liên doanh với doanh nghiệp nội khi thực hiện dự án đầu tư tại nước này. Đây là điều Việt Nam nên cân nhắc trong chiến lược thu hút FDI thời gian tới, ông Tiến khẳng định.
Bàn về chiến lược thu hút đầu tư FDI, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nêu vấn đề cần chú ý đến hình thức đầu tư, chỉ nên thu hút những ngành nghề có lợi thế trong chiến lược chứ không thể đi làm thuê mãi. Ví dụ cần thu hút đầu tư FDI vào chế biến lương thực, thực phẩm, hướng doanh nghiệp FDI vào những ngành nghề ưu tiên đầu tư và tạo ưu đãi cho họ.
Vốn đăng ký FDI Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 81,6 tỉ USD
Trong 5 tháng năm 2023, tổng vốn đăng ký FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt gần 10,86 tỉ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, vốn FDI đăng ký mới là hơn 5,26 tỉ USD, tăng 27,8%; vốn FDI điều chỉnh tăng vốn đầu tư đạt gần 2,28 tỉ USD, giảm 59,4%; vốn FDI góp vốn mua cổ phần đạt gần 3,32 tỉ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ.
Lũy kế hết 5 tháng năm 2023, cả nước có 37.238 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 447,67 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư FDI ước đạt gần 281,65 tỉ USD.
Xét theo đối tác đầu tư, hiện có 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư FDI còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký FDI gần 81,6 tỉ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ hai, tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận