17/02/2017 11:14 GMT+7

Cột mốc chủ quyền đúc bằng máu xương

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TTO - Ngay lối vào cổng đồn biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), nhìn về phía tay trái là một nhà bia nhỏ.

Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh - nơi an nghỉ của các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 - Ảnh: Ngọc Quang
Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh - nơi an nghỉ của các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 - Ảnh: Ngọc Quang

Trên tấm bia đá ấy khắc họ tên, quê quán, ngày sinh và ngày hi sinh của 18 cán bộ chiến sĩ của đồn. Trong đó có 15 người hi sinh vào ngày 17-2-1979.

Còn lại một người hi sinh vào tháng 3-1979 và có hai chiến sĩ hi sinh sau đó 10 năm, vào tháng 11-1989. Nghĩa là cho đến năm 1989, trên biên ải này máu lính biên phòng vẫn còn đổ.

Nhà bia và trang biên niên sử

Không chỉ ở đồn Trà Lĩnh.

Không nhớ hết bao nhiêu đồn biên phòng dọc tuyến biên giới Việt - Trung mà chúng tôi từng đi qua trong gần 20 năm qua, tính từ đồn biên phòng A Pa Chải ở ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung, dọc dài qua hơn 1.650km đường biên về tới đồn biên phòng Trà Cổ ở Móng Cái, Quảng Ninh.

Tất cả đồn biên phòng từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đều có những nhà bia như thế, hầu hết đều dựng ngay ở cổng đồn.

Vị trí nhà bia tưởng niệm những người lính hi sinh trên biên ải dựng ngay trước mỗi cổng đồn như mang một thông điệp không chỉ là sự tưởng niệm, mà còn là lời nhắc nhở, là bài học cảnh giác được trả giá bằng máu xương.

Có những công trình tưởng niệm khá kỳ vĩ như khu vực Pò Hèn (Móng Cái) với tượng đài, nhà bia, hoa viên, nhà thờ, nơi hành lễ... Nhưng cũng có khi chỉ là một tấm bia bằng ximăng và tên những liệt sĩ được kẻ lên trên lớp hồ ximăng như ở đồn biên phòng Leng Su Sìn (Điện Biên).

Khi chúng tôi thắp nhang cho các liệt sĩ ở nhà bia của đồn Trà Lĩnh, nhớ lại những nhà bia trên dặm dài biên giới, chợt nhận ra một điều: quá khứ đau thương và bi tráng trong cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc luôn được khắc cốt ghi tâm, hiện diện thường trực trong mỗi nhà bia trước cổng đồn biên phòng như thế này, như một cột mốc chủ quyền được đúc bằng máu xương tuổi trẻ.

Biên giới Cao Bằng những ngày này lạnh buốt, nhiệt độ về đêm chỉ 7-8 độ C. Những chuyến công tác ngủ ở đồn biên phòng luôn là một trải nghiệm để thấu hiểu hơn về đời lính.

Khó ngủ vì lạnh, tôi bật đèn đọc cuốn sách biên niên của đồn biên phòng Trà Lĩnh. Và những trang sách biên niên ấy hóa ra chính là trí nhớ của tháng năm đã đi qua nửa thế kỷ trên tiền đồn biên viễn này.

Được thành lập năm 1959, cùng thời điểm ra đời của lực lượng Công an vũ trang (tiền thân của Bộ đội biên phòng), cuốn biên niên của đồn biên phòng Trà Lĩnh dày đến 400 trang với những ký ức tỉ mỉ và sống động đến kỳ lạ.

Trong gần 400 trang sách ấy, xuyên suốt vẫn là những sự kiện, những câu chuyện gắn với máu xương gìn giữ đường biên, cột mốc.

Chỉ riêng giai đoạn biên giới “có vấn đề” từ năm 1970-1979 đã chiếm đến gần 200 trang sách, chi tiết đến tận từng giờ, từng phút, từng cuộc đấu trí để giữ cho được từng mét đường biên.

“7h sáng 12-4-1974, có 7 dân công xã Long Bang (của Trung Quốc, giáp biên với Trà Lĩnh - NV) vượt biên mang cuốc xẻng đào nhiều hố ở núi Phia Un, cánh trái mốc 94, cánh phải mốc 95 thuộc đất Việt Nam...”.

“Hồi 15h ngày 1-6-1974, đội tuần tra của ta có 4 đồng chí và 2 dân quân đi từ mốc 95 ngược lên theo biên giới đến đỉnh núi Phia Un. Sau khi lên đến đỉnh, đội nghỉ và quan sát được 10 phút thì trạm Long Bang nổi còi báo động.

Họ vượt qua đến sườn đồi Phia Un bao vây tổ tuần tra của ta... Họ đã huy động một lực lượng 500 người đến bao vây ta, ta cũng huy động trên 200 người. Hai bên đấu tranh lý lẽ tới 20h30 thì họ rút lui...” (trang 113, 114).

Đấy là một đoạn biên niên sử được chép trong cuốn sách, vào năm 1974, nghĩa là từ 5 năm trước khi nổ ra chiến tranh biên giới, đã có những “vấn đề” như thế. Và cứ từng ngày từng giờ, từng cuộc đấu tranh đấu trí giữ đất được ghi chép lại cẩn thận.

Câu chuyện của hơn 40 năm trước, đọc trong đêm khuya rét buốt biên ải khiến chúng tôi nhận ra rằng để giữ cõi bờ Tổ quốc, những người dân, người lính biên giới chưa một phút nào nghỉ ngơi ngay cả trong giấc ngủ.

Tận tụy cùng dân bản

Nhưng câu chuyện biên giới hôm nay không chỉ là quá khứ bi tráng và đau thương. Cuộc sống vẫn cứ đi tới và những người lính biên phòng vẫn là bạn đồng hành tận tụy của người dân biên ải.

Trung tá Nông Hồng Đoan, chính trị viên phó đồn biên phòng Trà Lĩnh, đưa chúng tôi vào bản Niếng Noọc, xã Quang Hán và hồ hởi khoe: “Đây là bản đầu tiên được anh em cán bộ chiến sĩ đồn Trà Lĩnh giúp toàn bộ các hộ dân di dời gia súc ra khỏi gầm sàn”.

Thành tích thời bình của người lính biên phòng nghe có vẻ giản dị thế, nhưng có tận mắt mới thấy thay đổi một thói quen truyền đời của người dân, giúp cho đời sống người dân tránh được dịch bệnh không hề là chuyện dễ.

Từ bao đời nay, những người dân nơi đây đều làm nhà sàn, dưới gầm sàn biến thành chuồng nuôi nhốt trâu, bò, ngựa, lợn...

Ăn ngủ ở trên mặt sàn được lát bằng ván gỗ, mùi phân gia súc cứ thế xộc lên lưu cữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ, chưa nói mỗi mùa dịch bệnh, gia súc chết dưới sàn, bà con sống ngay bên trên.

Nhưng cái lý bà con đưa ra không dễ thay đổi: Nhà mình tài sản chỉ là con trâu con bò, di dời nó ra ngoài chuồng nhỡ nó bị mất thì sao?

Và muốn xây chuồng trại kiên cố tách khỏi nơi ở cũng cần có tiền để mua vật liệu. Công việc xây mới chuồng trại ấy cho bà con lại đặt lên vai lính biên phòng.

Năm rồi, thêm 9 hộ dân bản Niếng Noọc được đồn biên phòng hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng cùng với ngày công để xây chuồng trại mới.

Ghé thăm nhà chị Bế Thị Ráy, dân tộc Tày. Bên chuồng nuôi gia súc vừa được xây kiên cố, trong chuồng có đủ cả trâu, nghé, bò, ngựa... chị Ráy bảo: “Nhờ bộ đội biên phòng cả đó, chứ nhà mình không đủ sức xây chuồng đâu, biên phòng cho tiền mua gạch, mua ximăng rồi bộ đội đến xây cho luôn”. Chồng chị Ráy mất vì bạo bệnh, mình chị bao năm làm lụng nuôi hai con ăn học.

Không xa là nhà ông Bế Văn Hội, trưởng bản. Tuy làm trưởng bản nhưng ông Hội cũng không tự xây chuồng di dời gia súc ra khỏi sàn nhà, mà vẫn phải nhờ tới sự giúp sức của bộ đội biên phòng đồn Trà Lĩnh.

Đến nay, cả 21 hộ dân bản Niếng Noọc đã dời hết chuồng trại ra khỏi gầm sàn. Và thay cho cái gầm sàn bao năm trở thành cái hố ủ phân chuồng, nay bà con được bộ đội giúp luôn việc láng gầm sàn bằng ximăng cho sạch sẽ, hợp vệ sinh.

Bao nhiêu năm đi lên biên giới cũng đủ để hiểu với người dân vùng biên, sức thuyết phục lớn nhất chính là “trăm nghe không bằng mắt thấy” và sức cảm hóa người dân của người lính biên phòng không gì hơn là sự tận tụy.

Hôm lên cửa khẩu Trà Lĩnh, thấy hai chiến sĩ biên phòng đang dắt một con ngựa từ bên kia biên giới về, hỏi ra đó là con ngựa mà dân vùng biên đi thồ hàng trái phép, bị biên phòng bên kia bắt giữ.

Vậy là lại chạy đến nhờ đồn đi qua biên giới xin giúp, bởi con ngựa thồ ấy là nồi cơm của cả gia đình họ.

Kể sao cho hết hàng trăm câu chuyện như thế mỗi ngày nơi biên giới!

Xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ, vợ liệt sĩ

Để có 45 triệu đồng giúp cho 9 hộ dân bản xây mới chuồng trại như thế, trong năm qua đồn đã vận động từ nhiều nguồn, từ Hội Cựu chiến binh của Văn phòng Quốc hội đến Viện Y học cổ truyền quân đội, anh em trong đơn vị cũng tự túc tăng gia, tiết kiệm chi phí để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ các chương trình hoạt động giúp dân.

Cũng từ nguồn kinh phí vận động mà năm qua đồn đã xây hai căn nhà tình nghĩa cho hai hộ gia đình thuộc diện chính sách trị giá 70 triệu đồng/căn.

Nhiều năm nay nhận phụng dưỡng năm bà mẹ có chồng và con là liệt sĩ, đến nay có hai mẹ còn sống là mẹ Hoàng Thị Phấn ở xã Cô Mười, có chồng là Dương Văn Rin hi sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 và mẹ Vi Thị Nợ, có chồng là Nông Quốc Viên hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở xã Tri Phương.

Tuổi 19-20 nằm lại đất biên cương

Từ thành phố Cao Bằng, chạy theo tuyến đường vào thác Bản Giốc, đến đèo Mã Phục thì rẽ trái lên hướng cửa khẩu Trà Lĩnh.

Huyện lỵ của Trà Lĩnh là thị trấn Hùng Quốc. Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh nằm trên một mái đồi phía đông bắc thị trấn.

Mới qua tết hơn 10 ngày. Hoa đào, hoa mận vẫn nở dọc hai bên đường. Thay cho những ngôi mộ phủ bằng đá rửa cũ kỹ, gần một nửa trong số hơn 300 mộ liệt sĩ trong nghĩa trang đã được thay mới vỏ mộ, ốp bằng những tấm đá hoa cương.

Gần như những liệt sĩ nằm lại ở đây đều hi sinh năm 1979. Có một số liệt sĩ hi sinh sau đó, kéo dài đến năm 1989.

Những người lính khi hi sinh đều tầm 19-20 tuổi và cùng là lính của trung đoàn 667 Bắc Thái (Bắc Thái ngày đó là tỉnh hợp nhất giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn).

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp