30/08/2020 10:05 GMT+7

Cột cờ Thủ Ngữ: Già hơn mọi người là cái chắc, chỉ mới 155 tuổi tây hà!

LÊ VĂN NGHĨA
LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Nghe tin TP.HCM sẽ trùng tu di tích cột cờ Thủ Ngữ, nhớ lần bạn tôi từ xứ ngoài vào chơi, so sánh rằng ở Hà Nội có một cái cột cờ, Huế cũng có một cái cột cờ, sao TP.HCM không có.

Cột cờ Thủ Ngữ: Già hơn mọi người là cái chắc, chỉ mới 155 tuổi tây hà! - Ảnh 1.

Cột cờ gắn với nhiều thăng trầm của Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Tôi mạnh miệng, hùng dũng trả lời rằng: "Ai nói là không có? Tao sẽ dẫn mày ra bờ sông Sài Gòn coi cột cờ Thủ Ngữ chơi".

Tôi nhớ cột cờ Thủ Ngữ vì thường nhìn thấy cột cờ từ hướng một nhà hàng vũ trường bậc nhất nổi tiếng trong dân chơi cách đây gần 20 năm.

Vì sao cột cờ mang tên Thủ Ngữ?

Bạn tôi thắc mắc về cái tên ngồ ngộ dính với chữ "Thủ". Cả đời nó ăn thịt heo chỉ khoái cái thủ (đầu). Nó nói "thủ là nhất, như cơ quan có thủ trưởng vậy.

Thủ trưởng là ông già Noel ưa phát lộc cho lính thân cận". Cái này nghe quen. Tôi bèn lục trí nhớ của mình khi đọc quyển Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển giới thiệu sơ lược cột cờ Thủ Ngữ.

Sau khi chiếm Sài Gòn, năm 1860, muốn dễ bề khai thác thuộc địa kiếm ăn, Pháp mở rộng cảng biến nơi này là thương cảng lớn để thông thương giao dịch quốc tế lẫn nội địa.

Nhằm mục đích báo hiệu cho tàu bè từ xa khỏi đi lạc xuống Cần Giờ hay Vũng Tàu, tháng 10-1865, Pháp cho xây dựng một cột cờ có tên tiếng Pháp là Mât des Signaus cao 30m, treo cờ hiệu đón tàu thuyền ra vào cảng Nhà Rồng - nơi giao giữa sông Sài Gòn và kênh Bến Nghé.

"Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh lỗ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn" - cụ Vương viết.

Ngày xưa, nơi này là trạm Gia Tân, từ đó mới có câu: "Gia Tân nền tạm thuở xưa/ Ngày nay có dựng cột cờ gần bên" (Trương Vĩnh Ký). Nền tạm là nền cũ của dinh quan Thủ Ngự chuyên chăm lo giao thương của nhà Nguyễn.

Hiện nay, có hai cách lý giải về chữ Thủ Ngữ. "Thủ" có nghĩa là "giữ, giữ gìn". Cột cờ "Thủ Ngữ" mang nghĩa là "điểm/vị trí giữ cửa/ cảng biển", điều hành, kiểm soát những chuyến tàu ra vào.

Cách hiểu thứ hai cho rằng Thủ Ngữ chính xuất phát từ chữ Thủ Ngự - nơi cây cột cờ được dựng lên và về sau được xây thành ba tầng: phần dưới cùng là nền cao; phía trên xây ngôi nhà bao quanh chân cột; gian chính giữa cao hơn, có phần mái hình bát giác giống kiến trúc thành Gia Định xưa.

Cây cột sắt được níu bằng nhiều sợi cáp thép lớn. Tôi nghiêng về ý kiến thứ hai hơn vì thường dân hay lấy tên người đặt cho địa danh và cột cờ chẳng để giữ gìn hay bảo vệ gì cả, đơn giản chỉ để báo hiệu mà thôi.

Cột cờ Thủ Ngữ: Già hơn mọi người là cái chắc, chỉ mới 155 tuổi tây hà! - Ảnh 2.

Cột cờ Thủ Ngữ năm 1866, một năm sau khi xây dựng xong - Ảnh tư liệu

Một trong những biểu tượng của Sài Gòn

Từ khi có cột cờ Thủ Ngữ, hình ảnh một Sài Gòn với tàu bè ra vô ngã ba sông Thị Nghè ráp với rạch Bến Nghé, một thủy xưởng Ba Son mở rộng từ thủy trại thời chúa Nguyễn, Sài Gòn đã ra dáng là một thành phố thương mại, kinh tế trù phú.

Có lẽ khu cột cờ ngày xưa cũng hấp dẫn dân "chiều hay lai rai tán dóc" nên có tên rất tượng hình "Mũi đất bọn tán dóc" (Pointe des Blagueurs).

Đọc Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển viết thì biết khu "Mũi đất bọn tán dóc" là nơi ăn chơi của Tây, của tay sai. Nhưng khu cột cờ đã từng là nơi đông đảo đồng bào đón tiếp Ủy ban Công nhân Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương tháng 1-1934 và đón tiếp ông Goda ngày 1-1-1937.

Đến khi Nam Bộ kháng chiến, ngay dưới chân cột cờ Thủ Ngữ năm 1945, một tiểu đội tự vệ chiến đấu của dân quân Sài Gòn - Gia Định đã chống trả một đại đội quân Anh. Tầm vông vạt nhọn chiến đấu không cân sức với thực dân được trang bị tận răng nên các chiến sĩ đã anh dũng hi sinh dưới chân cột cờ.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, trong một lần làm việc với cán bộ ngành văn hóa TP.HCM (1980), nói: "Cột cờ Thủ Ngữ mà thiếu niên thời chúng tôi từng lui tới như một trong những biểu tượng của Sài Gòn là một nơi như thế.

Nơi đây không chỉ là lịch sử đánh dấu cột mốc giao thương của Sài Gòn thời Pháp thuộc mà còn là nơi ghi dấu công lao gìn giữ Sài Gòn của đồng bào, chiến sĩ ta. Vì ý nghĩa đó mà phải gìn giữ di tích lịch sử quý giá này" (ghi chép của Thế Thanh - báo Phụ Nữ TP.HCM năm 1980, trích báo Người Đô Thị năm 2017).

Khi tôi nói đến đây, không biết cái giọng nói của tôi thế nào mà thằng bạn há hốc thành kính mà nghe. Cái cột coi vậy mà dữ lắm à, đừng giỡn nghe lựu!

À quên nữa, buồn tình ai muốn đến cột cờ Thủ Ngữ thăm thú, xin đến số 2 đường Tôn Đức Thắng (phường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM), không tốn tiền, chỉ hơi mỏi cổ vì đứng bên bờ sông mà nhìn lên.

Hãy đến sớm vì sợ sau này mình xí lắt léo thì nó vẫn còn. Cột cờ này già hơn mọi người là cái chắc, chỉ mới 155 tuổi tây hà!

Ngày nay, chức năng nguyên thủy của cột cờ Thủ Ngữ không còn nhưng chính quyền TP.HCM vẫn lưu giữ như một giá trị văn hóa. Tháng 5-2016, cột cờ Thủ Ngữ được UBND TP.HCM xếp hạng di tích lịch sử.

Người Pháp tự hào Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông bởi khu thị tứ từ dinh Thượng thư (nay là Sở Thông tin - truyền thông và Sở Công thương), dinh phó soái (dinh Thống đốc, nay là Bảo tàng Lịch sử TP), nhà thờ Đức Bà với những con đường Catinat (Đồng Khởi), Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), khu Bồn Kèn...

Tương truyền có một câu hát "nửa Tây nửa Việt" của một chị bán hàng khi thất tình như vầy: "Thượng thư, phó soái, Thủ Ngữ treo cờ (hò hơ)/ Bu-don (nước dùng), ôm lết (trứng omelette), bít tết, xạc xây (hầm bà lằng)...".

TP.HCM trùng tu cột cờ Thủ Ngữ 155 tuổi TP.HCM trùng tu cột cờ Thủ Ngữ 155 tuổi

TTO - Di tích cấp TP cột cờ Thủ Ngữ 155 tuổi ở bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM sẽ được trùng tu theo phương án phục hồi công trình.

LÊ VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp