Đậu nành nhập khẩu tại cảng Nam Thông, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Các mục tiêu được đề ra chưa bao giờ thực tế. Chúng chỉ là những con số phô trương. Đại dịch đã biến điều không tưởng thành không thể.
Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Scott Kennedy tại CSIS
Theo thỏa thuận giai đoạn 1 được công bố đầu năm 2020, Bắc Kinh sẽ mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong vòng 2 năm. Đổi lại, Washington chấp nhận rút lại thuế quan bổ sung áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Song có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không thể thực hiện đầy đủ cam kết do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Không mua hàng sẽ không có thỏa thuận
Trong cuộc họp báo ngày 12-5 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ khả năng Mỹ đồng ý tái đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, sau khi Thời báo Hoàn Cầu, thuộc quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn nguồn ẩn danh từ các cố vấn của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh muốn đàm phán lại thỏa thuận giai đoạn 1 theo hướng có lợi hơn.
"Không, không bao giờ, dù chỉ là một chút. Tôi không hứng thú. Tôi đã ký thỏa thuận", ông Trump khẳng định khi được hỏi về thông tin đó, đồng thời tuyên bố muốn thấy Bắc Kinh thực hiện thỏa thuận bằng cách đẩy mạnh mua hàng hóa Mỹ như đã cam kết.
Tổng thống Mỹ ngày 6-5 từng cảnh báo sẽ xem xét việc chấm dứt thỏa thuận nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết của mình. Sau đó 2 ngày, ông Trump thậm chí cho biết ông "bị giằng xé" vì cân nhắc chấm dứt thỏa thuận này. Ông nói về sự "giằng xé" của mình chỉ vài giờ sau khi đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tham dự hội nghị qua điện thoại cùng Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Theo thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ, "cả hai bên thống nhất sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô và y tế, nỗ lực tạo ra một môi trường thuận lợi và các điều kiện thích hợp để thực thi thỏa thuận thương mại và kinh tế Mỹ - Trung giai đoạn 1". Các đại diện của Trung Quốc và Mỹ cũng đã thống nhất sẽ dẹp bỏ bất đồng để thực hiện thỏa thuận trong bối cảnh hai nước liên tục công kích nhau về dịch COVID-19.
Sự lạc quan của các quan chức Mỹ hoàn toàn trái ngược với những lời đe dọa và cảnh báo liên tiếp của ông Trump. Và chính sự tương phản này khiến giới quan sát không khỏi hoang mang về tương lai của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và cả số phận của thỏa thuận giai đoạn 2.
Trung Quốc nhượng bộ?
Không lâu sau khi bài báo của Thời báo Hoàn Cầu đăng tải, Hãng tin Reuters thông báo các nhà nhập khẩu Trung Quốc hôm 11-5 đã mua ít nhất 4 chuyến hàng đậu nành từ Mỹ, tương đương khoảng 240.000 tấn. Đơn hàng này sẽ bắt đầu được giao từ tháng 7 và có thể kèm theo một số đơn hàng bổ sung.
Thương vụ này là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc trong việc thực hiện thỏa thuận với Mỹ. Washington cũng cho biết cả hai nước đã bắt đầu thực hiện những phần khác trong thỏa thuận liên quan đến bảo vệ tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington dự đoán Trung Quốc sẽ không đáp ứng được cam kết mua hàng hóa Mỹ trong thỏa thuận vì tình hình dịch COVID-19. Theo CSIS, xuất khẩu hàng hóa Mỹ đến Trung Quốc sẽ chỉ đạt 60 tỉ USD trong cả năm 2020, thấp hơn nhiều so với cam kết.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại CSIS, viết trong báo cáo hôm 8-5 rằng dự đoán trên chỉ là "viễn cảnh tệ nhất" vì Trung Quốc chỉ có thể mua thêm nhiều hàng hóa sau khi kinh tế hồi phục.
Tuy nhiên, ý tưởng về một thỏa thuận đổ vỡ không mấy dễ chịu đối với nhiều chuyên gia, trong đó có ông Clete Willems - một cựu cố vấn thương mại của Nhà Trắng. Từng làm việc trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, ông Willems cho biết Trung Quốc đã đáp ứng phần lớn các điều khoản chính của thỏa thuận giai đoạn 1.
"Tôi không nghĩ đây là thời điểm chúng ta nên từ bỏ thỏa thuận này. Bản thỏa thuận cho đến nay đã đem lại nhiều kết quả tích cực", ông Willems nhận định.
Ngăn quỹ hưu trí đầu tư vào Trung Quốc
Trong lá thư viết ngày 11-5 gửi tới Bộ trưởng Lao động Mỹ Eugene Scalia, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien và giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow thông báo Nhà Trắng không muốn Kế hoạch tiết kiệm hưu trí (Thrift Savings Plan, TSP) - một quỹ hưu trí dành cho các nhân viên liên bang - đầu tư tiền vào chứng khoán Trung Quốc.
"Chúng tôi nhận thấy hàng tỉ USD từ các quỹ hưu trí của nhân viên liên bang chúng ta bên trong TSP sẽ sớm được đem đi đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Hành động này sẽ đặt các quỹ hưu trí trước nguy cơ kinh tế đáng kể và không cần thiết", theo nội dung lá thư.
Lá thư cũng nêu trực tiếp cách xử lý đại dịch COVID-19 của Trung Quốc là một trong vài nguyên nhân tại sao việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc không nên diễn ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận