Báo Người Bảo Vệ - tờ báo có uy tín tại Anh - số ra gần đây đã đăng trên trang nhất bài của John Vidal, trưởng ban biên tập về môi trường, cho biết có bằng chứng cho thấy công ty này đã trả tiền cho các nhà thầu để thải hàng ngàn tấn chất cực độc ở nhiều khu vực chứa rác thải của nước Anh, dù công ty này biết rằng các chất hóa học này sẽ làm ô nhiễm môi trường thiên nhiên và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Báo Người Bảo Vệ đã có tài liệu chưa từng được công bố của chính phủ cho thấy 67 loại hóa chất, trong đó có các chất độc như da cam, dioxin và PCB - những chất do Monsanto “độc quyền” sản xuất - đang bị rò rỉ từ một mỏ đá có tên Brofiscin nằm bên rìa làng Groesfaen, gần Cardiff. Tờ báo dẫn lời Douglas Gowan - chuyên gia tư vấn về ô nhiễm, người đã đưa ra báo cáo chính thức đầu tiên về tình trạng mỏ Brofiscin năm 1972 sau khi chín con bò ở một trang trại địa phương chết vì nhiễm độc - cho biết chính phủ đã biết từ lâu nhưng không làm gì.
Nhiều thông tin trong các tài liệu của các vụ xử tại Mỹ và những tài liệu nội bộ công ty chưa từng được công bố cho thấy: Monsanto đã biết từ năm 1965 rằng chất PCB được sản xuất tại Mỹ và nhà máy tại Newport, miền nam Xứ Wales, dưới nhãn hiệu Aroclor, đã gây ô nhiễm trên các dòng sông, đối với các loài cá, hải sản, môi trường hoang dã. Năm 1953, các nhà hóa học của công ty đã xét nghiệm hóa chất PCB trên chuột và nhận thấy nó giết chết hơn 50% số chuột với liều dùng trung bình. Monsanto dừng sản xuất chất PCB tại Mỹ năm 1971, nhưng Chính phủ Anh biết sự nguy hiểm của chất này với môi trường từ những năm 1960, vẫn cho phép công ty này sản xuất ở Wales tới năm 1977.
Tập đoàn Monsanto, hiện đã chia nhỏ thành nhiều công ty con, trong một công bố đã cho biết Monsanto đang giải quyết các vụ việc liên quan tới các hoạt động sản xuất trước đây tại Wales. Cơ quan môi trường của Anh cũng đang điều tra về cáo buộc rằng các chất hóa học này bị rò rỉ và đang làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và không khí tại miền nam xứ Wales. Theo cơ quan này, có thể sẽ phải tốn đến 100 triệu bảng Anh (tức khoảng 200 triệu USD) để làm sạch miền nam Xứ Wales.
Trao đổi với Tuổi Trẻ tại London, ông Len Aldis - tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt, người khởi xướng trang web http://www.petitiononline.com/AOVN/ ký tên vì công lý cho các nạn nhân chất độc da cam VN - cho rằng nếu cuộc điều tra được tiến hành và nước Anh phải chi tiền để làm sạch môi trường, đây sẽ là tín hiệu tích cực giúp cho vụ kiện phúc thẩm của các nạn nhân chất độc da cam VN tại Mỹ. “Tôi muốn nhìn thấy Công ty Monsanto phải trả tiền bồi thường những việc họ đã làm” - ông nói. Ông Len Aldis cho rằng nếu làm phép so sánh, số tiền 210.000 bảng Anh (tức 400.000 USD) mà Mỹ góp vào dự án trị giá 1 triệu USD để tìm cách làm sạch các hóa chất cực độc do Mỹ để lại tại căn cứ không quân Đà Nẵng VN là con số quá nhỏ bé.
Được biết, phiên điều trần phúc thẩm ở New York liên quan tới vụ kiện của các nạn nhân da cam VN dự kiến sẽ diễn ra vào hạ tuần tháng 6-2007.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận