Nhiều người kiện ra tòa cáo buộc thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto gây ung thư - Ảnh: AFP
Ngày 24-6, Tập đoàn hóa chất và dược phẩm Bayer AG của Đức đã đồng ý chi 9,8 tỉ euro (tương đương 10,9 tỉ USD) để giải quyết các vụ kiện ở Mỹ liên quan tới thuốc diệt cỏ Roundup do Monsanto sản xuất.
Theo hãng tin AFP, thỏa thuận này đã làm nhẹ bớt cơn đau đầu dai dẳng của Bayer kể từ khi họ mua lại công ty Monsanto của Mỹ với giá 63 tỉ USD vào năm 2018.
"Việc dàn xếp vụ thuốc diệt cỏ Roundup là hành động đúng đắn và đúng lúc đối với Bayer để chấm dứt một giai đoạn dài không đi tới hồi kết", giám đốc điều hành của Bayer, ông Werner Baumann, tuyên bố.
Theo hãng tin Reuters, với số tiền trên, Bayer sẽ có thể khép lại 75% trong tổng số 125.000 đơn kiện. Công ty này cho biết họ sẽ dành ra 8,8-9,6 tỉ USD để giải quyết các vụ kiện hiện tại và 1,25 tỉ USD để giải quyết các đơn kiện trong tương lai.
Tuy nhiên, Bayer đã không thừa nhận trách nhiệm pháp lý hay sai phạm nào. Dù chấp nhận đền bù, ông Werner Baumann vẫn nói: "Thật không may, chúng tôi phải trả rất nhiều tiền cho một sản phẩm được quản lý hoàn hảo”.
Jennifer Moore, luật sư đại diện cho một số nguyên đơn trong vụ thuốc diệt cỏ Roundup, đã hoan nghênh thỏa thuận trên. "Việc dàn xếp như thế này quan trọng với các khách hàng của chúng tôi bởi vì đây là một cuộc chiến dài và khó khăn. Hành động này đã mang lại công lý cho các khách hàng của tôi", bà nói.
Bayer đã phải chịu sức ép rất lớn sau khi nhận hàng trăm ngàn đơn kiện liên quan đến chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup. Ban lãnh đạo của tập đoàn này cũng bị chỉ trích nặng nề, đặc biệt về quyết định mua lại công ty Monsanto.
Ông Ken Feinberg, hòa giải viên được thẩm phán liên bang chỉ định cách đây hơn 1 năm, cho biết dù vẫn còn gần 25.000 đơn kiện chưa được giải quyết, nhưng gần như sẽ không có phiên tòa nào về vụ việc trong những tháng tới.
"Bayer đã quyết định khôn ngoan khi tự giải quyết các vụ kiện thay vì chờ 'tung xúc xắc' ở tòa án Mỹ", ông Feinberg nói.
Monsanto là công ty liên quan tới sản xuất chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong chiến tranh.
Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã khởi kiện 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto. Năm 2009, một tòa án quốc tế được lập tại Paris (Pháp) để giải quyết vấn đề liên quan đến chất độc da cam và nạn nhân Việt Nam, nhưng cả chính phủ Mỹ lẫn Monsanto đều từ chối xuất hiện.
Ngày 18-4-2017, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye, Hà Lan công bố kết luận rằng Công ty Monsanto đã hủy diệt môi trường, gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận