Ngư dân Trần Văn Liên (phải) tại phiên tòa - Ảnh: LÊ TRUNG |
- Chiều 30-8 TAND TP Tam Kỳ, Quảng Nam đưa ra xét xử vụ án dân sự do ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) kiện công ty đóng tàu vỏ thép và đơn vị cung cấp máy tàu.
Trước đó như Tuổi Trẻ Online phản ảnh, sau khi chạy thử vào tháng 3-2016, dù chưa được bàn giao, chiếc của ông Liên đã hư hỏng hệ thống đẩy thủy đồng bộ (máy chính).
Chiếc tàu do công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy đóng và công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Liên Á cung cấp hệ thống đẩy thủy đồng bộ cho tàu.
Theo ông Liên, tàu của ông được đóng tại công ty Bảo Duy từ tháng 9-2015, dự kiến đến ngày 30-4-2016 sẽ bàn giao. Ngày 25-3-2016 chạy thử không xảy ra sự cố gì.
Tối 29-3-2016, công ty Bảo Duy gọi ông đến cho tàu chạy thử để sáng 30-3 chạy tàu đường dài. Khi ông ra, do không có nhân viên kỹ thuật máy của công ty Liên Á nên ông không lái. Vì vậy công ty Bảo Duy đã thuê tài công lái.
Tuy nhiên, tàu vừa chạy ra khỏi cầu Mân Quang, Đà Nẵng thì chết máy. Ông Liên xuống kiểm tra thì thấy màng lọc luynh bị hỏng, phía công ty Liên Á kiểm tra máy thì thấy lốc máy bể.
Sau khi xảy ra sự cố, các bên liên quan đã tiến hành nhiều cuộc họp nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung. Vì thế ông Liên đã kiện hai công ty này ra tòa.
Chiếc tàu của ông Liên bị hư hỏng máy phải nằm bờ - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Thanh Quý (được ông Liên ủy quyền) cho biết hiện tàu vẫn chưa được bàn giao với lý do là bị hư máy chính.
Do tàu chưa được bàn giao nên đây là trách nhiệm liên đới của đơn vị đóng tàu và cung cấp máy, vì vậy các đơn vị này phải bồi thường việc máy bị hư hỏng.
Theo chủ tọa, để bàn giao tàu cá cho ông Liên theo cam kết, công ty Bảo Duy đã có kế hoạch chạy thử nghiệm đường dài vào ngày 30-3-2016.
Ngày 29-3, công ty thuê thuyền trưởng chạy tàu qua cầu Mân Quang thì phát sinh sự cố.
Trên tàu lúc chạy thử không có mặt nhân viên kỹ thuật của công ty Liên Á. Việc công ty Bảo Duy tự ý vận hành máy chính khi không có ý kiến thống nhất, không có mặt nhân viên kỹ thuật của công ty Liên Á là không đúng với quy định.
Như vậy, sự cố máy chính xảy ra trong quá trình vận hành ngày 29-3 là do công ty Bảo Duy tự điều động tàu chạy khi không có ý kiến thống nhất của Liên Á, do đó công ty Bảo Duy phải chịu trách nhiệm hoàn toàn việc máy chính bị hư hỏng.
Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử đã tuyên công ty Bảo Duy phải bồi thường thiệt hại cho ông Liên số tiền 2,8 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận